Phát biểu trước khi trả lời chất vấn trong ngày 10/11, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long một lần nữa cảm ơn nhân dân cả nước đã động viên, chia sẻ với ngành y tế trong thời gian qua. Ông cho biết từ kỳ họp thứ nhất, Bộ Y tế đã nhận được nhiều câu hỏi chất vấn và Bộ đã có văn bản trả lời gửi đến từng đoàn. Hiện, các câu hỏi chất vấn mới vẫn được gửi đến và ông Long khẳng định sẽ tiếp tục trả lời bằng văn bản.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, ngành y tế vừa qua nhận được nhiều ý kiến động viên, góp ý về những vấn đề làm được cũng như những việc còn hạn chế nên ngành sẽ tiếp tục hoàn thiện.
Bắt đầu phiên chất vấn dành cho tư lệnh ngành y tế, Chủ tịch Quốc hội thông báo trên bảng điện tử đã có 22 đại biểu đăng ký chất vấn.
|
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long "đăng đàn" chất vấn. |
Loạn giá xét nghiệm, dân bức xúc
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) hỏi tư lệnh ngành y tế về việc áp dụng Nghị quyết 128 của Chính phủ, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19 được Bộ thực hiện và phối hợp với các địa phương ra sao?; giải pháp thực hiện đồng bộ ở các địa phương ra sao khi có tình trạng mỗi nơi áp dụng một kiểu.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) đề cập vấn đề một số địa phương, điển hình là Hà Nội vẫn áp dụng chính sách cách ly tập trung trường hợp tiếp xúc gần (F1). Việc này gây lãng phí nguồn lực, gây tổn hại về tinh thần cho người dân và gia tăng khả năng lây nhiễm chéo, không phù hợp tình hình thực tiễn. Đại biểu Cường đề nghị Bộ trưởng Y tế nêu quan điểm vấn đề này.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) bày tỏ bức xúc về loạn giá xét nghiệm COVID-19, có nơi thu đến 450.000 đồng/xét nghiệm, gây bức xúc cho nhân dân. Ông đặt câu hỏi liệu có lợi ích nhóm không và trách nhiệm của Bộ trưởng trong vấn đề này. Bên cạnh đó, đại biểu tỉnh Đồng Tháp cũng muốn Bộ trưởng trả lời về tình trạng tiêu cực trong đội ngũ lãnh đạo bệnh viện. Ông hỏi liệu ngành y tế đã tính đến tách bạch giữa nhiệm vụ chuyên môn và nhiệm vụ quản trị của lãnh đạo các cơ sở y tế chưa.
Đại biểu Đặng Hồng Sỹ (Bình Thuận) hỏi vì sao Việt Nam đã sản xuất được kit, test xét nghiệm COVID-19 nhưng vẫn phải nhập của nước ngoài. Ông cũng hỏi ở một số địa phương người dân chưa có mũi 1 vắc xin trong khi ở địa phương khác bắt đầu triển khai tiêm cho trẻ em và tính đến mũi 3 và đề nghị Bộ trưởng Y tế nêu nguyên tắc phân bổ vắc xin.
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) về giải phải thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh đại dịch COVID-19 chưa có tiền lệ nên nhiều quốc gia cũng phải điều chỉnh chính sách trong từng giai đoạn. Đến nay, hầu hết quốc gia đã chuyển sang thích ứng với dịch.
Ông Long cho biết Nghị quyết 128 đã đánh giá cấp độ dịch dựa trên tình hình dịch, tiến độ tiêm chủng và năng lực y tế ở từng địa phương, từ đó đưa giải pháp thích hợp.
Giải pháp đầu tiên, theo ông Long, các địa phương phải đánh giá được cấp độ dịch để áp dụng biện pháp phù hợp cho những hoạt động khác nhau như sự kiện ngoài trời, giao thông, giáo dục…
Theo ông Long, muốn chuyển sang thích ứng an toàn với dịch, các địa phương phải chuẩn bị cơ sở vật chất đặc biệt về y tế như hạ tầng y tế cơ sở, thành lập trung tâm hồi sức, giường cấp cứu.
Về câu hỏi làm sao triển khai đồng bộ các giải pháp, ông Long nhấn mạnh diễn biến dịch phụ thuộc nhiều vào từng địa phương nên các địa phương vừa qua căn cứ vào địa bàn, quy mô dân số và nhiều yếu tố khác để triển khai các biện pháp khác nhau, nhưng khi Nghị quyết 128 ra đời thì cơ bản tất cả áp dụng đồng bộ. Tư lệnh ngành y tế mong các địa phương lưu ý thực hiện đúng nghị quyết.
