Với sự nhanh nhẹn, mưu trí và dũng cảm của mình, Hai Đường cùng các đồng đội đã thực hiện những cuộc diệt ác, trừ gian rúng động Sài Gòn – Gia Định, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp thống nhất đất nước.
Vào những ngày khắp nơi đang náo nức kỷ niệm 43 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2018), PV may mắn có dịp gặp gỡ những nhân chứng từng góp phần làm nên chiến công giang sơn thu về một mối. Với dáng người nghiêm nghị, quắc thước nhưng rất thân thiện, cựu chiến binh Lê Việt Bình (SN 1942) quê gốc ở xã Hương Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã kể lại quá trình đấu tranh đầy nguy hiểm, gian khó của mình và đồng đội trong lòng nội thành, thủ phủ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa.
|
Cựu binh Lê Việt Bình từng khiến chế độ ngụy quân mất ăn, mất ngủ. |
“Ngay sau chiến dịch Mậu Thân năm 1968, chế độ ngụy quân ngang ngược công khai rằng đã quét sạch Việt Cộng ra khỏi Sài Gòn. Trước tình thế như vậy, chúng tôi được cấp trên giao nhiệm vụ ngay sau Tết Mậu Thân phải cắm cử ở lại trong lòng thành phố để theo dõi tình hình địch. Đặc biệt, chỉ thị của cấp trên yêu cầu nhanh chóng tiêu diệt những tên ác ôn đầu sỏ của chế độ phản động, khiến chúng tôi ngày đêm day dứt nghĩ kế đánh địch. Ngày 1/2/1969, lực lượng B5 (trinh sát an ninh vũ trang - PV) cắm trong nội đô đã tiến hành ám sát Thiếu tướng Nguyễn Văn Kiểm, là nhân vật vô cùng quan trọng của tổng nha cảnh sát”, ông Bình kể.
Trung đội Trinh sát B5 ra đời ngày 20/5/1962, quân số ban đầu được tuyển chọn từ những cán bộ, chiến sĩ có năng lực sở trường về công tác trinh sát của Đoàn 180 Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP). Nhiệm vụ của B5 lúc đó là nắm chắc tình hình, âm mưu, thủ đoạn và mọi diễn biến các cuộc hành quân của Mỹ - ngụy để phục vụ kịp thời cho công tác chỉ huy, chỉ đạo của cấp trên nhằm chủ động đối phó đánh địch từ xa, ngăn chặn mọi cuộc hành quân càn quét của địch vào khu căn cứ. Đồng thời trực tiếp chiến đấu và tham gia hỗ trợ giúp đỡ các đơn vị bạn trong mọi tình huống. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc bảo vệ Trung ương Cục miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 27/5/1976, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Trung đội Trinh sát B5.
|
Hồ sơ ám sát Thiếu tướng Nguyễn Văn Kiểm. |
Mặc dù đã 73 tuổi nhưng ông Bình vẫn nhớ như in vụ ám sát Tham mưu trưởng Tham mưu Biệt bộ Phủ Tổng thống gây rúng động dư luận: “Vào khoảng 9h10 ngày 1/2/1969, tôi và các đồng chí trong nhóm phát hiện 2 chiếc xe Jeep màu đen hộ tống xuất hiện, còi rú inh ỏi, phía sau đó là chiếc xe con du lịch màu đen chở Thiếu tướng Nguyễn Văn Kiểm, đang di chuyển trên đường Bà Huyện Thanh Quan. Tới ngã tư đèn tín hiệu giao thông thì đoàn xe dừng lại. Lúc này, 5 anh em chúng tôi chở nhau trên 3 chiếc xe máy, trên tay mang nhiều thuốc nổ, lựu đạn. Nhân lúc xe dừng đèn đỏ, tôi đã ném những hộp chất nổ vào đoàn xe rồi tẩu thoát cùng đồng đội. Các vệ sĩ nhanh chóng báo động, Thiếu tướng Kiểm mở cửa xe thoát kịp lên lề đường thì 2 tiếng nổ phát ra làm cháy cả 3 xe. Trong vụ nổ này, Thiếu tướng Nguyễn Văn Kiểm bị thương nơi cổ chân trái, được đưa vào điều trị tại bệnh viện. Sau đó không lâu có tin cho rằng Nguyễn Văn Kiểm đã chết khi đang trên đường đưa đi điều trị vết thương ở nước ngoài”.
Sau vụ ám sát tướng ngụy gây rúng động Sài Gòn, những nhân vật như Nguyễn Văn Cạn, Hoàng Sinh hay Trần Văn Cường (tức Lê Việt Bình - PV) đã nằm trong “danh sách đỏ” của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Cái tên Trần Văn Cường cũng đã khiến tướng lĩnh ngụy quân hoang mang lo sợ và tìm mọi cách điều tra, tiêu diệt. Chúng đã cử người ra tận quê hương để điều tra thân nhân, lí lịch của ông nhưng không có kết quả. Ngay sau những vụ ám sát các con “át” chủ bài của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, nhận chỉ thị cấp trên, Lê Việt Bình cùng đội biệt kích táo bạo lên kế hoạch ám sát Thủ tướng Trần Văn Hương.
Theo NĐT