Kết luận thanh tra tại trường có ông hiệu trưởng “30 năm độc quyền”

Google News

Cơ quan thanh tra đề nghị kiểm điểm trách nhiệm những người có liên quan đến vụ 30 năm độc quyền làm hiệu trưởng.

Liên quan đến vụ “30 năm độc quyền làm hiệu trưởng” mà Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có nhiều tin, bài phản ánh, mới đây Thanh tra huyện Đầm Dơi (Cà Mau) vừa triển khai Kết luận thanh tra giai đoạn từ năm học 2015 – 2016 đến năm học 2016 – 2017 tại trường này.
Theo kết luận của Cơ quan Thanh tra huyện Đầm Dơi cho thấy, vào thời điểm từ năm học 2015 – 2016 đến năm học 2016 – 2017, Trường Trung học cơ sở Thanh Tùng, nơi ông Trần Vũ Cương có đến 30 năm làm hiệu trưởng (ông Cương chỉ bị điều đi trường khác một năm rồi tiếp tục quay lại làm hiệu trưởng trường này – Phóng viên) đã có nhiều sai phạm liên quan đến vấn đề tài chính với số tiền tương đối lớn.
Ket luan thanh tra tai truong co ong hieu truong “30 nam doc quyen”
Trường Trung học cơ sở Thanh Tùng, nơi xảy ra nhiều vụ việc gây xôn xao dư luận. 
Các sai phạm mà Trường Trung học cơ sở Thanh Tùng hay mắc phải hầu hết xoay quanh vấn đề thanh toán công tác phí, chi không đúng kế hoạch và thanh toán chứng từ không đúng quy định…
Cụ thể, Thanh tra nhà nước huyện Đầm Dơi đã ghi nhận 78 chứng từ không đúng quy định với tổng số tiền sai phạm lên đến hơn 160 triệu đồng.
Tuy nhiên, cơ quan thanh tra xét thấy, việc là có thật nên đã đề nghị bổ sung chứng từ và đề nghị công nhận một số chứng từ sai sót với số tiền trên 100 triệu đồng.
Không chấp nhận 5 chứng từ với số tiền hơn 34 triệu đồng và đề nghị kiểm điểm trách nhiệm những người có liên quan.
Đồng thời, buộc ông Trần Vũ Cương (hiện ông Cương là Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quách Phẩm Bắc, xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi) phải giao nộp lại số tiền hơn 34 triệu đồng; bà Lâm Kim Loan (thủ quỹ) giao nộp lại số tiền 150 ngàn đồng; bà Hồ Ngọc Lý (kế toán) giao nộp lại số tiền 600 ngàn đồng...
Được biết, trong khoảng tiền bị đề nghị phải giao nộp nói trên, phần lớn ông hiệu trưởng Cương đã dùng mua bút có chế độ Camera, ghi âm và mua phần mềm nhưng không có thực tế tại trường.
Làm việc với cơ quan chức năng, ông Cương lý giải phần mềm nói trên thực chất chỉ là đồng hồ có chức năng ghi âm, chụp hình, quay camera và ông mua nó để dùng mục đích quản lý nhà trường theo tinh thần của Bộ Giáo dục và Đào tạo là áp dụng khoa học công nghệ cho việc quản các nhà trường.
Tuy nhiên, khi cơ quan thanh tra đề nghị ông nộp lại hiện vật thì ông không có…
Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh thời gian qua, nhiều giáo viên và phụ huynh Trường Trung học cơ sở Thanh Tùng bức xúc những việc sai trái tại trường này được cho là có liên quan đến ông Hiệu trưởng Trần Vũ Cương.
Cụ thể, dù nhà ở cạnh trường, nhưng ông Hiệu trưởng không đi bằng cổng chính mà lại mở cổng phụ để đi lại và “độc quyền” buôn bán cho học sinh và giáo viên.
Ông Cương còn đứng trước Hội đồng sư phạm trường tuyên bố một nữ giáo viên có thâm niên gần 20 năm dạy môn Văn - Sử vào diện dôi dư và nói sẽ điều chuyển giáo viên này sang làm công tác phổ cập giáo dục, trong khi còn nhiều giáo viên hợp đồng, chưa có bằng đại học và không đủ chuẩn thì được “ưu ái” đứng lớp.
Ngoài ra, còn có nhiều phụ huynh phản ánh về vấn đề tài chính của trường này; trong đó có việc thu học phí không ra lai phiếu, thu bảo hiểm không đăng nộp cho cơ quan bảo hiểm, thu tiền xây dựng sân trường đã nhiều năm nhưng sân trường vẫn còn “trơ đá”;…
Theo quy định thì thời gian làm hiệu trưởng của một trường không quá 2 nhiệm kỳ (tức khoảng 10 năm), nhưng không hiểu vì sao ông Cương được “độc quyền” làm Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thanh Tùng suốt hơn 30 năm (chỉ bị điều đi trường khác một năm rồi điều ngược trở lại – Phóng viên).
Đặc biệt, sau khi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh, ông Hiệu trưởng Trần Vũ Cương không nhận ra cái sai của mình mà còn ra thông báo kỷ luật đối với một giáo viên đang gửi đơn đến cơ quan chức năng phản ánh về hành vi sai trái của ông.
Tuy nhiên, sau đó không lâu, ông bị điều đi trường khác nên “chưa kịp” kỷ luật giáo viên dám đứng lên nói về các sai phạm có liên quan tới ông.
Theo Ngọc Huỳnh/ Giáo dục Việt Nam