Hành trình đằng đẵng 30 năm đi tìm di ảnh cho liệt sĩ Gạc Ma

Google News

Hành trình đi tìm ảnh cho liệt sĩ Trần Quốc Trị có nhiều điều kỳ diệu, trải qua những phút giây đẫm nước mắt được ví như cuộc trùng phùng với người thân sau hơn 30 năm thất lạc.

Bàn thờ liệt sĩ Trần Quốc Trị đặt tại ngôi nhà nhỏ nơi quê nhà nay đã đầy đủ, ấm áp hơn khi di ảnh của anh được tìm thấy sau hơn 30 năm kể từ ngày anh hy sinh trong sự kiện Gạc Ma, tháng 3/1988. Và tại khu tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma ở tỉnh Khánh Hòa, ô trống chưa có di ảnh của liệt sĩ Trần Quốc Trị cũng đã được gắn tấm ảnh với gương mặt tươi trẻ của anh.
Trong ngôi nhà nhỏ ở thôn 4, xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, ông Trần Quốc Tuấn, 67 tuổi, nâng niu trên tay tấm di ảnh của em trai mình - liệt sĩ Trần Quốc Trị. Đằng đẵng hơn 30 năm, trên bàn thờ của liệt sĩ Trần Quốc Trị không có di ảnh, đến nay, khoảng trống đó đã đủ đầy.
Hanh trinh dang dang 30 nam di tim di anh cho liet si Gac Ma
 Khu tưởng niệm đã có đầy đủ di ảnh của 64 liệt sĩ Gạc Ma.
Ông Trần Quốc Tuấn kể lại, lần tiễn em trai lên đường nhập ngũ cũng là lần chia tay vĩnh viễn của gia đình với em trai mình. Ngày em trai hy sinh, gia đình lục tìm, dò hỏi khắp nơi nhưng không tìm được một tấm ảnh nào để đặt lên bàn thờ liệt sĩ Trần Quốc Trị. Những năm qua, cũng có nhiều cơ quan, đoàn thể và cá nhân giúp gia đình tìm ảnh em trai vẫn không tìm thấy.
Ông Trần Quốc Tuấn kể, điều may mắn đến với gia đình khi vào cuối năm ngoái, PGS.TS Ngô Văn Minh, Trưởng khoa Dân tộc và Tôn giáo, Học viện Chính trị Hồ Chí Minh khu vực 3 đến thăm và trao cho gia đình ông một bức ảnh của liệt sĩ Trần Quốc Trị. Vừa ngắm nhìn bức ảnh, ông Tuấn đã nhận ngay ra người em trai út của mình.
“Hơn 30 năm gia đình, bạn bè, các cơ quan tìm kiếm không thấy, lúc đó thầy Minh ra báo tin tìm thấy ảnh thì gia đình cảm động tột cùng. Sau hơn 30 năm gia đình mới nhìn thấy được hình bóng của Trị”, ông Tuấn xúc động nói.
Hanh trinh dang dang 30 nam di tim di anh cho liet si Gac Ma-Hinh-2
Ông Trần Quốc Tuấn cầm di ảnh của em trai mình - liệt sĩ Trần Quốc Trị. 
Trước đó, vào năm 2019, trong một chuyến công tác tại tỉnh Khánh Hòa, PGS.TS Ngô Văn Minh đã đến thăm Nhà trưng bày khu tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm. Ngắm nhìn di ảnh các liệt sĩ, ánh mắt ông dừng lại thật lâu tại vị trí khuyết di ảnh liệt sĩ Trần Quốc Trị, sinh năm 1966, xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch. Trong khi 63 liệt sĩ đều có di ảnh, thì vị trí gắn ảnh của liệt sĩ Trần Quốc Trị chỉ là một ô trống.
Ban Quản lý khu tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma cho biết, dù đã tìm nhiều cách, nhưng đến thời điểm đó vẫn không thể tìm được một bức ảnh nào của liệt sĩ Trần Quốc Trị. Khoảng trống không có di ảnh liệt sĩ khiến PGS.TS Ngô Văn Minh day dứt không yên. Cũng từ đó, ông Minh bắt đầu hành trình “Tìm ảnh cho anh” suốt chiều dài các tỉnh miền Trung.
Trong những chuyến công tác ở tỉnh Quảng Bình, ông Minh luôn chia sẻ thông tin này với bạn bè, kết nối với nhiều người để cùng tìm di ảnh liệt sĩ Trần Quốc Trị. Cuộc tìm kiếm gần như vô vọng, nhưng PGS.TS Ngô Văn Minh vẫn kiên trì với hành trình “Tìm ảnh cho anh”. Vào một ngày đầu tháng 10/2020, ông Minh chợt nghĩ đến kho lưu trữ tàng thư căn cước công dân thuộc Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Quảng Bình.
Hanh trinh dang dang 30 nam di tim di anh cho liet si Gac Ma-Hinh-3
PGS-TS Ngô Văn Minh trao di ảnh cho ông Võ Duy Trúc, Ban quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. 
