Nhiều ngày qua, cô Phạm Thị Bích Lựu (49 tuổi, làm việc tại Phòng GD&ĐT huyện Diễn Châu, Nghệ An) “ăn ngủ không yên” từ khi nhận được tin bị dừng chi trả phụ cấp và yêu cầu truy thu. Cô Lựu là Nhà giáo Ưu tú từ năm 2014, nhiều lần đạt giải Nhất giáo viên giỏi cấp tỉnh và là giáo viên giỏi Quốc gia.
|
Với chế độ chính sách không đảm bảo, việc thu hút giáo viên cốt cán ở cơ sở lên công tác tại các Phòng GD&ĐT sẽ gặp nhiều khó khăn. |
Trước khi được biệt phái lên làm việc tại Phòng GD&ĐT huyện Diễn Châu vào cuối năm 2014, cô Lựu là Hiệu phó Trường Tiểu học Diễn Kỷ. “Khi nhận được tin, tôi thật sự sốc, chẳng còn tâm trí nào làm việc nữa. Thật sự rất hoang mang”, cô Lựu tâm sự.
Thời điểm tháng 7/2023, cô Lựu đang được hưởng hệ số lương 5,36, phụ cấp ưu đãi 35%, phụ cấp thâm niên nhà giáo 28%. Mức lương được nhận tại tháng 7/2023 là hơn 14,4 triệu đồng. Tuy nhiên, kể từ tháng 8/2023, các phụ cấp đều bị cắt, mức lương của cô Lựu chỉ còn khoảng 8,6 triệu đồng, chỉ bằng một nửa mức lương giáo viên có cùng thâm niên dạy ở trường nhận. Hiện, cô Lựu là một trong 281 giáo viên, cán bộ ở Nghệ An bị dừng chi trả phụ cấp và bị yêu cầu truy thu số tiền đã nhận trong những năm qua.
“Ngoài dừng chi trả phụ cấp thì chúng tôi còn bị yêu cầu truy thu, nộp lại số tiền cả trăm triệu. Khoản tiền đó chúng tôi lấy đâu ra”, cô Lựu nói.
Thầy Nguyễn Quang Tuấn nguyên là Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Mường Lống, được điều động làm việc tại phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn từ tháng 5/2021. Khi nghe tin bị cắt chế độ và bị truy thu các khoản như tiền đứng lớp, tiền thâm niên từ năm 2021 đến nay, nam giáo viên rất hoang mang.
Dùng dằng hướng xử lý
Từ năm 2012, để bố trí đủ công chức cho các Phòng GD&ĐT, UBND tỉnh Nghệ An đã thực hiện chủ trương biệt phái cán bộ, giáo viên tại các trường học về Phòng GD&ĐT công tác. Đây được xem là “cuộc cải cách” để tìm “tinh hoa” về làm việc tại Phòng GD&ĐT lúc bấy giờ.
Để chi trả chế độ cho đội ngũ giáo viên biệt phái, các huyện, thị nhiều năm liền đã thực hiện theo hướng dẫn tại công văn số 6612 ban hành ngày 24/9/2012 của UBND tỉnh Nghệ An.
Tuy nhiên, đến năm 2018, Sở Tài chính Nghệ An có văn bản cho rằng, việc chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi này không đúng với tinh thần trong Quyết định số 42 ngày 5/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về bảo lưu chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo được điều động làm công tác quản lý giáo dục.
Lý do, Sở Tài chính Nghệ An đưa ra là, Công văn số 6612 không phải là văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh Nghệ An ban hành mà chỉ mang tính chất hướng dẫn. Do đó, việc các huyện, thành, thị căn cứ văn bản trên để ban hành quyết định điều động, biệt phái viên chức về công tác tại Phòng GD&ĐT và chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên nghề là không đúng quy định.
Do đó, ngày 9/2/2018, Sở Tài chính Nghệ An đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An hủy hoặc bãi bỏ Công văn số 6612. Đồng thời, chỉ đạo dừng chi trả phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên nghề đối với giáo viên được điều động, biệt phái làm công tác tại các Phòng GD&ĐT theo đúng quy định tại Quyết định số 42 của Thủ tướng Chính phủ.
Vậy nhưng, tại hầu hết các huyện, thị ở Nghệ An vẫn tiếp tục chi trả phụ cấp ưu đãi cho những viên chức biệt phái theo Công văn 6612. Qua rà soát, tổng số giáo viên biệt phái và có hưởng phụ cấp trong giai đoạn 2021-2022 tại 19 huyện, thị (ngoại trừ thị xã Cửa Lò và thành phố Vinh) là 281 người, trong đó năm 2021 là 143 người, năm 2022 là 138 người. Tổng số tiền các loại phụ cấp đã chi trả không đúng quy định trong 2 năm qua ở Nghệ An là hơn 10 tỷ đồng.
Ông Phạm Xuân Sánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết: “Việc dừng chi trả và truy thu đã làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, vật chất lẫn tinh thần đối với giáo viên, tạo nên sự bất bình đẳng trong đội ngũ công chức, viên chức...”.
Theo Thu Hiền/ Tiền Phong