HS bị điện giật tử vong khi trường điều đi tỉa cây: Nhà trường chủ quan, sơ suất

Google News

(Kiến Thức) - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương cho rằng, nhà trường đã sơ suất, chủ quan khi giao việc cắt tỉa cây xanh trong trường cho học sinh. Bởi những việc đó lẽ ra phải thuê người có chuyên môn, có phương tiện máy móc hỗ trợ.

Điều học sinh đi chặt tỉa cây là chủ quan, sơ suất
Trao đổi với PV Kiến Thức về vụ việc học sinh lớp 9, trường THCS Quyết Thắng (TP Hải Dương) chặt tỉa cây xanh theo kế hoạch phân công của nhà trường dẫn đến bị điện giật tử vong, bà Nguyễn Thị Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương cho rằng, nhà trường đã sơ suất, chủ quan khi giao việc cắt tỉa cây xanh trong trường cho học sinh.
“Dù nhà trường đã chọn các cháu lớn nhưng những việc đó lẽ ra phải thuê người có chuyên môn, có phương tiện máy móc hỗ trợ. Việc điều động phân công học sinh đi chặt tỉa cây xanh là chủ quan” - bà Nguyễn Thị Tiến cho biết.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương nói rằng, ngay khi nhận được thông tin vụ việc, lãnh đạo Sở đã chỉ đạo nhà trường, giáo viên chủ nhiệm quan tâm cùng gia đình đưa cháu đi cấp cứu và khi cháu mất, Sở cũng chỉ đạo nhà trường, Phòng GD&ĐT TP Hải Dương tổ chức tang lễ cho cháu.
HS bi dien giat tu vong khi truong dieu di tia cay: Nha truong chu quan, so suat
 Trường THCS Quyết Thắng nơi xảy ra sự việc.
“Sở GD&ĐT không quản lý trực tiếp cấp học đó mà do UBND TP Hải Dương. Phòng GD&ĐT thay cơ quan chuyên môn của thành phố để giúp UBND TP quản lý việc đó.” - bà Nguyễn Thị Tiến nói và cho biết, không có quy định nào nhà trường được điều động học sinh cắt tỉa cây có độ cao và việc đó nhà trường không chặt chẽ, bao quát công việc, rất là chủ quan.
Theo bà Tiến, các cơ quan chức năng của thành phố sẽ vào cuộc để xác minh rõ nguyên nhân sự việc. Đồng thời xem xét trách nhiệm thuộc về ai đến đâu, vi phạm đến đâu sẽ xử lý nghiêm đến đó.
“Phía gia đình dù chia sẻ thông cảm với nhà trường nhưng về mặt chính quyền và ngành giáo dục đang trong quá trình xem xét sự việc để xử lý” -Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Tiến cho hay.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương cho biết, quan điểm hàng năm Sở đều có công văn chỉ đạo phòng chống tai nạn thương tích cho giáo viên học sinh các nhà trường đều yêu cầu thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn trường học cho học sinh. Sau sự việc trên, Sở sẽ tiếp tục có những văn bản, nhắc nhở yêu cầu các nhà trường kiểm tra, rà soát lại các điều kiện cơ sở vật chất để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra.
“Ngay ngày hôm nay (26/5), Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương đã ban hành thêm một công văn nữa để lưu ý các nhà trường, nhắc nhở, nhấn mạnh việc đảm bảo an toàn cho các học sinh” - bà Nguyễn Thị Tiến cho hay.
Trách nhiệm thuộc về nhà trường
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã luôn quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn trong trường học và phòng, chống bạo lực học đường.
Trong công văn hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục thể chất, thể thao và y tế trường học năm học 2019-2020, Bộ GD&ĐT đã đặc biệt nhấn mạnh đến việc phòng, chống tai nạn thương tích cho học sinh, sinh viên.
Bộ yêu cầu các cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích theo Thông tư số 13/2010/TT-BGDĐT ngày 15/4/2010 quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non và Quyết định số 4458/QĐ-BGDĐT ngày 22/8/2007 quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong các trường phổ thông.
Theo đó, toàn bộ học sinh của trường được sống và học tập trong một môi trường an toàn. Quá trình xây dựng trường học an toàn phải có sự tham gia của tất cả học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể của địa phương.
