Như đã phản ánh, do giá nước của Nhà máy nước mặt sông Đuống bán buôn cho các công ty bán lẻ cao hơn giá bán đến từng hộ dân nên liên ngành gồm Sở Xây dựng, Sở Tài Chính cùng 2 Công ty gồm Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội và Công ty Cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội đã đề xuất UBND thành phố lấy ngân sách bù vào khoản tiền thiếu hụt này để tránh nguy cơ thua lỗ.
Theo tính toán, nếu áp dụng mua nước theo mức giá mà phía UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt cho Nhà máy nước mặt sông Đuống thì trong năm 2019 sẽ phải bù thêm gần 200 tỷ đồng cho các công ty bán lẻ. Riêng những năm tiếp theo sẽ căn cứ theo mức giá nước của đơn vị bán buôn, mức giá bán lẻ nhưng vẫn theo chiều hướng phải bù số tiền cả trăm tỷ đồng…
Trước đề xuất của Liên ngành, sau khi xem xét các yếu tố, UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận đề xuất sẽ lấy tiền từ nguồn ngân sách thành phố để bù vào tiền mua nước từ Nhà máy nước mặt sông Đuống. Theo phân tích thì nếu như không có khoản tiền bù này thì nhiều công ty nước sẽ đối diện nguy cơ phá sản vì phải kinh doanh trong bối cảnh mua buôn nước giá cao rồi bán lẻ với giá thấp.
|
Nhà máy nước mặt sông Đuống nhìn từ trên cao |
Sau khi chấp thuận đề xuất của Liên ngành, UBND TP. Hà Nội đã có đề xuất gửi lên Thường trực HĐND TP. Hà Nội để xem xét việc duyệt chi cho khoản tiền này.
Trao đổi với bà Hồ Vân Nga, Trưởng ban Kinh tế Ngân sách của Hội đồng Nhân dân TP. Hà Nội được biết: UBND TP đã trình đề xuất lên phía Thường trực HĐND để xem xét việc đưa việc bù tiền mua nước vào dự toán chi ngân sách cho năm 2020.
Sau khi nhận được đề xuất này, Thường trực HĐND TP đã chỉ đạo cho Ban Kinh tế Ngân sách nghiên cứu, thẩm duyệt. Phía Ban Kinh tế Ngân sách sau đó đã xem xét các nội dung, yếu tố của đề xuất lấy tiền ngân sách chi vào việc bù tiền mua nước và đối chiếu với các quy định hiện hành. Chúng tôi nhận thấy đề xuất lấy ngân sách bù tiền mua nước của phía UBND TP thiếu các yếu tố cần thiết nên đã không chấp thuận và không đưa vào danh mục các Nghị quyết chi ngân sách để trình Hội đồng Nhân dân TP.
Cũng do không được chấp thuận nên trong danh mục dự toán chi ngân sách của HĐND TP sắp tới không có khoản chi bù tiền mua nước của Nhà máy nước mặt sông Đuống.
Cụ thể, trong 19 Nghị quyết sẽ được trình và thông qua tại Kỳ họp thứ 11 HĐND TP. Hà Nội khoá XV bắt đầu từ ngày 29/11/2019 tới đây, Nghị quyết số 8 về việc một số nội dung, định mức chi thuộc thẩm quyền của HĐND TP hoàn toàn không có bất cứ khoản nào liên quan đến việc lấy ngân sách bù tiền mua nước.
Như vậy có thể thấy, đề xuất chi mỗi năm gần 200 tỷ đồng bù tiền mua nước sạch UBND TP. Hà Nội đã không được HĐND thành phố chấp thuận.
|
Hội đồng Nhân dân TP. Hà Nội không chấp thuận đề xuất việc đưa tiền bù mua nước của Nhà máy nước mặt sông Đuống vào dự toán chi |
Như đã phản ánh, hiện nay, do Nhà máy nước mặt Sông Đuống chưa được quyết toán chính thức nhưng việc cung cấp nước đang được triển khai thực hiện nên TP. Hà Nội đã chấp thuận mức giá hiệp thương tạm tính là 7.700 đồng/m3 để công ty thực hiện cung cấp nước cho các đơn vị bán lẻ.
Với việc tính giá như thế này, phía Liên ngành phía thành phố Hà Nội đã đề xuất, trong thời gian chưa có giá chính thức trên cơ sở số liệu tổng hợp chi phí lưu thông thì đề nghị UBND thành phố xem xét chấp thuận tạm thời thanh toán cho Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống chi phí thiết yếu cơ bản phát sinh hàng tháng với giá: 8.871,17/m3, tương ứng 86% giá nước của sông Đuống.
Cùng với đó, với giá bán buôn là 7.700 đồng/m3 mà Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống đang bán cho các đơn vị lưu thông nước thì số tiền dự kiến phải bù giá năm 2019 sẽ là gần 200 tỷ đồng.
Như vậy, dù là giá tạm tính 7.700 đồng/m3 thì hiện nay TP. Hà Nội vẫn phải bù tới gần 200 tỷ trong năm 2019 và khoản tiền này sẽ được lấy từ ngân sách thành phố...
Giá nước sạch tối đa của Nhà máy nước sạch sông Đuống tạm tính năm 2017 là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế VAT). Lộ trình tăng giá nước tối đa 7%/năm nhưng không vượt quá khung giá nước sạch sinh hoạt theo quy định của Bộ Tài chính. Mức giá này đã bao gồm tính toán cả phần trả lãi cho khoản vay vốn đầu tư xây dựng của đơn vị chủ đầu tư Nhà máy nước mặt sông Đuống.
Theo Ngày nay