Kê khai tài sản, siết với đối tượng dễ có điều kiện tham nhũng

Google News

Nhóm người có cơ hội, nguy cơ tham nhũng nhiều hơn, tới đây phải chịu sự kiểm soát tài sản chặt hơn.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 130/2020 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, cho hay: “Đây là một văn bản rất quan trọng và cũng rất phức tạp bởi liên quan đến quyền sở hữu tài sản của cá nhân”. Theo ông Minh, nghị định có hiệu lực vào ngày 20-12-2020 nhưng do tính chất phức tạp, có nhiều điểm mới, số đối tượng phải kê rất lớn nên việc kê khai tài sản có thể sẽ bắt đầu từ ngày 1-1-2021 và hoàn thành trong quý I-2021.
Ke khai tai san, siet voi doi tuong de co dieu kien tham nhung
TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ
105 vị trí phải kê khai tài sản hằng năm
. Phóng viên: Nghị định 130/2020 có những quy định nào mới, đáng chú ý so với các quy định trước đây, thưa ông?
+ TS Đinh Văn Minh: Qua tổng kết Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2005 cho thấy việc kê khai tài sản được nhận định là “nặng tính hình thức”. Có nghĩa là trình tự, thủ tục rất đúng, mọi người kê khai rất đầy đủ, đúng thời gian, năm nào cũng 99% nhưng qua kê khai rất ít khi phát hiện ra những dấu hiệu bất thường để phát hiện ra những bất minh, xử lý thu hồi tài sản.
Vì vậy, tới Luật PCTN 2018 và Nghị định 130/2020 đều có rất nhiều điểm mới để bảo đảm cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập thực chất hơn.
Điểm mới đầu tiên là đối tượng kê khai tài sản vừa rộng vừa có trọng tâm. Nếu trước kia đối tượng kê khai chỉ là trưởng phòng cấp huyện trở lên thì hiện nay tất cả cán bộ, công chức phải kê khai, riêng viên chức thì từ phó phòng.
Nghị định quy định bốn đối tượng kê khai tài sản, gồm tất cả cán bộ, công chức; phó phòng trong các đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước; sĩ quan công an, sĩ quan quân đội, quân nhân quốc phòng và những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.
Như vậy, số lượng người phải kê khai rất lớn nhưng khác căn bản là trước kia năm nào cũng phải kê khai. Còn bây giờ, tất cả cán bộ, công chức chỉ kê khai lần đầu và chỉ một lần như một hoạt động rất bình thường trong hồ sơ cán bộ. Đối tượng này chỉ kê khai bổ sung khi tài sản tăng thêm 300 triệu đồng (theo Điều 40 Luật PCTN 2018).
Tuy nhiên, cũng có những người phải kê khai hằng năm. Đó chính là đối tượng mà chúng ta gọi là “có cơ hội tham nhũng”, “có nguy cơ tham nhũng” nhiều hơn. Nhóm này cần phải chịu sự kiểm soát nhiều hơn và cũng thể hiện việc kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm.
Cụ thể là những người giữ vị trí từ giám đốc sở trở lên; những người làm công tác trong một số lĩnh vực mà chúng ta coi là dễ xảy ra tham nhũng như tổ chức cán bộ, công tác quản lý và sử dụng tài sản công, tài chính công; những người giải quyết trực tiếp việc của công dân, cơ quan, tổ chức như làm sổ đỏ, thủ tục đăng ký kinh doanh…
Phụ lục của nghị định liệt kê 105 vị trí công việc, cán bộ, công chức từ phó phòng trở lên phải kê khai tài sản hằng năm.
Ngoài ra, người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp và 13 ngạch công chức được coi là nắm giữ nhiều quyền lực và có cơ hội để tham nhũng cần kiểm soát, bao gồm thanh tra viên, kiểm sát viên, kiểm tra viên hải quan, kiểm tra viên của đảng, kiểm soát thị trường, thẩm phán…
3,5-4 triệu là số cán bộ, công chức kê khai lần đầu theo tính toán dự kiến. Còn hiện nay chưa thống kê cụ thể vì ngay cả việc xác định đó là những ai phải qua thực tế mới nắm được. Trong khi đó, số kê khai hằng năm sẽ giảm đi rất nhiều.
Ke khai tai san, siet voi doi tuong de co dieu kien tham nhung-Hinh-2
 
