Không nhớ nổi đã bắt cướp bao nhiêu vụ
Sau gần 3 năm tham gia vào Đội săn bắt cướp TP.HCM (SBC TP.HCM) anh Nguyễn Thanh Long cùng các thành viên trong đội không biết đã bắt giữ được bao nhiêu đối tượng trộm cướp hoành hành trên đường phố Sài Gòn. Sau mỗi lần bắt cướp lại là một tâm trạng khác nhau, lúc thì vui mừng vì mình đã giúp được người bị hại tìm lại tài sản; khi thì thất vọng, lo lắng vì đã để cho đối tượng tẩu thoát; thót tim khi đối diện với những tên tội phạm nguy hiểm hay cả những phút giây trùng xuống khi biết được hoàn cảnh của các đối tượng trộm cắp. Nhưng chính công việc mà người ta thường gọi “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” này lại khiến anh trưởng thành hơn từng ngày và bây giờ đối với anh thì nó trở thành một phẩm cách sống “thấy việc bất bình không tha”.
|
Dù trên tay có những vết bầm tím, những lần phải băng bó không ngăn được anh Long cùng các thành viên trong đội tham gia công việc bắt cướp. ảnh: T.G |
Kể về “mối lương duyên” khi đến với Đội SBC TP.HCM, anh Long chia sẻ: “Nếu ai đã từng là nạn nhân hoặc có người nhà là nạn nhân của nạn cướp giật họ mới hiểu được công việc mà chúng tôi đang làm. Nếu mình không can thiệp ngăn chặn các loại tội phạm này thì các đối tượng đó sẽ còn thực hiện các hành vi đó cho những lần kế tiếp đối với những người khác và biết đâu trong những người nạn nhân đó có thể là người thân hoặc bạn bè của mình. Mà sự việc nếu mình biết sắp xảy ra hoặc đã xảy ra với người khác mà mình xem như không biết gì, đi qua cho xong chuyện thì trong lòng cảm thấy khó chịu lắm. Tôi đã chủ động liên hệ với Lâm Hiếu Long – Đội trưởng đội SBC TP.HCM bày tỏ nguyện vọng muốn được tham gia vào đội săn bắt cướp”.
Kể từ ngày đầu mới tham gia vào đội đến nay cũng đã được hơn 2 năm, anh Long cũng chẳng nhớ nổi mình đã tham gia săn bắt cướp được bao nhiêu vụ. Nhưng thứ anh nhìn thấy được đó là sự chín chắn, sự trưởng thành của bản thân. Anh không còn thờ ơ với những câu chuyện của mọi người, biết sống một cuộc sống ý nghĩa hơn.
Anh Long vẫn còn nhớ như in khi lần đầu tiên được tham gia với danh nghĩa thành viên đội SBC TPHCM. Lần đó, có 1 bạn nữ bị giật túi xách trong đó có giấy tờ tùy thân, tiền bạc , và chiếc điện thoại IP6. 2 ngày sau, đối tượng đó đã liên hệ lại với nạn nhân để trả giấy tờ và điện thoại nhưng với điều kiện đáp ứng nhu cầu tình dục cho hắn. Quá hoảng sợ, cô gái đó đã liên hệ với đội của Long nhờ sự giúp đỡ. Nhận thấy đây là vụ việc mang tính chất nghiêm trọng nên đội đã nhanh chóng giúp đỡ nạn nhân, hướng dẫn nạn nhân cách xử lý, cũng như truy tìm ra đối tượng.
“Chúng tôi đã phải đi cùng với nạn nhân suốt từ 7giờ sáng đến gần 19 giờ tối ngày hôm đó để truy tìm đối tượng. Nhưng tên này cũng rất ma mãnh, luôn thay đổi địa điểm nhiều lần để chắc rằng không ai theo dõi, làm cho 3 anh em chúng tôi không dám ăn uống gì dọc đường, thay phiên nhau làm nhiệm vụ. Sau một hồi rượt đuổi, chúng tôi cũng đã khống chế và đưa đối tượng về phường làm việc cùng với số tang vật do hắn thực hiện cướp giật trước đây” Long kể.
