Tại cuộc họp ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội chiều ngày 14/2, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã đề nghị Sở GD&ĐT đề xuất Bộ GD&ĐT xây dựng kế hoạch và tổ chức 4 kỳ nghỉ trong một năm như nhiều quốc gia khác.
Theo ông Nguyễn Đức Chung, nếu có 4 kỳ nghỉ thì tổng thời gian nghỉ hè vẫn là 3 tháng, trong đó nghỉ hè kéo dài 35 ngày, nghỉ Tết khoảng 1 tháng, 2 kỳ nghỉ còn lại mỗi kỳ kéo dài 2 tuần. Ông cho biết, việc này còn đảm bảo kích cầu tiêu dùng, kích cầu du lịch và phân luồng, phân bố lại tình hình giao thông của thành phố tốt hơn.
Đề xuất có 4 kỳ nghỉ/năm của Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhận được nhiều sự đồng tình từ các giáo viên, các chuyên gia giáo dục.
Nhiều ý kiến cho rằng, phương án này hoàn toàn khả thi bởi nghỉ 4 kỳ trong năm sẽ giúp học sinh đỡ sức ì hơn so với một kỳ nghỉ kéo dài đến 3 tháng như hiện nay.
Đồng thời ông cho rằng, phương án này sẽ có lợi về mặt tổ chức giảng dạy và tổ chức học tập. Dù ủng hộ nhưng nhiều giáo viên cho rằng nên áp dụng và triển khai đồng loạt trên cả nước thay vì áp dụng chỉ ở Hà Nội bởi giáo dục là ngành có hoạt động liên quan đến nhau và mang tính chất toàn quốc.
|
PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT. |
Trao đổi với PV Kiến Thức, PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) chỉ là một đợt thôi, vấn đề là nên giải quyết nhu thế nào.
"Nếu cho các học sinh trên cả nước phải nghỉ học dài ngày thì nên bắt đầu sử dụng phương thức học qua vô tuyến thì rất tốt. Bởi ở thời đại cách mạng 4.0, có thể dạy học từ xa, qua mạng, thậm chí qua tivi. Bây giờ một số trường học đã làm rồi. Nếu trở thành chủ trương của Chính phủ, các kênh truyền hình trung ương và địa phương có thể vào cuộc.
Bây giờ ta có thể thiết kế và không nên để học sinh nghỉ lâu đến như thế. Bởi vì, hiện nay một ngày nghỉ học có nghĩa là hơn 20 triệu công lãng phí. Nếu ta không sử dụng thì đôi khi "nhàn cư vi bất thiện", học sinh không biết làm gì, thậm chí có thể hư hỏng. Vấn đề là vẫn có thể học qua truyền hình, qua mạng được", PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ nói.
Nêu ý kiến về việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị Sở GD&ĐT đề xuất Bộ GD&ĐT cho học sinh nghỉ 4 kỳ trong năm, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, vấn đề cho học sinh nghỉ hè 4 kỳ, hai kỳ hay một kỳ thì phải tính toán.
"Nghỉ hè ở Việt Nam có từ thời xưa. Ngay từ thời Pháp thuộc, năm học cũng bắt đầu từ tháng 9 và đến tháng 7 năm sau. Đặc biệt, miền Nam và miền Trung, mấy tháng hè nóng dữ dội nên phải xem thử. Chuyện nghỉ hè 4 kỳ trong năm, ở một số nước trong vùng Đông Nam Á người ta vẫn thực hiện như ở Singapor, Malaysia. Giữa kỳ một và kỳ hai của năm học, người ta cho học sinh nghỉ dài một chút, giữa hai kỳ, học sinh học nửa kỳ người ta có thể cho nghỉ một tuần hoặc 10 ngày.
Hơn nữa khí hậu ở Việt Nam, miền Nam và miền Bắc không giống nhau. Miền Bắc có thời điểm lạnh ghê gớm nhưng lại có thời điểm nắng nóng. Cho nên vấn đề nghỉ nhiều kỳ trong năm tôi có thể tán thành nhưng không nhất thiết phải thống nhất cả nước", PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ cho biết.
PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ cho rằng, cho học sinh nghỉ phải phù hợp với khí hậu. Ông dẫn chứng ngày xưa bản thân ông cũng trải qua những năm nghỉ hè vào mùa thu hoạch cho nên nghỉ học nhưng học sinh có thể tham gia lao động được.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, có thể cho học sinh nghỉ học 4 kỳ trong năm được để học sinh không phải căng thẳng nhiều quá mà có thể giãn ra. Tuy nhiên, thiết kế như thế nào cho phù hợp với sức lực của học sinh, phù hợp với thời tiết, khí hậu, phù hợp với tình hình xã hội như ở thành phố có thể căng thẳng chuyện tắc đường nhưng ở nông thôn thì không như vậy.
"Theo tôi nếu làm, mốc đầu mốc cuối (thi tốt nghiệp, tuyển sinh đại học) có thể chốt vì phải thống nhất, không thể tùy tiện ở mỗi địa phương tự thay đổi nhưng các mốc khác để các địa phương tính toán cho phù hợp với tình hình để thực hiện. Vấn đề còn phải tiếp tục suy nghĩ sâu hơn nữa, thiết kế sâu hơn nữa, thiết kế theo từng vùng sao cho phù hợp rồi mới có thể quyết định được", ông Trần Xuân Nhĩ nêu ý kiến.
>>> Mời độc giả xem video "Trốn" dịch Covid-19: Học sinh nghỉ học, giáo viên làm gì?:
Tâm Đức