Trong văn hóa của người Việt Nam lâu nay, ôm, hôn hay cưng nựng trẻ con được hiểu như một sự yêu thương, làm quen. Một đứa trẻ đáng yêu, bụ bẫm sẽ được nhiều người yêu mến.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, liên tiếp các vụ xâm hại tình dục trẻ em được phanh phui. Nó là hồi chuông cảnh báo đối với các bậc cha mẹ đang có con nhỏ.
|
Nhiều bậc cha mẹ đang giật mình và tự hỏi: Có nên ngưng việc ôm, hôn con nhà người khác và ngăn cản người khác ôm, hôn con mình để đề phòng nạn ấu dâm? (ảnh minh họa). |
Những hành động ôm, hôn, vuốt má, sờ soạng… lâu dần có thể khiến trẻ mất đi phản ứng tự vệ với người lạ vì cho rằng đó cũng là hành động yêu thương và dễ bị kẻ xấu lợi dụng. Hầu hết,thủ phạm trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em hiện nay chính là người quen và bắt nguồn từ những cái ôm, cái hôn, vuốt má.
Nhiều bậc cha mẹ đang giật mình và tự hỏi: Có nên ngưng việc ôm, hôn con nhà người khác và ngăn cản người khác ôm, hôn con mình để đề phòng nạn ấu dâm?
“Người lớn nên tôn trọng quyền riêng tư của trẻ em”
Ngày 14/3, ông Trần Thành Nam – TS Tâm lý học lâm sàng trẻ em (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, người Việt xưa nay vốn đã có nhiều hành vi xâm phạm đến vùng riêng tư của trẻ em như vạch quần xem “vùng kín”, vỗ mông, véo má… đó là cách nhìn nhận hành vi trong văn hóa vì nó thể hiện sự yêu thương.
Tuy nhiên, trong xã hội phát triển ngày nay, nguy cơ xâm hại tình dục trẻ em bắt nguồn từ nhưng hành động như vậy. Đứa trẻ được bố mẹ dạy đó là ý nghĩa của hành động yêu thương, trêu ghẹo chứ không phải xấu. Bố mẹ bình thường hóa hành động đó nên khi bị xâm hại, đứa trẻ khó chịu và không dám nói bởi, chính bố mẹ cho rằng đó là hành vi trêu trọc.
“Những hành vi của người lớn như vỗ mông, xem “vùng kín” để thể hiện sự yêu thương thì nghiêm cấm còn những hành vi ôm, hôn thì tùy mối quan hệ để xem có thực hiện được hay không.Người lớn chúng ta nên tôn trọng quyền riêng tư của đứa trẻ. Trường hợp trẻ không thích thì không được bắt ép”, ông Nam nói.
Theo ông Nam, đối với những người lạ khi gặp con mình đáng yêu quá mà muốn ôm, hôn nhưng trẻ không thích thì cha mẹ phải từ chối khéo léo. Cha mẹ chủ động nói con bắt tay người lạ trước hoặc bảo con khoanh tay chào để thể hiện sự thân thiện.
Ông Nam cho biết thêm, thường các đối tượng xâm phạm tình dục trẻ không bao giờ đi đến hành vi xâm phạm ngay mà phải qua quá trình dẫn dụ, làm thân. Thường là những người quen thân, quý mến trẻ và hay cho trẻ đồ chơi, cười đùa, tình nguyện trông trẻ khi bố mẹ vắng nhà… khiến đứa trẻ mất hành vi phản xạ. Nếu có nói ra thì bố mẹ lại cho rằng nói quá.
Vì vậy, để trẻ không bị xâm hại, ông Nam cho rằng: “Các bậc cha mẹ cần phải giáo dục con cái ngay từ khi còn nhỏ. Nói cho con biết bạn nam và bạn nữ khác nhau như thế nào; thế nào là đụng chạm an toàn, không an toàn; ai được phép ôm, hôn, sờ vào vùng kín… và quan trọng nhất là khi có dự cảm nguy hiểm phải nói chuyện với bố mẹ”.
Hãy từ chối những "nụ hôn thần chết"
PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng - Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trẻ sơ sinh, trẻ em hay người lớn khi hôn đều có thể lây các bệnh truyền nhiễm. Đặc biệt, một số trường hợp bị bệnh truyền nhiễm, bệnh viêm gan, bệnh về hô hấp, kiết lị, bệnh lao phổi hay răng miệng cũng tuyệt đối không cho tiếp xúc với trẻ sơ sinh.
Bác sĩ cũng khuyến cáo thêm, để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ các mẹ nên có những biện pháp từ chối kéo bằng cách đưa tay của trẻ cho moi người hôn thay vì hôn miệng, hôn má. Dặn dò mọi người nên rửa tay sạch trước khi bế, ẵm trẻ.
Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nếu một người có bệnh truyền nhiễm khi hôn có thể lây bệnh cho người kia. Bao gồm cả người lớn hôn người lớn chứ không riêng gì trẻ em.
Các bệnh lây qua đường hô hấp thường gặp như: Cúm, sởi, quai bị, lao, thủy đậu.
Bác sĩ Cấp lý giải, cơ chế lây bệnh bằng việc tiếp xúc quá gần nên khi nói chuyện, âu yếm có thể bắn nước bọt, lúc này các giọt nhỏ mang mầm bệnh ra, người kia hít phải. Chính vì thế, khi hôn để dính nước bọt và dịch tiết đường hô hấp trên mặt người được hôn. Từ đó vấy bẩn bàn tay rồi khi ăn uống lại nuốt phải mầm bệnh, có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Theo Triệu Quang – Diệu Thu/Dân Việt