Theo thống kê của TP Hà Nội, bão Yagi khiến hơn 25.000 cây trên địa bàn bị gãy đổ. Trong đó có tới hơn 24.800 cây đổ, tập trung nhiều ở các địa phương: Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Nam Từ Liêm.
Dù TP Hà Nội đã rất nỗ lực trong việc khắc phục hậu quả sau bão nhưng đến ngày 9/9, cây gãy đổ vẫn ngổn ngang trên đường. Đáng chú ý, có nhiều cổ thụ cả trăm năm tuổi gắn với nhiều địa danh lịch sử cũng bị bật gốc, gãy đổ khiến nhiều người tiếc nuối.
|
Một cây lớn sau khi bị bung gốc, rễ và hệ thống dây cáp, đường ống nước bên dưới bị bật lên trên khiến người qua lại sợ hãi. Ảnh: Hùng Nguyễn
|
Theo ghi nhận của PV VietNamNet, nhiều cây bật gốc lộ bộ rễ bám rất nông trên mặt đất, thậm chí bị rễ cây còn bị chặt nham nhở khi cải tạo vỉa hè; có gốc cây còn lộ nguyên cả lưới bọc bầu đất. Chưa hết, nhiều cây cổ thụ trên đường Thanh Niên (quận Tây Hồ) cũng bị đổ, thậm chí cây phượng bật gốc còn bị thối, mục gần hết bộ rễ.
Hàng cây xanh trên đường Nguyễn Hoàng (quận Nam Từ Liêm) bị bật gốc lộ trên mặt đất chủ yếu là rễ chùm hoặc rễ mới phát triển ngang. Nhiều cây bị bật gốc lộ cả lưới bọc bầu đất chưa được tháo bỏ khi trồng.
Trao đổi với PV VietNamNet, GS.TS. Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, gió bão gây đổ cây là không tránh khỏi, vì ngay cả ô tô còn bị thổi bay. “Tuy nhiên, lâu nay việc trồng cây ở Hà Nội còn nhiều tồn tại theo kiểu cây to có vấn đề của cây to, cây nhỏ có vấn đề của cây nhỏ”, ông Học nói.
Cụ thể, theo ông Học, nhiều loại cây được trồng không phù hợp với đô thị, trong đó có những cây rất dễ gãy đổ về mùa mưa bão, điển hình như phượng, xà cừ. Ngoài ra, theo ông, kỹ thuật trồng cây cũng cần phải khắc phục.
|
Cây xà cừ trên phố Phùng Hưng tốt um cành lá khi bị đổ. Ảnh: Đình Hiếu
|
“Nếu trồng cây to, lúc đầu nhìn thì đẹp nhưng rễ không ăn sâu được xuống lòng đất, cây dễ bị sâu bệnh và gãy đổ”, ông Học khuyến cáo Hà Nội nên trồng cây bé, sinh trưởng khỏe, sẽ không bị gãy đổ trong mùa mưa bão.
Theo ông Học, nếu trồng cây nhỏ theo phương pháp đào hố sâu khoảng 1m, rồi lấp đất dần theo sự sinh trưởng của cây, xung quanh dùng cọc chống đỡ cẩn thận thì không bao giờ bị đổ vào mùa mưa bão.
“Những năm gần đây, Hà Nội đã có nhiều giải pháp khắc phục trong việc trồng cây đô thị. Nhưng mỗi mùa mưa bão vẫn lộ ra những bất cập cần phải khắc phục”, ông Học nói.
|
Cây bật gốc vẫn còn lưới bọc bầu đất. Ảnh: Khổng Chí |
KTS Ngô Doãn Đức, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng cho rằng, mưa bão, giông lốc khiến hàng loạt cây xanh ở Hà Nội bị đổ là bất khả kháng. Tuy nhiên, đây cũng là dịp để cơ quan chức năng nhìn lại quá trình trồng cây, lựa chọn giống cây đô thị, chăm sóc, cắt tỉa cây… phù hợp với điều kiện thời tiết có những diễn biến dị thường.
“Cây nhỏ mới trồng mà bị đổ có thể do trồng ẩu, không đúng kỹ thuật. Còn cây to bị bật gốc cũng có chuyện cắt tỉa cành lá còn ‘sơ sài’ trước mùa mưa bão”, ông Đức nói và dẫn chứng phần lớn cây bị đổ ở Hà Nội do bão Yagi có bộ rễ mọc ngang.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, theo KTS Ngô Doãn Đức, TP Hà Nội cần rút kinh nghiệm trong việc chăm sóc cây, đặc biệt là việc cắt tỉa cây trước mùa mưa bão. Ngoài ra, Hà Nội cũng cần lựa chọn trồng cây đô thị là cây rễ cọc.
“Thành phố cũng nên lựa chọn cây phù hợp với thổ nhưỡng để trồng trên các tuyến phố. Có như vậy cây mới sinh trưởng khỏe, ít gãy đổ về mùa mưa bão”, ông Đức nói thêm.
Theo Quang Phong/ Vietnamnet