Mải bắt cướp, quên cả yêu
“Sau vụ đó, dù cảm thấy rất mệt tuy nhiên lần đầu tiên được “đánh án” và thành công, trao trả lại tài sản cho nạn nhân, tôi thấy rất vui. Sau vụ đó, tôi cũng được va chạm với nhiều vụ lớn nhỏ khác nhau, học được nhiều kinh nghiệm từ các anh em khác trong đội, như cách xử lý khi có nạn nhân gặp cướp giật, hướng dẫn họ trình báo bên phía công an, hoặc là cách nhận diện các đối tượng giật đồ đang đi trên đường, từ đó tìm cách ngăn chặn cũng như hạn chế rủi ro tiềm ẩn cho người khác. Và thứ lớn nhất mà tôi học được chính là làm công việc bắt cướp với tâm thái của người công dân nghĩa hiệp, thấy chuyện bất bình ra tay giúp đỡ và không màng vụ lợi”.
Long nhận, mình may mắn hơn nhiều anh em khác trong đội khi nhận được sự ủng hộ từ phía gia đình, bạn bè. “Lúc đầu về phía gia đình cũng nói, không cho tôi tham gia công việc này vì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng. Nhưng thấy tôi đam mê, lại thấy tôi trưởng thành hơn qua những công việc xã hội này nên dần gia đình cũng chấp nhận và ủng hộ tôi. Nhiều anh em trong đội còn phải giấu vợ, giấu gia đình đi làm vì sợ mọi người lo lắng”.
Làm công việc hành chính tại UBND phường, Long thường sắp xếp thời gian rảnh vào các buổi tối và 2 ngày cuối tuần để cùng anh em trong đội đi tuần. Công việc săn bắt cướp chiếm phần lớn thời gian rảnh của Long nên dù đã gần 30 tuổi, Long vẫn chưa muốn yêu ai. Anh chỉ cười và bảo “mọi người nói tôi mải bắt cướp quá mà quên mất yêu rồi”.
Long bảo, tham gia công việc này mới thấy nó ý nghĩa như thế nào. “Nhìn thấy nụ cười, giọt nước mắt của những nạn nhân trong các vụ cướp giật khi tìm lại được đồ của mình chính là động lực giúp bạn tiếp tục thực hiện công việc. Tham gia công việc này cũng nhiều cảm xúc lắm, vui có, buồn cả và cả những phút giây nghẹn lại khi chứng kiến những câu chuyện buồn trong cuộc sống”.
Đội của Long đã chứng kiến những câu chuyện, những hoàn cảnh bất đắc dĩ đẩy con người ta đến bước đường cùng. Đó là câu chuyện của một người đàn ông đang trong cảnh “gà trống nuôi con”, do cuộc sống bế tắc nên đã đưa đứa con đi ăn trộm cùng. Khi bị bắt quả tang và đưa về công an, đứa con này không biết gì chỉ khóc đòi lại cha và kêu đói. Hỏi ra một lúc người cha này mới khai do không có tiền nên đứa nhỏ đã nhịn đói cả ngày nay, người cha bất đắc dĩ phải đi trộm cắp để lấy tiền nuôi con. Lúc đó anh em trong đội lắng xuống , cũng chỉ biết đi mua sữa và thức ăn cho cha con họ dùng đỡ.
Khó khăn và hiểm nguy là chuyện các “Hiệp sỹ đường phố” luôn phải đối mặt: Khó khăn khi không nhận được sự hợp tác giúp đỡ của nạn nhân vì sợ gặp phiền phức và sợ bị trả thù. Nguy hiểm khi có những đối tượng sẵn sàng đem theo hung khí để chống trả và tìm cách trả thù các thành viên trong đội. Nhưng vượt lên trên tất cả, Long cùng các thành viên trong đội SBC TP.HCM vẫn ngày đêm làm công việc nghĩa hiệp vì một nhân cách sống: “Thấy chuyện bất bình không tha”.
Theo Kim Oanh/Giadinh.net