Đó là nhận định của TAND huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh đối với bị cáo Ngô Thị Có (SN 1969), Nguyễn Thị Tâm (SN 1988), Đoàn Thị Sương (SN 1972), Đoàn Thị Sanh (SN 1976) bị truy tố về tội “Mua bán người”.
Manh mối vụ án bắt nguồn từ tin tố giác của chị Lê Thị Mai Duyên, (SN 1984, ngụ huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) sau một đào thoát ly kỳ từ Trung Quốc về nước.
Chị Duyên bị Nguyễn Thị Tâm trực tiếp tuyển chọn hứa hẹn sẽ được đưa sang Trung Quốc “đổi đời”. Chị Duyên được Tâm giao cho Ngô Thị Có đưa sang Trung Quốc bán được số tiền là 26.000 nhân dân tệ Trung Quốc (tương đương 78 triệu đồng Việt Nam). Ngày 20/8/2017, chị Tâm trốn thoát và tố cáo, từ thông tin này, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tây Ninh phối hợp với Bộ Công an đã phá một đường dây buôn người do Ngô Thị Có cầm đầu.
|
Ảnh minh họa. |
Cơ quan CSĐT đã bắt quả tang Ngô Thị Có đang chuẩn bị đưa 3 cô gái quê ở tỉnh Đồng Tháp và Tây Ninh lên xe ô tô đi Hà Nội để đưa sang Trung Quốc bán cho đàn ông bản xứ. Các bị cáo Trần Thị Sỹ, Nguyễn Thị Tâm, Đoàn Thị Sương và Đoàn Thị Sanh cũng lần lượt bị bắt.
Lời khai của Ngô Thị Có thể hiện, Có lấy chồng và sinh sống tại Trung Quốc từ năm 2010. Trong quá trình sinh sống bên nhà chồng, Có nhận thấy đàn ông tại đây thiếu vợ. Họ phải đi nhiều nơi để tìm vợ nhưng không được. Gần gia đình nhà chồng của Có cũng có một số đàn ông Trung Quốc sống độc thân và đang có nhu cầu lấy vợ Việt Nam. Vì vậy, Có nảy sinh ý định về Việt Nam trực tiếp tuyển chọn phụ nữ bán nhằm trục lợi bất chính.
Để kiếm “nguồn hàng”, Có thoả thuận cấu kết với Nguyễn Thị Tâm, Đoàn Thị Sanh, Đoàn Thị Sương. Trước khi thực hiện hành vi phạm tội, các bị cáo có sự thỏa thuận, thống nhất về tuyển mộ, tuyển chọn các phụ nữ, giá cả, thời gian, địa điểm tiếp nhận và chuyển giao để đưa sang Trung Quốc trái phép bán hưởng lợi.
Theo bàn bạc của các bị cáo, để dụ dỗ các cô gái, Có vẽ ra viễn cảnh lấy chồng Trung Quốc rất sung sướng, chỉ ở nhà chăm con. Nếu Sanh, Sương, Sỹ, Tâm giới thiệu được mỗi một cô gái sẽ được Có trả 5 triệu đồng/người. Khi các cô gái được đưa sang Trung Quốc trót lọt, Có sẽ trả thêm cho gia đình nạn nhân từ 45-60 triệu đồng/người.
Khi các cô gái được đưa sang Trung Quốc, Có sẽ bán lại cho những người đàn ông tại đây với giá 3 vạn nhân dân tệ (khoảng 90 triệu đồng tiền Việt). Trong trường hợp, đồng bọn tìm được người ưng ý, cần sự thuyết phục cao, Có sẽ trực tiếp về nước để dụ dỗ và đích thân dẫn sang Trung Quốc.
Vì hoa mắt trước lợi ích vật chất, Sương, Sanh, Tâm đã cam tâm “bán linh hồn” cho Có. Đặc biệt là bộ đôi “Sanh, Sương” là những đối tượng đã có tiền án về tội “Trộm cắp tài sản” nhưng không chịu cải tà quy chính.
Tại phiên tòa, Ngô Thị Có khai nhận từ năm 2013 đến năm 2018, thông qua môi giới và trực tiếp đi tuyển chọn, bị cáo đã “gom” 8 phụ nữ Việt Nam đưa sang Trung Quốc bán cho đàn ông xứ này làm vợ. Giá mỗi cô gái được Có bán từ 70 đến 90 triệu đồng. Khoản tiền trên, bị cáo Có đưa cho gia đình những phụ nữ bán được từ 50 đến 60 triệu đồng, trả tiền công cho người giới thiệu 5 triệu đồng/1 phụ nữ, riêng Có chiếm hưởng 36 triệu đồng. Bị cáo Có trực tiếp tuyển 6 phụ nữ, bán 6 lần, nhưng các cơ quan bảo vệ pháp luật chỉ làm việc với 2 người bị hại, nhiều phụ nữ khác vẫn đang lưu lạc ở xứ người.
Quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo thừa nhận toàn bộ hành vi, không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. HĐXX nhận định vụ án có tính chất rất nghiêm trọng, bị cáo Có và các đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội có tổ chức, đưa nạn nhân sang Trung Quốc bán cho những người đàn ông mua làm vợ nhằm thu lợi bất chính. Hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm đến danh dự nhân phẩm phụ nữ Việt Nam, xem phụ nữ như hàng hóa dùng để trao đổi, mua bán lấy tiền, làm ảnh hưởng đế thuần phong mỹ tục, truyền thống người phụ nữ Việt Nam.
Từ đó, HĐXX tuyên phạt bản án rất nghiêm khắc để răn đe. Ngô Thị Có lãnh 12 năm tù; Đoàn Thị Sương 10 năm tù; Nguyễn Thị Tâm 8 năm tù; Đoàn Thị Sanh 8 năm tù.
Bản án nghiêm minh có tác dụng răn đe phòng ngừa chung nhưng qua đó cũng là hồi chuông cảnh báo các cô gái trẻ, các gia đình ở vùng biên giới cảnh giác trước mánh khóe ngày càng tinh vi, tuyệt đối không nghe những lời dụ dỗ của các đối tượng để rồi phải gánh chịu bi kịch nơi đất khách quê người...
(Tên bị hại đã được thay đổi).
Theo An Dương/Công Lý