Có thể xác minh ngẫu nhiên người kê khai tài sản
. Theo ông, việc xác minh tài sản, thu nhập sẽ được thực hiện như thế nào để thoát khỏi tính hình thức?
+ Xác minh tài sản, thu nhập cũng là một trong những nội dung có nhiều điểm mới. Cụ thể, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có quyền chủ động xác minh dựa vào tố cáo, thậm chí khi có dấu hiệu rõ ràng như ông cán bộ đi xe hơi xịn hay ở biệt thự năm, bảy năm nhưng trong kê khai không có thì cơ quan này có quyền đặt câu hỏi và cần thiết sẽ quyết định tiến hành xác minh.
Việc xác minh cũng được thực hiện theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác cán bộ.
Đặc biệt lần này có một hình thức mới là xác minh ngẫu nhiên. Điều này có nghĩa là ai cũng có thể bị xác minh bất cứ lúc nào, không vì lý do nào cả. Hình thức này là để nhắc nhở, cảnh báo cho tất cả những người kê khai tài sản là dù có che giấu kỹ đến đâu thì bất kỳ lúc đó cũng có thể nằm trong diện xác minh. Việc này cũng nhằm để người kê khai phải đề cao tính trách nhiệm, tính trung thực mỗi khi đặt bút kê khai tài sản.
Tuy nhiên, nói là ngẫu nhiên không có nghĩa là tuyệt đối. Ngẫu nhiên ở đây vẫn căn cứ vào các kế hoạch. Chẳng hạn năm nay Ban chỉ đạo Trung ương PCTN xác định một số lĩnh vực nào đó nhiều sai phạm, tham nhũng thì sẽ có sự chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát những cán bộ, công chức làm việc trong lĩnh vực này.
Hằng năm, Thanh tra Chính phủ sẽ có định hướng cho việc xây dựng kế koạch xác minh và các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch xác minh của mình.
. Với số lượng kê khai rất lớn như hiện nay, việc thực hiện xác minh tài sản, thu nhập có thể sẽ được tính toán như thế nào, thưa ông?
+ Hiện nay, chúng ta quyết tâm rất lớn là hằng năm cố gắng chọn 20% số cơ quan thuộc diện mình kiểm soát. Như Thanh tra Chính phủ có 20 đầu mối thì mỗi năm xác minh 20%, tức khoảng bốn cơ quan trong các lĩnh vực được xác định là “có nhiều vấn đề” đưa vào kế hoạch xác minh.
Trong từng cơ quan lại cố gắng xác minh được 10% số cán bộ, công chức thuộc diện kê khai hằng năm. Ví dụ, cơ quan có khoảng 50 người thì năm người được xác minh. Trong 10% này, dứt khoát phải có một người đứng đầu hay cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đó. Lúc đấy mới bốc thăm để tìm ra người ngẫu nhiên vào diện xác minh chứ không phải ngẫu nhiên ngay từ đầu.
Chính phủ sẽ nghiên cứu, sẽ hướng dẫn việc này và làm sao bảo đảm tính công khai, minh bạch. Trong nghị định cũng nói rằng cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập sẽ mời đại diện cơ quan kiểm tra Đảng, Mặt trận Tổ quốc chứng kiến để bảo đảm minh bạch, khách quan, công bằng.
. Kết quả xác minh tài sản thu nhập có ảnh hưởng thế nào đến người kê khai tài sản?
+ Xác minh tài sản thu nhập có mục đích quan trọng, nhất là đánh giá người kê khai trung thực hay không trung thực. Luật PCTN và nghị định mới khá nghiêm khắc, nếu người kê khai bị kết luận là không trung thực thì có thể bị cảnh cáo, chứ không có khiển trách. Việc này khiến họ có thể bị hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc. Nếu họ đang được quy hoạch thì bị bỏ ra khỏi quy hoạch; đang ứng cử thì bị gạch tên khỏi danh sách ứng cử; đang được dự kiến bổ nhiệm sẽ không được bổ nhiệm...
Tuy nhiên, nghị định cũng có quy định là nếu người kê khai bị kết luận không trung thực mà chủ động từ chức thì sẽ không bị kỷ luật. Ở đây không phải là xí xóa mà trong đấu tranh PCTN cần làm sao cho hiệu quả. Đối với người đang làm lãnh đạo mà phải từ chức là một việc rất nặng nề rồi…
. Xin cám ơn ông.
Tài sản người thân mà có mối liên quan cũng sẽ bị xử lý
. Nghị định 130/2020 xử lý câu chuyện kiểm soát tài sản của người nhà, người thân để tránh việc đứng tên hộ, núp bóng thế nào, thưa ông?
+ Hiện nay, việc kê khai tài sản vẫn còn hạn chế là chỉ kiểm soát được tài sản cán bộ, công chức, dễ dẫn đến tình trạng tài sản đứng tên người khác. Quốc hội đã bàn rất nhiều, nhiều ý kiến cũng rất muốn mở rộng đối tượng, kiểm soát cả tài sản của vợ, chồng, con, cha mẹ, họ hàng. Nhưng về mặt pháp lý, quyền tài sản là quyền con người, quyền công dân mà những người đủ tuổi thành niên có quyền và tự chịu trách nhiệm.
Thêm nữa, quy định như vậy cũng nằm ngoài khả năng của người kê khai. Chẳng hạn, người kê khai có con đã lập gia đình riêng, làm ăn ở xa, thậm chí là nước ngoài, họ cũng không có khả năng buộc con mình cho biết tài sản, thu nhập để kê khai theo quy định.
Tuy nhiên, nếu tài sản mang tên người khác nhưng có mối quan hệ liên quan thì cũng bị xử lý. Chẳng hạn, biệt thự tuy mang tên ông bố nhưng cơ quan chức năng chứng minh được có nguồn gốc từ tiền của người con thì chúng ta hoàn toàn có thể xử lý được. Luật PCTN hiện nay quan niệm tài sản tham nhũng là tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng nên có đủ cơ sở để xử lý, kể cả khi tài sản đó mang tên người khác.
Về lâu dài, để việc kiểm soát thực sự có hiệu quả, chúng ta phải mở rộng việc kiểm soát ra toàn xã hội bằng các công cụ thuế, chống rửa tiền, hạn chế chi tiêu tiền mặt....

Theo Đức Minh/PLO