Đây là một trong những nội dung được đề cập trong cuộc trao đổi bàn tròn tại Phiên toàn thể của Hội thảo Văn hoá 2022, diễn ra tại Bắc Ninh, chiều 17/12
Trao đổi bàn tròn tại Phiên toàn thể của Hội thảo Văn hoá 2022
Dám làm thì có thể làm được
Ông Phan Thanh Hải, GĐ Sở VHTT tỉnh TT-Huế cho rằng việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho Thừa Thiên – Huế với những chính sách cụ thể, trong đó có lĩnh vực văn hoá đã tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương, như cho phép giữ lại toàn bộ nguồn thu từ phí tham quan để trung tu di sản; cho lập quỹ bảo tồn di sản để tiếp nhận các nguồn hỗ trợ.
Vị giám đốc sở chia sẻ, trước đây có địa phương hứa hỗ trợ hàng chục tỉ động cho Thừa Thiên Huế nhưng cuối cùng không thực hiện được. Câu chuyện này hiện nay đã được giải quyết khi tỉnh được thí điểm cơ chế đặc thù, các nguồn hỗ trợ được phép tiếp nhận.
Ông cũng cho biết, vừa qua tỉnh cũng mạnh dạn có văn bản đề xuất Chính phủ cho phép sử dụng khoản tiền trên để hồi hương cổ vật và trong tương lai quỹ này có thể được sử dụng linh hoạt cho trùng tu di tích đặc biệt.
Ông Phan Thanh Hải, GĐ Sở VHTT tỉnh TT-Huế
“Huế còn nghèo, thu ngân sách còn thấp nhưng luôn xem văn hoá di sản là thế mạnh, là động lực; ứng xử với văn hoá di sản luôn được ưu tiên đặc biệt” – ông Phan Thanh Hải nhấn mạnh và dẫn chứng Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành 1 Nghị quyết riêng về hỗ trợ việc thành lập các Bảo tàng tư nhân và tỉnh tự bỏ tiền đi đấu giá quốc tế để đưa cổ vật về nước.
Sau hơn 1 năm đã có 5 bảo tàng ngoài công lập được thành lập và hoạt động hiệu quả, có bảo tàng tư nhân được đầu tư lớn và trưng bày số cổ vật rất giá trị.
Hay chiếc xe kéo do vua Thành Thái mua tặng mẹ sau hơn 100 năm thất lạc ở Pháp đã được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đấu giá thành công với giá 1,5 tỷ đồng để đưa về nước, trong đó ngân sách của tỉnh chi 1 tỷ đồng và huy động được 500 triệu đồng.
“Đây là lần đầu đấu giá cổ vật ở nước ngoài thành công. Ngân sách không niều nhưng dám làm thì có thể thành công, đó là bài học” – ông Hải nói.
Cũng đề cập đến vấn đề hồi hương cổ vật, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông cho biết, Việt Nam qua thời gian dài chiến tranh nên lượng cổ vật tán ra nước ngoài khá nhiều. Năm 2005, Việt Nam tham gia Công ước của UNESCO về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa; Luật Di sản văn hoá cũng được sửa đổi cũng tạo thêm nhiều thuận lợi về quản lý cổ vật.
Thời gian vừa qua, bộ cũng nhận dược nhiều tin tức về cổ vật, tài sản văn hoá nguồn gốc từ Việt Nam đang nằm ở các bộ sưu tập cá nhân và bảo tàng trên thế giới. Bộ có hướng xây dựng kế hoạch thống kê cổ vật này và có lộ trình cụ thể, thống nhất cùng các ban, bộ ngành liên quan để trình Thủ tướng cho phép từng bước thực hiện.
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông
“Để hồi hương cổ vật là cực kỳ khó khăn, vì luật pháp giữa các nước khác nhau, bên cạnh đó là kinh phí. Vừa qua Bộ VH-TT-DL cổ vũ và khuyến khích các hình thức kết hợp tư nhân, công ty để đấu giá, mang hiến tặng cổ vật này cho bảo tàng, di tích” – ông Tạ Quang Đông nhấn mạnh và cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu tham mưu ban hành các chính sách để huy động thêm được nguồn lực xã hội nhằm hồi hương cổ vật giá trị.
Đầu tư cho văn hoá đủ lớn hay chưa?
Trước câu hỏi về số vốn ngân sách trung ương đầu tư cho văn hoá có lớn không và đã thực sự được ưu tiên hay chưa, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông khẳng định, thực hiện chủ trương của Đảng, các bộ, ngành đã ưu tiên cho văn hoá.
Dẫn hai nguồn từ ngân sách nhà nước là nguồn vốn đầu tư phát triển và nguồn kinh phí sự nghiệp khoảng 66.500 tỷ đồng trong giai đoạn vừa qua, chiếm khoảng 2%, ông Trần Duy Đông cho rằng cơ bản đáp ứng theo Chiến lược phát triển văn hoá. Ngoài ra, chi thường xuyên cũng thường gấp 3 đến 5 lần chi đầu tư phát triển.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh đây chỉ là “vốn mồi” vì nhu cầu đầu tư cho văn hoá là rất lớn nên cần tiếp tục các cơ chế, chính sách để thu hút xã hội hoá. Với ngân sách nhà nước, vì nguồn lực còn hạn hẹp nên cần rà soát đầu tư trọng tâm, trọng điểm, phát huy lợi thế và vào khu vực tư nhân không đầu tư.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT cũng cho rằng, trong lĩnh vực văn hoá có những hoạt động không tạo ra giá trị tài chính nhưng có hoạt động mang lại lợi nhuận gia tăng rất lớn. Do vậy, khi đấnh giá hiệu quả đầu tư cho văn hoá không chỉ đơn thuần về mặt kinh tế, doanh thu, lợi nhuận, thời gian hoàn vốn mà cần xét trên nhiều khía cạnh, như công trình được hoàn thiện đóng góp cho giá trị kiến trúc, tổ chức hoạt động giao lưu, sáng tạo văn hoá và thụ hưởng văn hoá...
Trước nhiều ý kiến băn khoăn về việc luật chưa cho phép hợp tác PPP, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, trước đây khi xây dựng luật, qua rà soát thì thấy rằng đầu tư cho văn hoá là có điều kiện, phải đảm bảo thuần phong mỹ tục và không xung đột giá trị văn hoá nên kiến nghị chưa quy định.
“Luật pháp không thể hiện hết được thực tiễn. Qua các đề xuất của địa phương thì chúng tôi thấy rằng cần nghiên cứu, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét thí điểm PPP ở lĩnh vực ăn hoá và phải cụ thể như công nghiệp điện ảnh, âm nhạc, thời trang. TP.HCM cũng đề xuất nên Bộ KH-ĐT sẽ cùng các bộ ngành và địa phương rà soát để đảm bảo khả thi” – ông Đông nói./.
Theo Ngọc Thành/VOV