Trả lời về câu hỏi bộ test, kit do Việt Nam sản xuất được sử dụng ra sao, ông Nguyễn Thanh Long cho biết nước ta là một trong 4 nước đã phân lập và giải trình tự gene thành công với virus. Tháng 4, 5 vừa qua, Bộ đã chỉ đạo, phối hợp Công ty Việt Á, Học viện Quân Y, Công ty Thái Dương để sản xuất test RT-PCR.
Căn cứ diễn biến dịch và chiến lược xét nghiệm, chúng ta đã hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất test nhanh kháng nguyên.
"Về xét nghiệm kháng thể, chúng tôi cũng cố gắng để chủ động được nguồn cung loại test này" - ông Long nói.
Trả lời câu hỏi nguyên tắc phân bổ vắc xin, Bộ trưởng Long cho biết việc phân bổ dựa trên Nghị quyết 21 của Chính phủ, trong đó có địa bàn ưu tiên trọng điểm và đối tượng ưu tiên. Vì vậy, Bộ ưu tiên cho địa phương có tình hình dịch bệnh phức tạp trước; thứ hai là nơi nguy cơ cao như tập trung khu công nghiệp; đầu mối giao thông, trung tâm kinh tế, mật đô dân cư lớn…
Ngoài ra, chúng ta cũng tập trung cho đối tượng ưu tiên trước như người cao tuổi trên 50, 65 tuổi vì đây là nhóm người rủi ro nhất.
Việc tiêm cho trẻ em 12-17 tuổi, ông Long nói trước mắt sẽ cho địa bàn trọng điểm trước, còn trong tháng 11 sẽ cố gắng bao phủ phạm vi toàn quốc.
Còn về tiêm mũi 3, ông Long nói Bộ Y tế mới có kế hoạch, chưa triển khai và dự kiến thực hiện vào cuối tháng 12. Tuy nhiên, ông khẳng định mục tiêu ưu tiên vẫn là phủ toàn bộ vaccine cho dân số nhanh nhất; mục tiêu là 2 tuần đầu tháng 11 phủ toàn bộ mũi 1 và trả mũi 2. Lúc đó, chúng ta mới tính đến tiêm mũi 3 cho người cao tuổi.
"Mải mê chống dịch" nên không thực hiện đúng việc thu giá xét nghiệm
Trả lời câu hỏi “liệu có lợi ích nhóm trong vấn đề loạn giá xét nghiệm?” của đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), và chất vấn “vì sao Việt Nam đã sản xuất được kit, test xét nghiệm COVID-19 nhưng vẫn phải nhập ở nước ngoài” của đại biểu Đặng Hồng Sỹ (Bình Thuận), Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long xin phép dành nhiều thời gian hơn để giải đáp.
Về trang thiết bị y tế và sinh phẩm chẩn đoán, trước đây, ông Long khẳng định không thuộc mặt hàng quản lý theo Luật giá. Giá cả của các mặt hàng này cũng khác nhau giữa các hãng, các nước. Giá sinh phẩm cũng khác nhau qua từng thời điểm, nếu cung ít - cầu nhiều thì giá thành cao hơn. Ông nhắc hồi đầu năm 2020, giá khẩu trang, găng tay, máy thở do khan hiếm đã bị đẩy lên cao, các quốc gia có tình trạng tranh mua trong thời điểm đầu. Song theo ông Long, thời gian qua do nhiều doanh nghiệp tham gia vào nên đã làm giảm giá những mặt hàng này.
Biện pháp của Bộ Y tế được ông Long đề cập là từng bước minh bạch hóa việc cung ứng trang thiết bị, vật tư y tế, yêu cầu các công ty công khai, niêm yết giá trên Cổng thông tin của Bộ Y tế. Bộ cũng liên tục yêu cầu các doanh nghiệp tăng nguồn cung, hạ giá thành sản phẩm; tăng cường cấp phép để tạo cạnh tranh giữa các đơn vị.
“Hiện nay chúng ta đã cấp phép cho 131 sản phẩm sinh phẩm chẩn đoán, trong đó test nhanh là 60, PCR là 43, và kháng thể là 28” - ông Long nói.
