|
Các phương tiện xếp hàng dài nhích từng chút một đến bến xe Miền Đông (Q.Bình Thạnh, TPHCM). Ảnh: MINH QUÂN |
TPHCM: “Chôn chân” đường ra sân bay, bến xe
11h trưa 8/2, nhiều tuyến đường ra, vào sân bay Tân Sơn Nhất, TPHCM như: Cộng Hòa, Nguyễn Văn Trỗi, Trường Sơn, Trần Quốc Hoàn rơi vào tình trạng kẹt xe kéo dài. Đến 12h trưa, lượng xe lưu thông qua khu vực cổng sân bay hướng từ đường Hồng Hà ra đường Trường Sơn tăng đột biến khiến nơi đây bị ùn tắc nghiêm trọng. Các phương tiện chôn chân tại chỗ trước cổng sân bay hàng giờ đồng hồ. Không thể kiên nhẫn ngồi trên xe taxi chờ, nhiều hành khách vội vàng lấy hành lý cách xa sân bay cả cây số để đi bộ tiếp.
Một điểm nóng kẹt xe khác là khu vực bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh). Chiều 8.2, trên các tuyến đường: Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Xí, Bạch Đằng, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Quốc lộ 13… luôn trong tình trạng xe ken dày đặc. Hàng nghìn người dân về quê mang theo hành lý, đồ đạc lỉnh kỉnh; ôtô con, xe buýt, xe khách... cùng đổ về bến xe, trong khi khu vực này đường nào cũng nhỏ hẹp. Chỉ khoảng hơn 1km từ vòng xoay Hàng Xanh đến bến xe Miền Đông nhưng phải mất 30 phút do các phương tiện phải nhích từng chút một trên đường. Tại trung tâm thành phố, các tuyến đường như: Pasteur, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Đình Chiểu, Điện Biên Phủ, Hai Bà Trưng, Trương Định, Tôn Đức Thắng, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thái Học… lượng phương tiện cũng đông hơn ngày thường nên thường xuyên ùn ứ, xe phải di chuyển rất chậm.
Chiều 9/2, 24 Tết, người lao động về quê đông hơn, nên đường dẫn đến Bến xe Miền Đông kẹt cứng từ giao lộ Bạch Đằng - Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) đến ngã tư Bình Triệu (quận Thủ Đức); Sở GTVT TPHCM đã lập tổ phản ứng nhanh xử lý tai nạn, sự cố xe chết máy tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất
|
Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) thưa vắng ngày 8.2 (23 tháng chạp). Ảnh: KH |
Hà Nội: Xe dù bỏ bến lao ra đường
Ghi nhận tại Hà Nội chiều 8/2, trên đường Vành đai 3, đoạn giao giữa Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến, đoạn gần Bến xe Mỹ Đình và Đại học Quốc gia Hà Nội, hàng loạt ôtô vô tư dừng, đỗ trên đường để đón - trả khách. Nhiều chiếc đang phóng với tốc độ nhanh, khi phát hiện có người muốn đón xe lập tức thắng gấp, xinhan để tấp vào lề. Hoạt động của xe dù diễn ra rầm rộ vào chiều tối mỗi ngày, không khác gì 1 bến cóc nhỏ, nhất là thời điểm cận Tết Nguyên đán 2018. Không chỉ đón - trả khách, nhiều nhà xe còn nhận vận chuyển hàng hóa.
Trong khi đó, cùng thời điểm, tại bến xe Mỹ Đình, lượng khách đến và đi không tăng đáng kể so với ngày thường. Lượng xe xuất bến có tăng nhưng lượng khách không đông, có những xe xuất bến chỉ với 2-3 khách. Một số hành khách cho biết, khá bất ngờ nhưng thoải mái vì bến vắng, xe thưa khách không phải chen chúc như trước kia. Trao đổi với PV Báo Lao Động, lãnh đạo bến xe Mỹ Đình thừa nhận, lượng khách đến và đi tại bến giảm mạnh so với trước. Trong ngày cao điểm 23 tháng Chạp, chỉ có khoảng 10.000 khách đến bến Mỹ Đình đi xe và nguyên nhân 1 phần là do sự hoạt động của các bến cóc, xe dù.
