Khi bàn đến chuyện 16 con nhím giống cấp cho người nghèo “đi lạc” vào nhà ba vị quan xã ở Quế Long, huyện Quế Sơn (Quảng Nam) vừa mới bị người dân phát hiện, ông bạn cà phê sáng trước ngõ lắc đầu ngao ngán: Thật hết biết, chẳng còn gì để nói. Rồi quay sang nhìn tôi, hỏi: “Lần này chú có định viết bài nữa không đấy?” Và ông tự trả lời luôn: “Mà biết viết cái gì được nữa chứ. Nói lắm cũng chán. Các vị ấy có biết nghe đâu. Giờ thì chỉ còn mỗi nước là lôi ra giữa công đường, kêu dân đến mà nọc cho mỗi vị 100 hèo sau khi đã bắt hoàn trả cả vốn lẫn lãi. Chứ cứ thế này thì… Ôi trời ơi, tui không là dân Quế Long mà cũng cảm thấy ngột thở!”.
|
Nhím giống cấp cho dân nghèo đã chạy lạc vào nhà quan xã Quế Long. |
Ôi, ông bạn quý đã nói trúng ý mình. Quả thực muốn viết một cái gì đó về vụ này nhưng mà… ngại quá. Sự việc diễn ra cứ như cứ y như là kịch bản có sẵn, hôm nay nơi này, mai nơi khác, khi thì dê lạc, khi thì gà lạc… Cứ na ná nhau, hao hao nhau, có bình hay luận kiểu gì thì cũng chừng ấy tình tiết, chừng ấy tên tuổi, rồi độc giả lại phải thốt lên “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
Thôi thì đành nói một câu cho nó vắn, coi như là kiến nghị thiết tha với tư cách một công dân, rằng là chính quyền các cấp nhân đây hãy làm một cuộc tổng thanh tra, rà soát lại toàn bộ chương trình hỗ trợ “Nông thôn mới” trong cả nước, biết đâu còn phát hiện ra nhiều dê, gà, nhím, heo… lâu nay “đi lạc” đang ẩn nấp ở đâu đấy trong trang trại các quan xã, quan huyện. Lúc đó bình luận luôn thể, đỡ nhọc công báo chí và bạn đọc.
Còn về cách xử lí, “sáng kiến” của ông bạn thật đáng để cho các cấp lãnh đạo lưu tâm: Vị nào cố tình “nhốt” dê, gà, nhím… của dân nghèo “đi lạc” mà không chịu trả, cứ làm như các cụ ta ngày xưa, lôi ra giữa công đường, nọc cho mấy hèo rồi cho về vườn thì may ra mới triệt hạ được đám quan xã cai trị dân theo kiểu “Bắt phong trần phải phong trần/Cho thanh cao mới được phần thanh cao”.
Nguyễn Duy Xuân