Cùng với đó, ông cho biết đã tăng cường vận động, hỗ trợ từ các nước với khoảng trên 50 triệu test. Tư lệnh ngành y tế cũng nêu ra yêu cầu về việc giảm giá thành, theo đó, Bộ đã có hướng dẫn về gộp mẫu với cả test nhanh (gộp 3-5) và test PCR (gộp 10-20).
“Điều này được cho phép về mặt chuyên môn và giảm giá thành” - ông Long và khẳng định Bộ Y tế liên tục có điều chỉnh về việc xét nghiệm tùy từng thời điểm, mức độ dịch trên quan điểm “hiệu quả, tiết kiệm”.
“Do quá bận về công tác phòng, chống dịch nên đến tận tháng 9, khi Bộ chỉ đạo giá test chỉ được thu theo đúng giá đầu vào, thì các đơn vị nhận lỗi do mải mê quá nên không thực hiện được. Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương nghiêm khắc nhắc nhở và chấn chỉnh việc thu thế này” - ông Long nói.
Bộ trưởng Y tế khẳng định Bộ đã có văn bản và Thủ tướng đã liên tục nhắc nhở các địa phương phải thực hiện đúng quy định về pháp luật, đảm bảo không có lợi ích nhóm, không được tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị và sinh phẩm y tế vì thế đã được đưa vào chương trình thanh tra năm 2022.
F1 có phải bắt buộc cách ly tập trung?
Chưa hài lòng với câu trả lời về việc cách ly F1, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) giơ biển xin tranh luận. Ông cho rằng Bộ trưởng Long chưa trả lời vào trọng tâm câu hỏi. Ông nhắc lại vì sao F1 đủ điều kiện mà vẫn phải cách ly tập trung ở Hà Nội.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Long cho biết lãnh đạo Bộ đã trao đổi với TP Hà Nội và nêu quan điểm trong một số trường hợp không bắt buộc cách ly tập trung. Hướng dẫn của Bộ Y tế đã nêu rõ có thể cách ly tại nhà 7 ngày. Ông Long cũng đề nghị các địa phương áp dụng triệt để hướng dẫn của Bộ Y tế, cách ly theo phân cấp nguy cơ đối với người tiêm 2 mũi, 1 mũi, chưa tiêm, F0 khỏi bệnh để phù hợp với Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Ông cho biết chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn thì các địa phương cần quản lý rủi ro, tạo sự ổn định, thống nhất đồng bộ trên cả nước.
Đăng ký tranh luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đặt câu hỏi có hay không chuyện Bộ Y tế buông lỏng giá xét nghiệm COVID-19, dẫn đến mỗi địa phương một giá. “Tôi cho rằng đây là một thiếu sót” - ông Hòa nhấn mạnh.
Thứ hai, đại biểu tỉnh Đồng Tháp đề nghị bố trị tách bạch giữa quản lý chuyên môn và quản lý kinh tế đối với giám đốc bệnh viện.
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết giá xét nghiệm COVID-19 không thuộc mặt hàng quản lý giá theo quy định của luật giá và có sự chênh lệch giữa các nơi. “Đối với giá xét nghiệm, theo quy định của Bộ là thực thanh thực chi, mặt khác đối với các đơn vị tư nhân, chúng ta không áp dụng hình thức quản lý giá, do đơn vị tự chịu trách nhiệm, phải niêm yết, công khai” - ông Long thông tin.
Về vấn đề thứ hai, Bộ trưởng khẳng định đã cố gắng tách bạch người quản lý về mặt tài chính riêng, nhưng một số địa phương do UBND quyết định nên Bộ Y tế không chỉ đạo được. Tới đây, Bộ này sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan để minh bạch hóa toàn bộ quá trình bổ nhiệm, xây dựng quy định và thể chế để hạn chế sai phạm.
Hy vọng 2023 COVID-19 trở thành bệnh theo mùa
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đặt câu hỏi Bộ trưởng Y tế có giải pháp gì để chống việc chảy máu nhân lực của ngành, từ việc có những nhân viên y tế không muốn tiếp tục với nghề do áp lực quá lớn cho tới những lãnh đạo ngành y bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị khởi tố bởi những vi phạm pháp luật nghiêm trọng?