Trưa 9.2, theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, tình trạng ùn tắc nghiêm trọng tiếp tục diễn ra tại đường Láng, nút giao Lê Văn Lương-Tố Hữu, Giảng Võ, Đê La Thành, Nguyễn Chí Thanh, Xã Đàn, hầm Kim Liên, ngã 5 Ô Chợ Dừa... Và tình trạng xe máy leo lề ở tất cả nhũng điểm ùn tắc, có thể nói là phổ biến...
|
Xe cộ chen chúc trước cổng sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) trưa 8.2. Ảnh: MINH QUÂN |
CSGT tăng cường 100% quân số điều tiết giao thông
Theo lãnh đạo Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TPHCM), tình trạng ùn tắc giao thông trên đường Trường Sơn và khu vực trước ga quốc nội, khu vực vòng xoay Lăng Cha Cả - cửa ngõ ra vào sân bay - những ngày cận tết diễn biến phức tạp. Vì vậy, đơn vị đề nghị tổ phản ứng nhanh sân bay TSN tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan duy trì cũng như tăng cường hơn trong những ngày cao điểm tết. Cụ thể, chủ động điều tiết, xử lý nhanh các sự cố giao thông phát sinh; tập trung xử lý các trường hợp xe dừng, đậu sai quy định, lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, buôn bán. Cảng hàng không quốc tế TSN cũng mới đưa ra khuyến cáo hành khách cần đến khu vực làm thủ tục tại sân bay trước giờ khởi hành 2 giờ đối với các chuyến bay quốc nội. Đặc biệt, hạn chế đưa, đón người thân trong sân bay, tránh tình trạng 5 - 6 người đưa, đón 1 người, gây quá tải nghiêm trọng.
Ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở GTVT TPHCM- cho biết, trong giai đoạn cao điểm trước và sau Tết, sẽ tăng cường lực lượng cảnh sát giao thông, ưu tiên tuần tra kiểm soát ở các tuyến đường ra vào sân bay TSN, nhất là các khung giờ cao điểm từ 10h -14h, 16h30 - 19h30. Đồng thời, nghiên cứu tăng cường xe buýt vào trong sân bay, kết nối với các bến xe để tăng lượng người sử dụng phương tiện công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân ra vào sân bay.
Theo trung tá Huỳnh Trung Phong - Trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông Đường bộ, Đường sắt (PC67) Công an TPHCM- do lượng khách đổ về các bến xe, khu vực sân bay TSN tăng đột biến nên đơn vị này đã xây dựng kế hoạch và giao nhiệm vụ cụ thể đến từng đơn vị để bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Trong đó, chú trọng việc phân luồng giao thông, tăng cường 100% quân số, điều tiết giao thông 24/24 giờ. Cũng theo ông Huỳnh Trung Phong, để kéo giảm ùn tắc giao thông tại một số khu vực, UBND TP đã thành lập 1 tổ liên ngành để giải quyết. Cụ thể, thành lập Group Viber gồm các thành viên như: Phòng Cảnh sát Giao thông Đường bộ - đường sắt; công an các quận, huyện; thanh tra giao thông... để xử lý và hiện tổ này phát huy hiệu quả rất tốt.
Còn đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng CSGT Công an Hà Nội - thừa nhận “Thời điểm này, áp lực giao thông rất lớn, không chỉ giờ cao điểm, mà tất cả khung giờ trong ngày đều xảy ra tình trạng ùn tắc. Cho nên, CSGT TP.Hà Nội đã bố trí lực lượng túc trực từ 6h sáng đến 23h khuya”.
