Tháng 2/1979, nhiều khu vực của huyện Hòa An như thị trấn Nước Hai, các xã Đức Long, Hồng Việt, Bế Triều, Hoàng Tung… lên đến tận thị xã Cao Bằng đã trở thành chiến trường ác liệt. Ông Phùng Đức Vạn, một người dân xóm Nà Bưa, nay là xóm 8 Bế Triều, thị trấn Nước Hai nhớ lại, chỉ một ngày sau khi chiến sự nổ ra, xóm Nà Bưa của ông đã tự tập hợp được một trung đội dân quân với khoảng 50 tay súng.
|
Ông Phùng Đức Vạn, xóm 8 Bế Triều, thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An, Cao Bằng nhớ lại kỷ niệm về Trung đội dân quân Nà Bưa, xã Bế Triều, huyện Hòa An, Cao Bằng. |
Trong đó, ông là một trong những người trẻ nhất khi mới 16-17 tuổi, người nhiều tuổi cũng đã gần 50. Ai còn sức khỏe đều tham gia trung đội để bảo vệ xóm làng, bảo vệ người dân vào núi tản cư. Trong cuộc chiến, trung đội dân quân Nà Bưa đã có 3 người anh dũng hy sinh.
“Dân quân xóm Nà Bưa lúc ấy đông lắm, thành một trung đội. Trung đội này do bà con tự thành lập, các cựu chiến binh chống Mỹ phục viên là nòng cốt, làm tiểu đội trưởng, trung đội trưởng. Nói chung lúc ấy, già trẻ ai cũng muốn đứng lên cầm súng đánh giặc, bảo vệ xóm làng”, ông Phùng Đức Vạn chia sẻ.
Đàn ông, trai tráng đủ điều kiện sức khỏe đều vào bộ đội hoặc dân quân, du kích. Những người phụ nữ ngoài lo cho gia đình di tản đều hăng hái tham gia nấu cơm, tiếp tế lương thực, cứu chữa thương binh; nhiều cô gái dân tộc Tày, Mông, Dao… cũng trực tiếp cầm súng đánh giặc bảo vệ xóm làng, bảo vệ chính người thân trong gia đình mình.
|
Một tổ chiến đấu của dân quân huyện Hòa An, Cao Bằng năm 1979. (Ảnh tư liệu của Nghệ sĩ nhiếp ảnh, Nhà báo Trần Mạnh Thường). |
Bà Đinh Thị Danh, xã Hồng Việt, huyện Hòa An nhớ lại: “Tháng 2/1979, mọi người đều tránh vào núi rừng. Những thanh niên, trai tráng, người còn khỏe thì vào dân quân, bảo vệ; người yếu, phụ nữ thì làm cơm, rau phục vụ. Noi gương truyền thống quê hương cách mạng, mọi người cùng nhau đứng ra bảo vệ xóm làng, bảo vệ người già, trẻ nhỏ. Tất cả cùng xuất phát từ truyền thống yêu nước của quê hương...”.
Những người dân xóm Nà Lung, xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh vẫn tự hào kể câu chuyện 6 cha con ông Lục Văn Vình, dân tộc Tày cùng sát cánh bên nhau trên chốt chống giặc. Còn ở xã Danh Sỹ, nay là xã Lê Lợi, huyện Thạch An, lại có những câu chuyện như huyền thoại về các trận phục kích, tiêu diệt hàng chục tên giặc ngoại xâm... Khắp các bản làng nơi biên cương này đều có những câu chuyện, những chiến công đầy tự hào như vậy truyền lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Ông Đàm Văn Pớ, hiện sống tại thôn Nà Giảo, xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) khi đó là bộ đội thời chống Mỹ phục viên đã tái ngũ, tham gia chiến đấu tại Tiểu đoàn 106, thuộc huyện đội Hà Quảng. Trong ký ức của ông, cuộc chiến ngày đó không chỉ có những trận đánh giữ chốt trên vùng đất Lũng Nặm mà còn có sự đóng góp của người dân các xóm, xã biên giới sát cánh cùng bộ đội để bảo vệ từng tất đất quê hương Hà Quảng của mình.
|
Cựu chiến binh Đàm Văn Pớ, xóm Nà Giảo, xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) tự hào về những đóng góp của đồng bào, nhân dân Cao Bằng trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2/1979. |
“Hồi đó có lẽ chỉ trừ người 80, 90 tuổi thôi, còn đều tham gia dân quân, tham gia chiến đấu hoặc tải đạn, lương thực nếu bộ đội cần. Tôi ấn tượng nhất là người dân trên xã biên giới Lũng Nặm (Hà Quảng) - nơi tôi đóng quân. Từ khi chúng tôi lên đóng quân chân ướt chân ráo đã được bà con đùm bọc, ủng hộ, chia sẻ từng cây rau đến cân gạo”, ông Đàm Văn Pớ xúc động kể lại.
Nhân dân các dân tộc biên giới Cao Bằng đã và đang một lòng giữ vững đất biên cương. Người dân nơi đây đã phát huy truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, bình yên trên các bản làng.
Theo Công Luận/VOV