Hội thảo về Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi)

Google News

(Kiến Thức) - Liên hiệp hội Việt Nam phối hợp ĐH Lâm Nghiệp... tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến cho Dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi).

Sáng 21/7/2017, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội - VUSTA) phối hợp với ĐH Lâm Nghiệp, Ủy ban Khoa học, Công nghệ; Môi trường của Quốc hội và Tổng cục Lâm nghiệp (VNFOREST) tổ chức Hội thảo “Cơ sở khoa học và thực tiễn của dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) tại trường ĐH Lâm Nghiệp.
Tham dự buổi hội thảo có TSKH. Nghiêm Vũ Khải - Đại biểu Quôc Hội, Phó chủ nhiệm Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam; TS. Phùng Đức Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; PGS.TS. Nguyễn Bá Ngãi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và PTNT; GS.TSKH. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường; TS. Hứa Đức Nhị - Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội chủ rừng Việt Nam; TS. Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam… cùng nhiều nhà khoa học, đại diện của các tổ chức quốc tế.
Hoi thao ve Du thao Luat Bao ve va Phat trien rung (sua doi)
GS.TS. Trần Văn Chứ - Hiệu trưởng  ĐH Lâm Nghiệp phát biểu khai mạc hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Trần Văn Chứ - Hiệu trưởng trường ĐH Lâm Nghiệp nhấn mạnh tầm quan trọng của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trong phát triển ngành Lâm Nghiệp. Buổi hội thảo sẽ tiếp nhận những ý kiến, đề xuất nhằm xây dựng và hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi), góp phần xây dựng và phát triển ngành lâm nghiệp ngày càng phát triển bền vững.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Lâm nghiệp cho biết trong quá trình vận dụng vào thực tiễn, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 còn tồn tại những bất cập; cụ thể là Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế trong ngăn chặn tình trạng phá rừng, suy giảm chất lượng rừng tự nhiên, lấn chiếm đất; sản xuất lâm nghiệp bị chia cắt, thiếu liên kết, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp; công nghiệp chế biến lâm sản trong nước vẫn chủ yếu quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, năng suất, giá trị gia tăng thấp. Do vậy, việc điều chỉnh, sửa đổi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 là điều cần thiết.
Những nội dung được trao đổi tập trung vào các vấn đề chính sau: vấn đề phân loại rừng; bảo vệ nguồn nước, sở hữu rừng và chuyển mục đích sử dụng rừng, những vấn đề về chủ rừng…
Theo PGS.TS Nguyễn Bá Ngãi (Phó tổng cục trưởng Tổng cục lâm nghiệp): “Luật 2004 chủ yếu tập trung vào công tác quản lý , bảo vệ, phát triển rừng. Khâu sử dụng rừng, chế biến thương mại thì lại không quy định. Điều đó đã tạo nên sự chia cắt, không kết nối chuỗi giá trị”.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tích cực thảo luận đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi); trong đó, các đại biểu cho rằng: Cần kế thừa những quy định còn phù hợp của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, đưa vào Luật sửa đổi những quy định đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn, bảo đảm tính liên tục, thống nhất và đồng bộ giữa quy định của Luật này với các Luật khác có liên quan. Bên cạnh đó, Luật mới cần nâng cao được giá trị kinh tế của rừng, đặc biệt là giá trị dịch vụ môi trường rừng, duy trì và bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, trồng và khai thác rừng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu; hài hòa các lợi ích của Nhà nước, chủ rừng và người làm nghề rừng.
Hoi thao ve Du thao Luat Bao ve va Phat trien rung (sua doi)-Hinh-2
Lễ kí kết hợp tác giữa Tổng cục Lâm Nghiệp và VUSTA.
Vào chiều ngày 21/7, hội nghị đánh giá kết quả hợp tác khoa hoc công nghệ năm 2016-2017 và xây dựng kế hoạch hợp tác trong năm tới đã diễn ra giữa Tổng cục Lâm Nghiệp và Liên hiệp Hội. Theo báo cáo kế hoạch hợp tác giữa VUSTA và Tổng cục Lâm Nghiệp, năm 2016-2017 đã đạt được nhiều thành tựu.
Thông qua hội nghị, VUSTA gửi lời cảm ơn các vị đại biểu và chúc sự hợp tác 2017-2018 thành công.
Ngọc Linh