Qua kết nối với Thượng tá Trần Thị Hồng Phượng, Phó trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, chỉ 2 tiếng đồng hồ, Thượng tá Phượng đã tìm được hồ sơ lưu trữ của liệt sĩ Trần Quốc Trị, trong đó có bức ảnh chân dung với đầy đủ thông tin. Khi báo tin này cho PGS.TS Ngô Văn Minh, Thượng tá Trần Thị Hồng Phượng không giấu được niềm vui, vô cùng xúc động. Và ngay trong đêm mưa gió, ông Minh đã tìm đến gia đình thân nhân liệt sĩ Trần Quốc Trị.
PGS.TS Ngô Văn Minh cho biết, các liệt sĩ đã ngã xuống, máu xương các anh hòa vào biển đảo Trường Sa vì nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Bao năm qua, trên bàn thờ của gia đình lại thiếu vắng di ảnh, và tại nơi gắn di ảnh ở khu tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma cũng còn 1 ô trống, ai thấy cũng chạnh lòng. Hành trình “Tìm ảnh cho anh” được kết thúc trọn vẹn sau khi PGS.TS Ngô Văn Minh cùng các học viên, bạn bè tìm ra di ảnh liệt sĩ Trần Quốc Trị trao cho gia đình và tận tay trao tấm ảnh này cho Ban Quản lý khu tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma.
PGS.TS Ngô Văn Minh không thể nào quên phút giây trao di ảnh liệt sĩ cho người thân: “Tôi có may mắn trong quá trình đi tìm và đã cùng các học viên tìm thấy di ảnh liệt sĩ Trần Quốc Trị. Đây là kết quả chung của mọi người, khi tìm được di ảnh đã hoàn thành được tâm nguyện “Tìm ảnh cho anh”. Tôi đến thắp hương và hỏi thăm ông Trần Quốc Tuấn là anh trai liệt sĩ Trần Quốc Trị, đưa ảnh cho ông Tuấn xem. Khi tôi vừa đưa ảnh ra thì ông Tuấn bảo đó chính là em trai mình. Tôi mừng lắm, lúc đó rất xúc động”.
Ông Võ Duy Trúc, Giám đốc Ban quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma cho biết, trước khi khánh thành, đưa Khu tưởng niệm vào hoạt động, các đơn vị cùng gia đình đã có nhiều cố gắng tìm kiếm di ảnh của liệt sĩ Trần Quốc Trị nhưng không có. Trong ô gắn di ảnh liệt sĩ Trần Quốc Trị đành để trống. May mắn thay, chính PGS.TS Ngô Văn Minh cùng các học viên đã tìm được ảnh chân dung của liệt sĩ Trần Quốc Trị - bức ảnh duy nhất còn thiếu trong không gian tưởng niệm 64 chiến sĩ hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma.
Đầu tháng 12/2020, trong không khí trang nghiêm, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã nâng niu gắn tấm ảnh liệt sĩ Trần Quốc Trị lên không gian tưởng niệm. Ông Võ Duy Trúc nhớ lại: “Sau khi tìm được hình ảnh của liệt sĩ Trần Quốc Trị, Ban quản lý nói riêng, tập thể tổ chức Công đoàn nói chung rất vui mừng. Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trực tiếp gắn bức ảnh của Liệt sĩ Trần Quốc Trị lên ngôi nhà chung, trọn vẹn rồi, đầy đủ 64 liệt sĩ”.
Hanh trinh dang dang 30 nam di tim di anh cho liet si Gac Ma-Hinh-4
Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam gắn ảnh liệt sĩ Trần Quốc Trị.
Sự kiện Gạc Ma xảy ra vào rạng sáng ngày 14/3/1988 đã đi vào lịch sử dân tộc như một dấu ấn không bao giờ phai mờ trong tâm khảm mỗi người dân đất Việt.
Các chiến sỹ Hải quân đang làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và xây dựng các công trình ở quần đảo Trường Sa nhằm phục vụ đời sống cho quân, dân Việt Nam, không hề có vũ khí trong tay, thì bị tàu chiến trang bị vũ khí hạng nặng của Trung Quốc bất ngờ tấn công.
Trong sự kiện ấy, 64 cán bộ chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam đã hy sinh, trong đó có 19 người lính đang đóng quân trên các đảo và 45 cán bộ chiến sĩ thuộc đơn vị tàu HQ 604.
Đã 33 năm sau trận hải chiến Gạc Ma, cứ đến ngày 14/3 hàng năm, người dân Việt Nam luôn tưởng nhớ và tỏ lòng tri ân sự hy sinh của 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã chiến đấu dũng cảm, mãi mãi nằm lại giữa biển khơi vì nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Theo VOV