Sáng nay, ngày 9/2 cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, đơn vị này vừa khởi tố vụ án, ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp 26 đối tượng để điều tra về các hành vi “buôn lậu”, “sản xuất, buôn bán hàng giả”, “mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước”.
|
Các đối tượng trong đường dây làm giả xăng bị công an bắt giữ. (Ảnh: Vietnamnet) |
Theo đại diện Công an Đồng Nai cho biết, trước đó đã nhận được nhiều phản ánh từ người dân về tình trạng xăng giả, kém chất lượng tại một số cây xăng trên địa bàn. Sau thời gian đeo bám, trinh sát phát hiện nhóm nghi can thành lập nhiều công ty, cây xăng để tiêu thụ xăng dầu do chúng pha chế.
|
Cảnh sát khám nghiệm tại hiện trường pha chế xăng giả. (Ảnh: Vnexpress) |
Ngày 6/2, hơn 500 cảnh sát thuộc lực lượng Công an tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đồng loạt khám xét khẩn cấp các kho chứa, cây xăng, trụ sở làm việc và nơi ở của các đối tượng tại tỉnh Đồng Nai, Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An, Vũng Tàu, TP.HCM, bắt quả tang các đối tượng đang vận chuyển, mua bán, pha chế bơm hút và vận chuyển xăng giả trên sông Hậu.
|
Hơn 100 tỷ đồng bị công an thu giữ. (Ảnh: Tiền Phong) |
Bị phát hiện, các đối tượng đã dùng tàu lớn lao thẳng vào tàu của lực lượng công an để bỏ chạy, xóa bỏ hiện trường. Tuy nhiên, công an đã khống chế bắt giữ toàn bộ các đối tượng cùng tang vật gồm tàu biển trọng tải trên 1.500 tấn, sà lan, 100 tỷ tiền mặt cùng nhiều hồ sơ giấy tờ liên quan.
|
Đối tượng Nguyễn Hữu Tứ. (Ảnh: Tiền Phong) |
Qua điều tra, công an xác định đường dây này do Phan Thanh Hữu (SN 1957, ngụ TP.HCM) và Nguyễn Hữu Tứ (SN 1966, ngụ Vĩnh Long) cầm đầu, hoạt động từ tháng 8/2020 tới nay.
|
Công an Đồng Nai kiểm tra một cây xăng liên quan đến đường dây xăng giả. (Ảnh: Vietnamnet) |
Thủ đoạn của chúng hết sức tinh vi, chúng đã sử dụng tàu biển có trọng tải lớn, trực tiếp nhập xăng từ phao số 0. Sau khi đưa vào Vĩnh Long, chúng dùng hoá chất, dung môi để chế tạo xăng A95. "Hàng" được chia ra cho các tàu, sà lan trọng tải nhỏ vận chuyển về kho chứa dọc các trạm trên nhiều sông lớn. Từ đó, xe bồn sẽ chở về phân phối cho các cây xăng thuộc hệ thống của những người trong đường dây, bán cho người tiêu dùng.
Theo cơ quan điều tra, có khoảng một triệu lít xăng giả được đưa ra thị trường mỗi ngày từ "lò" pha chế giữa sông Hậu.
"Đường dây này hoạt động chặt chẽ, phân công nhiệm vụ cụ thể từ bơm hút, pha chế, hợp thức hoá giấy tờ, vận chuyển... nên rất khó bị phát hiện", thành viên Ban chuyên án nói.
Để che giấu hành vi phạm tội, các đối tượng đã sử dụng ụ nổi đưa ra giữa lòng sông Hậu thuộc địa bàn xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long để neo đậu các tàu sà lan bơm hút xăng đồng thời tổ chức lực lượng sử dụng các tàu cao tốc để tuần tra.
Ở trên bờ chúng ngụy trang bằng cách xây nhà nuôi chim yến để cảnh giới. Chúng thường xuyên thẩm tra xác minh khi có người lạ đến địa bàn và thuê lưu manh chuyên nghiệp sẵn sàng triệt hạ lực lượng trinh sát khi bị theo dõi.
Chia sẻ trên Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Ngọc Quang - Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, hành vi của các đối tượng đã xâm hại đến thị trường xăng dầu trong nước, gây thiệt hại lớn cho nhà nước và người tiêu dùng, đặc biệt gây nguy cơ cháy nổ rất cao nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện khi sử dụng các loại răng giả xăng kém chất lượng.
Tại trụ sở công an, các đối tượng khai nhận từ tháng 8/2020 đến nay đã bán ra thị trường hơn 200 triệu lít xăng giả, kém chất lượng.
Vụ án đang được tiếp tục mở rộng điều tra.
>>> Mời các bạn xem thêm video: Chồng tẩm xăng đốt vợ vì cằn nhằn chuyện nhậu nhẹt
Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp
Ánh Dương (t/h)