Khoảng 10h ngày 20/11, gần 120 học viên cai nghiện ma túy ở xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành (Tiền Giang) đang trong giờ lao động bất ngờ la hét rồi đồng loạt tràn ra cổng trại. Một số học viên sau khi tràn ra ngoài đã lấy xe máy của người dân dựng trước nhà để chạy trốn.
Đến thời điểm này, có khoảng 55 học viên đã được đưa trở lại trung tâm. Lực lượng chức năng đang truy tìm, vận động số học viên còn lại bên ngoài quay về trung tâm. Trước đó, hồi năm 2018, hơn 100 học viên của cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Tiền Giang đã tấn công làm cán bộ gãy răng rồi tràn ra quốc lộ, cởi áo vứt dọc đường, cầm gậy đi nghênh ngang và la hét khiến người dân hoảng sợ.
Đây là lần thứ 2 tình trạng này xả ra, dư luận đã đặt câu hỏi liệu rằng Giám đốc trung tâm buông lỏng quản lý, nếu buông lỏng quản lý thật thì sẽ bị xử lý thế nào? Những học viên này sau khi được tìm thấy cũng sẽ bị xử lý ra sao?
|
Hai người trốn trại bị cảnh sát giữ lại bên đường. Ảnh: Hoàng Nam/VnExpress. |
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Văn Phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, với những người có nhiệm vụ canh gác, bảo vệ, quản lý của cơ sở cai nghiện này nếu có lỗi, thiếu trách nhiệm thì tùy vào mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra có thể bị xem xét kỷ luật, bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong vụ việc hơn 100 học viên cai nghiện Tiền Giang trốn trại cơ quan chức năng sẽ xác minh làm rõ nguyên nhân và làm rõ trách nhiệm của các bên có liên quan để xem xét xử lý theo quy định pháp luật.
Tại Điều 17 Nghị định 221/2013/NĐ-CP quy định về việc truy tìm đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bỏ trốn như sau:
1. Trường hợp người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bỏ trốn trước khi đưa vào cơ sở, thì cơ quan Công an cấp huyện nơi Tòa án quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc ra quyết định truy tìm.
2. Trường hợp người đang chấp hành tại cơ sở cai nghiện bắt buộc bỏ trốn thì Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc ra quyết định truy tìm đối tượng. Cơ quan Công an có trách nhiệm phối hợp với cơ sở cai nghiện bắt buộc trong việc truy tìm đối tượng để đưa người đó trở lại cơ sở cai nghiện bắt buộc.
|
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn Phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội.
|
3. Trường hợp tìm được người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bỏ trốn mà không tự nguyện chấp hành yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền thì bị áp giải đưa trở lại cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 2 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất.
4. Thời gian bỏ trốn không được tính vào thời hạn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Bên cạnh đó. Tại Khoản 2 Điều 14 Nghị định 167/2013/NĐ-CP cũng quy định về hình thức xử phạt hành chính khi vi phạm các quy định về thi hành các biện pháp xử lý hành chính như sau:
Điều 14. Vi phạm các quy định về tố tụng hình sự, thi hành án hình sự, thi hành các biện pháp xử lý hành chính
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định về việc chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc; đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Ngoài ra, nếu trên đường trốn trại mà các học viên cai nghiện có hành hung, phá phách, chiếm đoạt tài sản của người khác... thì tùy vào từng hành vi cụ thể mà người vi phạm có thể bị xử lý về tội hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích hoặc các tội xâm phạm quyền sở hữu của công dân...
>>> Xem thêm video: Hơn 100 học viên cai nghiện trốn trại đột nhập vào nhà dân trộm tài sản
Trung Vương