Đại biểu Lưu Văn Đức (đoàn Đắk Lắk) băn khoăn về công tác dự báo diễn biến dịch thời gian qua đã đạt kết quả ra sao và Bộ Y tế dự báo diễn biến dịch từ nay tới năm 2022 sẽ như thế nào? Đồng thời ông cũng đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long giải thích vấn đề chậm tham mưu chiến lược triển khai vắc xin COVID-19 và tính công bằng trong phân bổ vắc xin bởi có những địa phương đã hoàn thành tiêm cho trẻ em và có địa phương chuẩn tiêm mũi 3, trong khi đó nhiều tỉnh thành ở miền Trung, Tây Nguyên vẫn chưa có đủ vắc xin để tiêm.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đưa ra câu hỏi về giải pháp của Bộ trưởng Y tế trong nhiệm kỳ để giảm sự chênh lệch chất lượng khám, chữa bệnh giữa vùng miền núi và đồng bằng. Về việc ở những thành phố lớn, người lớn đã đi làm nhưng trẻ em vẫn chưa được đến trường, bà Thủy đặt câu hỏi liệu có sự thận trọng quá mức cần thiết khiến trẻ em gặp thiệt thòi do phải học trực tuyến nhiều tháng nay gây khó khăn cho gia đình có trẻ nhỏ học ở nhà?
Trả lời chất vấn của đại biểu Lưu Văn Đức (Đắk Lắk), Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long thừa nhận việc dự báo tình hình dịch COVID-19 ở Trung ương và địa phương chưa sát thực tế. “Việc dự báo với COVID-19 hết sức khó khăn, tất cả quốc gia chưa có dự báo mang tính dài hạn. WHO chỉ đưa ra dự báo dịch chưa thể kết thúc năm 2022 và hy vọng 2023 trở thành bệnh theo mùa” - ông Long chia sẻ.
Ông lý giải do COVID-19 là dịch chưa có tiền lệ và liên tục có biến chủng mới, lây lan nhanh và mạnh hơn nên rất khó dự báo. Về tình hình dịch từ nay đến cuối năm, tư lệnh ngành y tế nhấn mạnh “dịch còn diễn biến phức tạp”. Ông bày tỏ quan ngại khi sau khi chuyển sang trạng thái thích ứng, an toàn với dịch, một số địa phương có dấu hiệu COVID-19 tăng trở lại, một số người dân có biểu hiện chủ quan, không thực hiện 5K.
Nhấn mạnh đây là những điều rất quan ngại, ông Long lưu ý các địa phương hết sức quan tâm phòng, chống dịch từ nay đến cuối năm và đầu năm 2022, đồng thời, cần đẩy nhanh phủ vắc xin.
“Cuối năm 2021 và đầu năm 2022 thì chống dịch vẫn là trọng tâm ưu tiên” - Bộ trưởng Y tế khẳng định.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh tiêu chí đảm bảo y tế Việt Nam phải tương đương với các nền y tế hiện đại trên thế giới. Ngành y tế đã triển khai nhiều chương trình đào tạo liên quan đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, Bộ cũng đã có những chính sách, giải pháp thu hút nguồn nhân lực đối với các đơn vị y tế công lập. Trong đó, bao gồm những chế độ phụ cấp ưu đã theo nghề và những chế độ phụ cấp đặc biệt do trực và chống dịch.
Ông Long cũng nêu tình trạng cán bộ y tế ngành công lập sang làm việc cho các cơ sở y tế tư nhân tuy nhiên khẳng định nguồn nhân lực trong các cơ sở y tế công lập vẫn được đảm bảo. Những cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao vẫn làm trong các cơ sở y tế công lập là chủ đạo.
Cán bộ y tế vướng lao lý là "hết sức đau lòng"
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nêu tình trạng hàng loạt cán bộ y tế vướng vòng lao lý khi sai phạm trong vấn đề đấu thầu và mua bán thuốc, từ đó ông đặt câu hỏi về vai trò chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Bộ Y tế với vai trò là quản lý lĩnh vực nhất là trong thời gian khi Nghị quyết 30 với hàng loạt cơ chế đặc thù sẽ có hiệu lực.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết đây là những vụ việc “hết sức đau lòng”. Nhìn nhận về nguyên nhân, ông Long cho rằng một phần do cơ chế, do sự hướng dẫn và đặc biệt những vi phạm này mang tính cá nhân. Ông lấy ví dụ về quy định về đấu thấu đã có cụ thể nhưng sai phạm vẫn xảy ra.
Bộ trưởng Y tế cũng cho biết Bộ tiếp tục rà soát những hướng dẫn, thể chế liên quan đến quản lý và tăng cường kiểm tra, giám sát mua sắm, đầu thầu, phân cấp phân quyền.
Quốc hội vấn đang tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin.
Hiểu Lam