Sáng 27/2, UBND tỉnh Thái Bình có văn bản đồng ý với đề xuất của sở GD&ĐT về việc cho phép trẻ em cơ sở giáo dục mầm non, học sinh các khối lớp còn lại của giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên đi học trở lại từ 1/3.
Đây là địa phương thứ 60 trên cả nước quyết định ngày cho học sinh đi học bình thường sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán và tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch Covid-19.
|
Giáo viên ở Tây Ninh vệ sinh trường, lớp, chuẩn bị đón học sinh đi học trở lại từ ngày 1/3. Ảnh: Báo Tây Ninh.
|
Chuẩn bị điều kiện đảm bảo an toàn cho học sinh
Trong hai ngày 27 và 28/2, trường học tại nhiều địa phương trên cả nước gấp rút hoàn thành việc khử khuẩn trường lớp, chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị để đón học sinh trở lại trường.
Tại Thái Bình, ngoài việc tổng vệ sinh, phun, lau khử khuẩn trường, lớp, các trường chuẩn bị máy đo thân nhiệt, nước sát khuẩn nhanh bảo đảm chất lượng, xà phòng và vòi nước sạch rửa tay đặt tại các vị trí thuận lợi, ở những khu vực giáo viên, học sinh thường xuyên qua lại sử dụng.
Tối thiểu, mỗi phòng học bố trí một máy đo thân nhiệt, một chai dung dịch sát khuẩn nhanh với dung lượng phù hợp số lượng học sinh, một hộp giấy lau tay, một thùng đựng rác (dùng để chứa khẩu trang, giấy lau tay thải loại...), một hộp khẩu trang dự phòng để hỗ trợ học sinh khi khấu trang bị mất, hỏng, một sổ ghi nhật ký sức khỏe học sinh.
Bên cạnh đó, các trường bố trí bảng thông tin, hướng dẫn, khuyến cáo thực hiện biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và bệnh dịch mùa đông - xuân ở vị trí thuận lợi, đúng quy cách để giáo viên dễ quan sát, dễ hiểu, thực hiện.
Sở GD&ĐT Thái Bình yêu cầu trường bố trí phòng học rộng rãi, thoáng mát, đủ bàn ghế để học sinh ngồi giãn cách, không sử dụng máy điều hòa nhiệt độ trong phòng học.
Tại Thái Nguyên, sở GD&ĐT chỉ đạo các trường vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trước khi đón học sinh. Học sinh và giáo viên, nhân viên làm việc tại các trường học, cơ sở giáo dục phải thực hiện nghiêm quy định khai báo y tế, phòng chống dịch và theo dõi, kiểm tra sức khỏe trước khi vào lớp học.
Các trường nội trú và bếp ăn tổ chức bán trú phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định.
Vĩnh Phúc cũng sẵn sàng đón học sinh đến lớp. Đến ngày 28/2, các trường trong tỉnh hoàn thành khử khuẩn, vệ sinh, đôn đốc nhắc nhở, lên phương án chuẩn bị chu đáo trong khâu đón, kiểm tra sức khỏe học sinh khi trở lại.
Ở những địa phương khác, sở GD&ĐT đều ra hướng dẫn về việc đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến trường, nhắc nhở các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
|
Các sở GD&ĐT yêu cầu cơ sở giáo dục chú trọng công tác dạy học, đảm bảo kế hoạch thời gian năm học. Ảnh minh họa: Duy Anh.
|
Đảm bảo kiến thức cho học sinh
Bên cạnh phòng, chống dịch, các sở GD&ĐT còn lưu ý cơ sở giáo dục chú trọng công tác dạy và học sau thời gian học trực tuyến.
Trong đó, Sở GD&ĐT Thái Bình giao trưởng các phòng GD&ĐT, thủ trưởng đơn vị trực thuộc chịu trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch, chương trình giáo dục.
Sở GD&ĐT Thái Nguyên yêu cầu cơ sở giáo dục bố trí thời khóa biểu hợp lý, dành thời gian củng cố kiến thức cho học sinh trong thời gian đã thực hiện dạy học trực tuyến vừa qua.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, trước khi học sinh trở lại lớp ngày 1/3, sở GD&ĐT đã yêu cầu các trường khảo sát kết quả học trực tuyến trong thời gian qua để có kế hoạch củng cố, khắc phục.
Nhằm không để bất cứ học sinh nào bị bỏ lại phía sau, các trường phải nắm bắt, hỗ trợ học sinh trong học tập, đến khi đạt được “mặt bằng” chung mới tiếp tục giảng dạy chương trình mới.
Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục bố trí giáo viên dạy trực tiếp trên lớp cho học sinh không có điều kiện học online trong thời gian các em chưa thể đến trường vì dịch, áp dụng từ ngày 22/2.
Trong khi đó, tại Hà Nội, học sinh đi học trở lại từ ngày 2/3. Để chuẩn bị cho việc dạy và học sau thời gian nghỉ vì dịch, sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị ổn định nề nếp ngay sau khi học sinh đến lớp, từng bước nâng cao chất lượng dạy học sau thời gian nghỉ để phòng, chống dịch Covid-19.
Các trường tổ chức ôn tập kiến thức cũ, dạy kiến thức mới theo chương trình kế hoạch giáo dục của trường ngay khi học sinh trở lại, đảm bảo thực hiện nghiêm túc, hoàn thành chương trình các môn học theo thời gian quy định của Bộ GD&ĐT.
Ngoài ra, sở lưu ý các trường quan tâm tổ chức cho học sinh lớp 9 và lớp 12 tiếp thu đầy đủ kiến thức của chương trình, chuẩn bị tốt cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và tốt nghiệp THPT.
Bên cạnh việc thực hiện dạy và học bài mới theo kế hoạch giáo dục nhà trường, các trường tổ chức cho học sinh ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức đã học qua Internet, thực hiện việc kiểm tra định kỳ, học kỳ theo quy định của bộ.
Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các trường tiếp tục đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ, quan tâm các học sinh có học lực yếu, đưa ra giải pháp phù hợp để hướng dẫn học sinh tự học, tự ôn tập, góp phần nâng cao chất lượng học tập.
Trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Bộ GD&ĐT chiều 26/2, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận định với việc hầu hết tỉnh, thành cho học sinh đi học bình thường trong tuần đầu tháng 3, kế hoạch thời gian năm học cơ bản chưa có sự thay đổi.
Tuy nhiên, ông lưu ý ngành cần chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản khác nhau tương ứng từng tình huống có thể xảy ra để tránh bị động, lúng túng trong công tác chỉ đạo.
Tại Đồng Tháp, do có ca nhiễm SARS-CoV-2 (người nhập cảnh trái phép), học sinh ở thành phố Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự, huyện Tân Hồng nghỉ học từ ngày 1/3 đến hết 6/3.
Hải Phòng và Hải Dương vẫn chưa quyết định ngày học sinh đi học trở lại. Dự kiến, học sinh tại Hải Phòng đến trường từ ngày 8/3.
Theo Nguyễn Sương/Zing