Mới đây, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận đã xác định được nguyên nhân vụ cháy hơn 200 xe máy tại bãi giữ xe vi phạm của Công an huyện Tánh Linh 6 ngày trước.
Theo đó, khoảng 18h chiều 9/3, khi đưa phương tiện vi phạm về bãi tạm giữ trong khuôn viên công an huyện, một cán bộ tiến hành hút xăng ra khỏi xe để đưa vào bãi bảo quản.
Lúc này, một chiến sĩ công an nghĩa vụ đi qua đã ném điếu thuốc vừa hút xuống gần đó. Gió thổi tàn thuốc bay ngược vào vị trí đang hút xăng, khiến lửa bén, gây ra vụ cháy.
|
Hình ảnh vụ cháy bãi xe tang vật. |
Vụ cháy thiêu rụi 232 mô tô, gây thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng, chưa kể một loạt các công trình phụ cận cũng bị hư hại, đường dây điện truyền tải thông tin phía trên cũng bị cháy.
Lãnh đạo Công an tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo Công an huyện Tánh Linh thực hiện việc bồi thường dân sự cho người có phương tiện vi phạm bị cháy theo đúng quy định của pháp luật. Cơ quan điều tra cũng đang xem xét các yếu tố để xử lý theo thủ tục tố tụng.
Nhận định dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, đây là vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của nhiều tổ chức cá nhân.
Về nguyên tắc, ai có lỗi gây thiệt hại sẽ phải bồi thường thiệt hại. Nếu thiệt hại do người của pháp nhân gây ra, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Đến nay cơ quan chức năng đã xác định được nguyên nhân vụ cháy là do chiến sĩ công an nghĩa vụ vứt tàn thuốc vào nơi đang hút xăng dẫn đến vụ cháy xảy ra. Cơ quan chức năng sẽ làm rõ trách nhiệm của chiến sĩ này và có thể còn có những người có liên quan khác để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Đồng thời Công an huyện Tánh Linh có thể sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đối với các nạn nhân (các chủ phương tiện giao thông).
Bởi thời điểm vụ cháy xảy ra, các xe tang vật đang thuộc sự quản lý của cơ quan công an trên cơ sở biên bản tạm giữ phương tiện. Theo đó cơ quan công an có trách nhiệm bảo quản, quản lý, bảo vệ phương tiện. Trong quá trình bảo quản nếu bị hư hỏng, cháy nổ, thiệt hại, cơ quan tổ chức bảo quản tài sản có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Những người bị tạm giữ phương tiện là những người có nghi ngờ vi phạm pháp luật nhưng không phải tất cả những người bị tạm giữ phương tiện đều có hành vi vi phạm pháp luật.
Bởi vậy, đối với các phương tiện giao thông bị tạm giữ mà kết quả xác minh không có hành vi vi phạm hoặc có hành vi vi phạm nhưng đã bị áp dụng biện pháp hành chính là phạt tiền, sau khi nộp phạt, chủ phương tiện được quyền nhận lại phương tiện. Nếu phương tiện bị hư hỏng hủy hoại không còn để nhận lại, cơ quan quản lý, bảo quản phương tiện phải bồi thường thiệt hại đối với toàn bộ giá trị phương tiện này.
Căn cứ yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật tại điều năm 84 và điều 589 của bộ luật dân sự 2015, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào giá trị của tài sản trên cơ sở giá mua và khấu hao trong quá trình sử dụng tính trên đơn vị thời gian để xác định giá trị còn lại. Cơ quan tổ chức gây thiệt hại phải bồi thường toàn bộ giá trị tài sản còn lại (sau khi đã trừ khấu hao trong quá trình sử dụng) cho các nạn nhân.
Theo quy định của pháp luật, thiệt hại do người thi hành công vụ, người của cơ quan nhà nước gây ra thì cơ quan đó, nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, sau đó yêu cầu người gây thiệt hại bồi hoàn số tiền đó.
Cụ thể, Điều 597 bộ luật dân sự quy định về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra nêu rõ: “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”.
Điều 598 về bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra quy định “Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước”.
Do đó, trong trường hợp này nếu người gây thiệt hại được xác định là người thi hành công vụ hoặc là người của pháp nhân, nhà nước, cơ quan tổ chức đang quản lý người gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Ngoài trách nhiệm bồi thường thiệt hại, cơ quan chức năng sẽ làm rõ hành vi vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy, vô ý gây thiệt hại đến tài sản để xem xét có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh này.
Cơ quan chức năng sẽ làm rõ quy trình hút xăng từ các xe ra để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy được thực hiện như thế nào, ai là người thực hiện, có thực hiện đúng quy trình hay không, có cảnh báo và nhắc nhở những người xung quanh hay không.
Trong trường hợp có hành vi vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy gây hậu quả vụ cháy xảy ra sẽ khởi tố người vi phạm về tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy.
Trong trường hợp sự việc là do lỗi vô ý của cá nhân, hành vi không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy vẫn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người này vậy tội vô ý gây thiệt hại đến tài sản theo quy định của pháp luật theo điều 180 Bộ luật hình sự.
Cơ quan chức năng sẽ tiếp tục làm rõ nguyên nhân vụ việc, xác định thiệt hại và đặc biệt sẽ làm rõ quy trình thực hiện nhiệm vụ của những người liên quan để xác định có đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy hay không, xác định lỗi dẫn đến vụ cháy và xác định thiệt hại cụ thể để tiến hành bồi thường thiệt hại và chuyển trách nhiệm pháp lý theo quy định của pháp luật.
>>> Mời độc giả xem thêm video Cháy xe bồn tại cây xăng Quảng Ninh: Do đốt vàng mã!
Hải Ninh