Căn cứ vào kết quả điều tra, UBND Quận 3, TPHCM kết luận chưa đủ cơ sở khoa học để xác định đây là vụ ngộ độc thực phẩm.
UBND quận 3 giao Phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường học trên địa bàn thực hiện đúng các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm; có nhân viên giao nhận và giám sát nhân viên cơ sở cung cấp suất ăn.
Đặc biệt, trường học bố trí phòng riêng biệt để phân chia, hâm nóng thức ăn, tránh bụi bặm, đồng thời định kỳ tổ chức lấy mẫu kiểm tra, giám sát chất lượng nước phục vụ ăn uống trong nhà trường, vận hành hệ thống tự kiểm tra an toàn thực phẩm trong trường học.
|
Một số học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn ngộ độc thực phẩm điều trị ở bệnh viện vào ngày 10/10. Ảnh CAND |
Riêng đối với Trường THPT Lê Quý Đôn, UBND quận 3 đề nghị đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát quy trình chế biến của cơ sở cung cấp suất ăn sẵn đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình chế biến.
Ngoài ra, nhà trường bố trí phòng riêng, kín để phục vụ cho việc hâm nóng và phân chia thức ăn; vệ sinh sạch sẽ bàn ăn của học sinh trước và sau khi ăn; cập nhật đầy đủ thông tin vào sổ lưu mẫu thực phẩm; nghiêm túc vận hành hệ thống tự kiểm tra an toàn thực phẩm căn tin, bếp ăn tập thể.
Hiện nay, Trường THPT Lê Quý Đôn đã tạm ngưng hoạt động căn tin nhà trường và tạm dừng phục vụ suất ăn bán trú từ ngày 14-10-2024 đến khi có kết luận từ các cơ quan chức năng.
Tới đây, Phòng Y tế quận sẽ chủ trì đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở cung cấp suất ăn, bếp ăn tập thể, căn tin tại các trường học trên địa bàn quận.
Trước đó, ngày 11/10, Sở Y tế TPHCM đã thông tin kết quả điều tra ban đầu về các trường hợp nghi ngờ ngộ độc thực phẩm tại Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3).
Cụ thể, sau bữa ăn bán trú tại trường ngày 10/10, có 6 học sinh bị đau bụng, 2 trường hợp trong đó nôn ói. Sau đó, 5 em được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn để theo dõi, 1 em nằm tại phòng y tế của trường.
Đến 17 giờ cùng ngày, tình trạng sức khỏe của các học sinh đã ổn định, tỉnh táo, khuyến cáo tiếp tục theo dõi tại bệnh viện trong vòng 24 giờ.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) phối hợp Trung tâm Y tế quận 3 điều tra dịch tễ, đánh giá nguy cơ và can thiệp theo quy trình xử lý các trường hợp ngộ độc thực phẩm. Kết quả điều tra ban đầu cho biết, các học sinh trên đều ăn bữa trưa bán trú tại trường lúc 11h30 với món bún gạo xào thịt nướng, nem nướng và canh hẹ.
Suất ăn bán trú do 1 công ty tại quận 1 cung cấp. Thức ăn được chế biến sẵn và vận chuyển đến trường bằng xe tải vào khoảng 10 giờ sáng, sau đó phân phối theo từng khay, phục vụ tại phòng ăn của trường. Dụng cụ ăn uống được thu gom và mang về cơ sở để xử lý.
Tính đến ngày 14/10 không thấy các bệnh viện hoặc phòng khám báo có ca mới, cùng với các triệu chứng và cùng ăn trưa tại trường này. Trong quá trình nhập viện và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, 5 bệnh nhi không nôn ói và không tiêu lỏng nên Bệnh viện đa khoa Sài Gòn không thực hiện các xét nghiệm vi sinh và độc chất.
Bình Nguyên (t/h)