Xử nghiêm xe dù, bến cóc
Ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia - đề nghị CSGT Hà Nội cùng thanh tra giao thông xử lý dứt điểm hiện tượng đón, trả khách trên đường vành đai 3, đường trên cao, thậm chí kiến nghị xử lý các đơn vị chức năng để xảy ra hiện tượng đón trả khách dọc đường. Ông Hùng cũng đề cập tới hiện tượng nhiều phương tiện cố tình đi vào đường khẩn cấp, bật đèn khẩn cấp chạy sai quy định và cho biết, có hiện tượng người dân sau khi phản ánh về xe dù, bến cóc hay xe khách chở quá số người theo quy định liền bị đe doạ, hành hung hoặc bị đuổi xuống đường, đồng thời đề nghị lực lượng CSGT cung cấp số điện thoại di động đường dây nóng thay vì chỉ có số cố định.
Nói về tình trạng xe dù, bến cóc “hoành hành” dịp Tết Nguyên đán 2018, Trưởng phòng CSGT TP.Hà Nội Đào Vịnh Thắng khẳng định, sẽ xử lý triệt để vấn nạn này. Hiện, lực lượng CSGT đã phối hợp với Thanh tra giao thông, công an các quận, huyện trên địa bàn thanh, kiểm tra, xử lý những vi phạm trên.
Thượng úy Trần Ngọc Trung - Đội phó phụ trách Đội giao thông số 6 - Phòng PC67 (CATP.Hà Nội) cũng khẳng định, đã phối hợp với bến xe Mỹ Đình và các đơn vị chức năng khác, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm được lợi ích của việc mua vé xe dịp tết. Bên cạnh đó, tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các tuyến đường cửa ngõ ra vào thủ đô, kiên quyết xử lý đối với các nhà xe cố tình đi chậm, mở cửa, nhồi nhét, bắt khách dọc đường. Ngoài ra, tăng cường xử lý phạt nguội đối với các nhà xe không ra, vào bến mà bắt khách dọc đường, biện pháp xử lý đầu tiên là nhắc nhở, tiếp đến là xử phạt, lần thứ 3 vi phạm sẽ phối hợp với các đơn vị “cắt nốt” tại bến xe đó.
Cũng về vấn đề này, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc sở GTVT Hà Nội - cho biết, sở chỉ đạo các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng TTGT tăng cường kiểm tra đối với các nhà xe và xử lý nghiêm những nhà xe cố tình vi phạm. Ngoài ra, Sở GTVT cũng chỉ đạo kiên quyết sẽ “cắt nốt” các nhà xe nào cố tình vi phạm, có hành vi nhồi nhét, bắt khách dọc đường, tự ý tăng giá vé. Mọi vi phạm của các nhà xe, sở GTVT Hà Nội khuyến cáo hành khách nên gọi trực tiếp về đường dây nóng của sở để có biện pháp kiểm tra, xử lý nghiêm.
Không thiếu xe về Tết
Theo lãnh đạo bến xe Miền Đông (BXMĐ), TPHCM, hiện các doanh nghiệp kinh doanh vận tải tại bến đã bán được khoảng 150.000 vé, riêng vé xe của doanh nghiệp ủy thác cho BXMĐ bán được khoảng 500 vé, tính cả hình thức bán qua mạng. Để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách trong những ngày cao điểm tết, lãnh đạo BXMĐ cho biết, hiện đơn vị đã báo cáo Sở GTVT TPHCM cho các doanh nghiệp tiếp tục thuê xe bên ngoài, kể cả việc điều động từ các bến xe khác tới hoạt động trong những ngày cao điểm. Riêng BXMĐ hiện đã phối hợp với các đơn vị vận tải điều động thêm xe từ những chặng ít khách qua chặng có nhu cầu cao hơn. Đồng thời, lãnh đạo BXMĐ cũng thông tin, trước đó đã ký hợp đồng với các đơn vị cho thuê xe bên ngoài vào bến tổ chức bán vé trước cho hành khách. Trong trường hợp vẫn chưa đủ phương tiện thì vẫn có phương án cuối cùng là huy động xe buýt tới chở khách, đảm bảo không có hành khách nào không được về quê đón tết.
Theo Nhóm PV/Lao Động