Hội nghị Trung ương Đảng đề cử 4 chức danh lãnh đạo chủ chốt

Google News

Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Hội nghị Trung ương Đảng 14 họp không dài, nhưng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, sẽ đề cử 4 chức danh lãnh đạo chủ chốt.

Hoi nghi trung uong Dang de cu 4 chuc danh lanh dao chu chot
Các đại biểu biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp tại Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI - Ảnh: TTXVN. 
Tiếp thu ý kiến của Trung ương tại Hội nghị trung ương 13, Tiểu ban nhân sự và Bộ Chính trị cũng đã nghiên cứu, xem xét, cân nhắc và đề nghị giới thiệu thêm một số ủy viên trung ương khóa XI thuộc trường hợp “đặc biệt” tái cử khóa XII
Tổng bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG
Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 14 họp không dài, nhưng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Hội nghị sẽ thảo luận, thông qua chủ trương ký Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); tiếp tục hoàn thiện công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII và chuẩn bị nhân sự lãnh đạo chủ chốt khóa XII; thông qua dự kiến danh sách đoàn chủ tịch, đoàn thư ký, ban thẩm tra tư cách đại biểu của Đại hội XII.
Giới thiệu thêm một số trường hợp “đặc biệt”
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng bí thư cho biết: Tại Hội nghị Trung ương 12 và Hội nghị trung ương 13 khóa XI, Ban Chấp hành trung ương đã quyết định những nội dung quan trọng của công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, bao gồm: việc đề cử nhân sự mới tham gia lần đầu (cả chính thức, dự khuyết); đề cử các ủy viên trung ương khóa XI tái cử khóa XII và đề cử nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII.
Đồng thời, tại Hội nghị trung ương 13, các ủy viên trung ương khóa XI đã viết phiếu giới thiệu các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong độ tuổi ứng cử vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước.
Sau Hội nghị trung ương 13, trên cơ sở kết quả giới thiệu của Ban Chấp hành trung ương, ý kiến giới thiệu của các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI, Tiểu ban nhân sự và Bộ Chính trị đã thảo luận, cân nhắc kỹ và thống nhất giới thiệu nhân sự lãnh đạo chủ chốt khóa XII bao gồm các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong độ tuổi và trường hợp “đặc biệt” tái cử khóa XII.
Tiếp thu ý kiến của trung ương tại Hội nghị trung ương 13, Tiểu ban nhân sự và Bộ Chính trị cũng đã nghiên cứu, xem xét, cân nhắc và đề nghị giới thiệu thêm một số ủy viên trung ương khóa XI thuộc trường hợp “đặc biệt” tái cử khóa XII.
Tổng bí thư đề nghị hội nghị nghiên cứu kỹ tờ trình của Bộ Chính trị, thảo luận, đóng góp ý kiến để hoàn chỉnh báo cáo công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XI trình Đại hội XII; đồng thời xem xét, đề cử nhân sự bốn chức danh lãnh đạo chủ chốt khóa XII.
Phân tích, đánh giá tác động khi tham gia TPP
Theo Tổng bí thư, trong nhiều năm qua, cùng với việc triển khai thực hiện các điều ước quốc tế đã ký kết hoặc tham gia, nước ta đã chủ động, tích cực đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường xuất khẩu và đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, huy động nguồn lực cho phát triển.
Sau hơn năm năm đàm phán với 30 phiên làm việc cấp chuyên gia và hơn 10 cuộc đàm phán cấp bộ trưởng, ngày 5-10-2015 Việt Nam và 11 nước châu Á - Thái Bình Dương đã chính thức tuyên bố kết thúc đàm phán TPP - một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, có yêu cầu cao hơn nhiều so với các hiệp định thương mại tự do đã ký kết trước đây, có phạm vi điều chỉnh rộng lớn, bao gồm không chỉ các vấn đề về thương mại và đầu tư mà còn nhiều vấn đề liên quan như: lao động - công đoàn, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ...
Đây được xem là một hiệp định mà các nước tham gia, nhất là cộng đồng các doanh nghiệp và người lao động đặc biệt quan tâm, đặt nhiều kỳ vọng.
Tại Hội nghị trung ương 13 (tháng 12-2015), theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã có báo cáo kết quả đàm phán TPP trình trung ương nghiên cứu. Ngày 30-12-2015, Bộ Chính trị đã họp nghe Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo và tại hội nghị lần này, Bộ Chính trị trình trung ương về việc chuẩn bị ký kết TPP để trung ương xem xét, quyết định.
Tổng bí thư đề nghị hội nghị nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến về kết quả đàm phán; phân tích, đánh giá tác động khi tham gia TPP; nêu rõ những tác động tổng thể cũng như cụ thể về chính trị và an ninh quốc gia, những thuận lợi và thời cơ, các khó khăn và thách thức; những vấn đề đặt ra liên quan đến điều chỉnh luật pháp, chính sách, biện pháp như nêu trong báo cáo và tờ trình của Bộ Chính trị.
Đồng thời cho chủ trương về việc chính thức ký kết hiệp định; chuẩn bị trình Quốc hội phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, chương trình hành động thực thi hiệp định, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra, vì lợi ích của dân tộc.
Tổng bí thư nhấn mạnh: “Chúng ta đang bàn và quyết định những phần việc còn lại để tiếp tục chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Đề nghị các ủy viên trung ương nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, nhân dân, đất nước, tập trung nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến để hoàn thành tốt nội dung, chương trình đề ra”.
Tại hội nghị lần này, căn cứ điều lệ Đảng, Bộ Chính trị trình trung ương dự kiến danh sách đoàn chủ tịch, đoàn thư ký và ban thẩm tra tư cách đại biểu của Đại hội XII của Đảng. Đề nghị trung ương cho ý kiến, thông qua để trình Đại hội XII của Đảng xem xét, quyết định.
Theo Tuổi Trẻ