Theo dõi ngược lực lượng đánh án
Đó là đối tượng Trần Trung Hùng (còn gọi là Hùng “Giống”- SN 1987, quê Nam Định), một tay giang hồ rất cộm cán ở Kom Tum. Đối tượng này quy tập một lực lượng đàn em gồm những thành phần xã hội đen để hoạt động với những chiêu như gồm đòi nợ thuê, đâm thuê, chém mướn, bảo kê, buôn bán trái phép chất ma túy.
|
Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến. Ảnh: Dân trí |
“Trong quá trình đòi nợ thuê, Hùng và đàn em từng đánh đập dã man và chặt ngón tay của một người. Hùng và đàn em rất lộng hành, chúng gây ra nhiều vụ án khiến cho người dân hoang mang, lo sợ. Đối tượng dùng xe máy phân khối lớn, chạy tốc độ cao để thoát khỏi lực lượng truy đuổi. Đặc biệt, đối tượng này lúc nào cũng kè kè khẩu súng AK, súng ngắn và lựu đạn, sẵn sàng bắn trả lại lực lượng truy bắt. Đối tượng còn sử dụng ma túy đá” - Tướng Tiến cho biết.
Việc bắt được đối tượng đặc biệt nguy hiểm như Trần Trung Hùng điều quan trọng nhất là sự tính toán về nghiệp vụ, phương án, chứ không phải đông quân là thắng. Nếu như trong ngôi nhà Hùng ẩn náu có người thì lực lượng công an không thể tấn công được”.
Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến
Thời điểm cuối tháng 11.2016, Trần Trung Hùng đã mang 4 lệnh truy nã, Công an tỉnh Kom Tum lập kế hoạch để bắt đối tượng này. Khi phát hiện Hùng làm lán để ẩn náu bên bờ suối, lực lượng công an đã tiến hành vây bắt. Phát hiện bị bao vây, đối tượng lập tức nổ súng xối xả ra xung quanh khiến một cán bộ công an trúng đạn bị thương. “Khi Hùng bỏ trốn, camera của lực lượng công an thu được hình ảnh hắn cởi trần, khẩu AK vác trên vai, đạn cuốn quanh người trông chẳng khác nào fulro những năm 80 của thế kỷ trước”- Tướng Hồ Sỹ Tiến cho biết.
Sau vụ bắt hụt đối tượng, lực lượng của Cục Cảnh sát hình sự đã được điều từ Hà Nội vào để thực hiện truy bắt. “Khi chúng tôi vào, đối tượng Hùng đã cử đàn em theo dõi xem lực lượng của Bộ Công an thế nào. Để đảm bảo bí mật, đoàn công tác đã phải vào Trung tâm Huấn luyện của Công an tỉnh” – Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến cho biết.
Huy động xe bọc thép
Theo Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, trong quá trình truy bắt Trần Trung Hùng, ông từ Hà Nội vào Kom Tum đến 3 lần. Qua theo dõi của trinh sát, mặc dù bị truy nã gắt gao nhưng đối tượng Hùng không bỏ trốn xa, chỉ loanh quanh trên địa bàn tỉnh. Thời điểm khi lực lượng của Bộ Công an vào truy bắt, đối tượng Hùng vẫn đi đòi nợ thuê. Đối tượng còn dọa “con nợ” nếu không đến trả tiền sẽ bị bắn vỡ đầu, “con nợ” sợ quá phải đi báo công an.
“Ban ngày đối tượng Hùng lên rừng, ra rẫy trốn, đến tối lại nhờ người thân, quen đưa đi tá túc. Những người giúp thường đưa Hùng đến nhà người thân của họ để gửi rồi về. Nghĩa là đối tượng khi trốn luôn ở cùng người dân nên việc truy bắt rất khó. Hùng vốn là kẻ manh động, liều lĩnh, súng và lựu đạn lúc nào cũng kè kè bên người nên việc truy bắt không cẩn thận sẽ nguy hiểm đến tính mạng của người dân”- Tướng Hồ Sỹ Tiến kể lại.
|
Đối tượng Hùng bị bắt giữ (hình ảnh của cơ quan công an). |
Khi đó Ban chuyên án đã phải dùng phương án lần lượt theo dõi và bắt giữ tất cả những ai đã giúp Hùng ẩn náu để đối tượng không còn nơi để nhờ. “Có lần lực lượng công an xác định Hùng đang lẩn trốn trong một căn nhà mà toàn bộ gia đình này đều đi vắng hết nên kế hoạch vây bắt đã được triển khai. Tuy nhiên do sơ xuất dẫn đến thông tin bị lộ nên khi lực lượng trinh sát ập vào thì đối tượng Hùng đã đi mất hút” – Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự cho hay.
Sau khi nhiều người giúp Hùng lẩn trốn lần lượt bị bắt, đối tượng chỉ còn người yêu để nhờ tiếp tế. Người yêu của Hùng lại nhờ một người khác. Bằng biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an đã buộc người này đưa Hùng vào căn nhà không có người để ẩn náu. Sau khi xác định, đối tượng đang ở trong căn nhà không có người tại xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, lực lượng công an tiến hành bao vây.
“Chúng tôi huy động xe bọc thép, dùng lựu đạn hơi cay và gọi loa đối tượng ra hàng. Biết không thể chống cự hay bỏ trốn, Hùng đã ra đầu hàng. Lực lượng công an đã thu giữ được 1 khẩu súng AK, có 1 viên đã lên nòng và 1 băng đạn có 31 viên; 1 khẩu súng K59 có 7 viên đạn thì 1 viên cũng đã lên nòng”- Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến kể.
Theo Lương Kết/Dân Việt