Hậu vụ VN Pharma: Có sót người lọt tội?

Google News

Với bản án tuyên cựu Chủ tịch VN Pharma Nguyễn Minh Hùng tội danh “Buôn lậu”, lĩnh án 12 năm tù, nhiều ý kiến cho rằng Tòa đã khép tội chưa chuẩn với bản chất hành vi vụ án. 

Hau vu VN Pharma: Co sot nguoi lot toi?
Các bị cáo trong vụ án VN Pharma. Ảnh: Tân Châu. 
Nguyên thẩm phán Tòa Hình sự, TAND TPHCM, ông Nguyễn Minh Cảnh dẫn giải Điều 153 Bộ luật Hình sự năm 1999, cho rằng: Tội buôn lậu là hành vi mua bán trái phép qua biên giới. Trong vụ VN Pharma, cơ quan chức năng phát hiện Nguyễn Minh Hùng chỉ đạo làm hồ sơ giả thuốc H-Capita 500mg sản xuất tại Canada. Như vậy việc phạm pháp và cơ quan chức năng không phát hiện tại cửa khẩu. Đã vậy hồ sơ nhập khẩu vụ VN Pharma đầy đủ (dù có những giấy giả). “Theo tôi, với những nội dung mà tôi xem trên Tiền Phong thì các bị cáo chỉ có thể phạm tội mua bán hàng giả thuốc chữa bệnh theo Điều 157 Bộ luật Hình sự, năm 1999 mà thôi” - ông Cảnh nói.
Theo luật gia Huỳnh Bách (Hội Luật gia Việt Nam), vụ VN Pharma có đủ cơ sở để truy cứu tội Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh (Điều 157, Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009). Vị luật gia này phân tích, theo cáo trạng, lô thuốc H-Capita 500mg không rõ nguồn gốc. Trên các thùng hàng này, có dán tem kiểm tra an ninh tại sân bay Ấn Độ, tem vận chuyển từ Ấn Độ về Singapore. Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cũng xác định mã vạch, mã số trên vỏ hộp thuốc H-Capita không được đăng ký bởi quốc gia nào. Hàng loạt giấy tờ giả như FSC (giấy chứng nhận bán hàng tự do để được lưu hành thuốc trên thế giới), GMP (giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc) do Bộ Y tế Canada cấp, con dấu lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada… Bộ Ngoại giao còn có công văn trả lời Cục An ninh Chính trị nội bộ - Bộ Công an nêu rõ không có công ty nào tên Helix Pharmaceuticals Inc, tồn tại ở địa chỉ 392 Wilson Ave, Toronto Ontario Canada như hồ sơ VN Pharma cung cấp cho Cục Quản lý dược.
“Trong Kết luận giám định số 31/KLGĐ-BYT của Hội đồng giám định Bộ Y tế còn chỉ rõ: lô thuốc nói trên chứa 97% hoạt chất capecitabine là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người. Vậy nhưng bản án lại tuyên tội buôn lậu?”, luật gia Huỳnh Bách đặt hoài nghi.
Hau vu VN Pharma: Co sot nguoi lot toi?-Hinh-2
 Nguyên thẩm phán TAND TPHCM Nguyễn Minh Cảnh.
Dấu hiệu của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đột nhiên “biến mất”
Theo tài liệu mà Tiền Phong có được, cơ quan điều tra từng cho rằng, vụ án có dấu hiệu của “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Tại phiên tòa xét xử vụ án VN Pharma, luật sư Phan Trung Hoài, Đoàn luật sư TPHCM cũng đã nêu lại tình tiết này.
Theo ông Hoài, văn bản số 41 ngày 8/1/2016 của cơ quan An ninh Điều tra, Bộ Công an cho rằng các cán bộ thuộc Cục Quản lý dược, Bộ Y tế không phát hiện Cty Austin hết hạn giấy phép hoạt động về thuốc tại Việt Nam, nội dung hồ sơ kỹ thuật có những điểm không thống nhất giữa giấy FSC và tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm, có dấu hiệu của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, Bộ Y tế khi thành lập Hội đồng giám định theo Quyết định số 5197 ngày 17/12/2014 lại phân công ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược làm Chủ tịch Hội đồng, cùng với các thành viên Đặng Thị Minh Hằng, Phó Trưởng phòng quản lý chất lượng thuốc và bà Phạm Vân Hạnh- Phòng quản lý kinh doanh dược thuộc Cục. Theo luật sư Phan Trung Hoài, việc làm trên có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng liên quan đến công tác giám định được quy định tại điểm (a) Khoản 4 Điều 60 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 (thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 42). Sau khi Hội đồng giám định có kết luận thì tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” không còn nhắc tới trong hồ sơ vụ án?
Trước đó, khi đại diện VKS tại tòa nêu quan điểm buộc tội các bị cáo “Buôn lậu”, ông Hoài phản bác rằng không “tâm phục, khẩu phục”, đồng thời dẫn giải, trong số các bị cáo bị kết tội “Buôn lậu”, trong đó có bị cáo Võ Mạnh Cường (giám đốc Cty Hàng hải Quốc tế H&C) mà ông đang bảo vệ, hoàn toàn không biết các giấy FSC và chứng nhận GMP bị coi là giả. Dựa vào hồ sơ kỹ thuật này, Cục Quản lý dược đã cấp giấy phép nhập khẩu vào đầu năm 2014, sau đó Võ Mạnh Cường mới đại diện Cty ký hợp đồng bán thuốc H-Capita cho VN Pharma. Hành vi mua bán thuốc H-Capita giữa Võ Mạnh Cường đại với VN Pharma chỉ diễn ra sau khi Bộ Y tế đã cấp giấy phép nhập khẩu thuốc. Về mặt thủ tục pháp lý, luật sư Phan Trung Hoài khẳng định “9.300 hộp thuốc H-Capita nhập khẩu được coi là hợp pháp và không phải buôn lậu”.
Luật gia Huỳnh Bách cho rằng lô thuốc H-Capita 500mg caplet trong vụ án là thuốc giả theo quy định tại khoản 24 Điều 2 Luật Dược 2005 và khoản 33 Điều 2 Luật Dược 2016. Vì vậy, cơ quan chức năng có thể truy tố thêm tội danh “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” theo Điều 157 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009.
Với kinh nghiệm gần 30 năm xử án, ông Nguyễn Minh Cảnh cho rằng trong vụ VN Pharma, việc nhập khẩu thuốc giả chắc chắn phải có sự giúp sức của cán bộ khác về thủ tục nhập khẩu. Những người này phải chịu trách nhiệm nặng hơn người buôn bán bình thường. “Tuy nhiên họ đã thoát hết, kể từ sau có kết luận giám định” - ông Cảnh nói.
Theo TÂN CHÂU/Tiền Phong