HS bi dien giat tu vong khi truong dieu di tia cay: Nha truong chu quan, so suat-Hinh-2
Cây phi lao nơi nam học sinh lên cắt tỉa và gặp nạn. 
Luật sư Bình cho rằng, vụ việc học sinh khi lao động cắt tỉa cây xanh bị điện giật tử vong sau thời gian điều trị khiến dư luận đặt ra vấn đề trách nhiệm của giáo viên và nhà trường.
“Việc cắt tỉa cành cây xanh có độ cao và và tiếp xúc gần với đường điện nguy hiểm vốn không phải là công việc lao động mà học sinh phải làm. Tại sao nhà trường lại có kế hoạch điều động, phân công học sinh đi tỉa cây dẫn đến hậu quả thương tâm như thế? Đây là vụ việc đau lòng khi cướp đi tính mạng học sinh ngay tại trường học. Do đó, Cơ quan công an sẽ vào cuộc làm rõ sự việc, xác định nguyên nhân để xử lý theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, trách nhiệm chính vẫn thuộc về Hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm” - luật sư Diệp Năng Bình nêu ý kiến.
Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, quá trình xác minh, cơ quan công an sẽ làm rõ đường dây tải điện đó được thiết kế, lắp đặt như thế nào, ai có trách nhiệm trông nom, bảo quản.
“Trường hợp xác định có lỗi của người quản lý đối với việc quản lý, sử dụng nguồn điện hoặc vì việc chặt cây này đã xâm phạm đến hành lang an toàn điện gây hậu quả chết người có thể xử lý hình sự người có trách nhiệm về tội vô ý làm chết người theo quy định tại điều 128 Bộ Luật hình sự” - luật sư Bình cho hay.
HS bi dien giat tu vong khi truong dieu di tia cay: Nha truong chu quan, so suat-Hinh-3
 Luật sư Diệp Năng Bình.
Trường hợp do yếu tố khách quan, không có lỗi của nhà trường hay của những người có thẩm quyền hoặc của công ty điện lực thì xác định đây chỉ là vụ tai nạn mà không truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, vụ tai nạn xảy ra tại trường học và vì nhà trường yêu cầu các em thực hiện việc này nên nhà trường có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại cho gia đình học sinh theo quy định pháp luật. Thiệt hại bao gồm chi phí mai táng, tiền bồi thường tổn thất về tinh thần và các chi phí khác phát sinh từ vụ việc này.
Trước đó, Kiến Thức đã đưa tin, vụ học sinh đi phát tỉa cây xanh bị điện giật chết xảy ra chiều ngày 8/5. Thời điểm đó, học sinh Nguyễn Tuấn A (SN 2005) cùng 3 học sinh nam lớp 9B được điều động phân công lao động cắt tỉa cây xanh theo kế hoạch của nhà trường. Các nam học sinh này nhận nhiệm vụ cắt tỉa cành cây phi lao khu vực sân tập thể dục phía sau trường dưới sự giám sát của cô giáo Bùi Thị Hằng và ông Nguyễn Văn Giác, bảo vệ nhà trường. Đáng chú ý, trong khi cắt tỉa cành cây, Nguyễn Tuấn A. đã bị điện giật khi cành cây chạm vào đường điện sát khu vực hàng cây phi lao. Hậu quả khiến nam học sinh này bị ngã xuống đất.
Theo báo cáo của trường THCS Quyết Thắng, ngay khi xảy ra sự việc, nhân viên bảo vệ nhà trường đã sơ cứu cho học sinh Tuấn A. và cô giáo Bùi Thị Hằng đã gọi đến cấp cứu 115. Do tình huống cấp bách, hiệu trưởng đã dùng xe cá nhân đưa học sinh Nguyễn Tuấn A. đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương. Sau đó bệnh viện đa khoa tỉnh đã chuyển T.A lên bệnh viện Bạch Mai để điều trị. Tuy nhiên, do bị thương nặng, sáng 22/5, gia đình đã đưa em T.A về nhà và học sinh tử vong vào 20h15 phút cùng ngày.
Vụ việc trên khiến dư luận đặt ra vấn đề trách nhiệm của giáo viên và nhà trường. Bởi việc cắt tỉa cành cây xanh có độ và và tiếp xúc gần với đường điện nguy hiểm vốn không phải là công việc lao động mà học sinh phải làm. Tại sao nhà trường lại có kế hoạch điều động, phân công học sinh đi tỉa cây dẫn đến hậu quả thương tâm?
>>> Mời độc giả xem thêm video Thầy giáo sàm sỡ học sinh chuyển sang làm hành chính:

Nguồn: VTC Now.

Hải Ninh