Mới đây, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Công thương Hải Dương tiếp tục ký văn bản số 279/SCT-QLTM ngày 19/2gửi Bộ Công Thương về việc tiếp tục kiến nghị các biện pháp để triển khai lưu thông hàng hóa.
Sở Công thương Hải Dương cho biết, hiện nay, do cách hiểu và vận dụng chưa thống nhất giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước nên các phương tiện đến và đi từ Hải Dương của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để thu mua nông sản, cung cấp vật tư nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vận chuyển hàng hóa từ Hải Dương đi tỉnh bạn gặp nhiều khó khăn.
|
Tại chốt kiểm soát nút giao Đĩnh Vũ Hải Phòng tất cả các xe không phải BKS Hải Phòng buộc quay đầu.
|
Theo Sở Công thương, nhiều địa phương thông tin là tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa nhưng hầu hết khi đi qua các chốt kiểm soát thì đều hạn chế xe ra vào hàng hóa, nhiều xe hàng phải chờ rất lâu nhưng vẫn buộc phải quay đầu.
Việc này dẫn đến vận chuyển hàng hóa bị ách tắc, nông sản hư hỏng, vật nuôi con giống quá hạn xuất chuồng; nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất không có để công nhân tại các khu công nghiệp làm; hàng xuất khẩu đến hạn phải giao hàng nhưng không đưa được xuống cảng đã gây thiệt hại rất lớn cho người dân, kinh doanh…
Các địa phương yêu cầu người lái xe, giao hàng phải làm xét nghiệm SARS-CoV-2 phải âm tính (trong vòng 3 ngày). Tuy nhiên, hiện tại năng lực xét nghiệm PCR tại Hải Dương hạn chế vì phải ưu tiên xét nghiệm cho F1, F2.
Sở Công Thương tỉnh Hải Dương đã có văn bản gửi các Bộ ban ngành quan tâm xem xét để thống nhất cách áp dụng các biện pháp an toàn phòng dịch cho người, phương tiện và hàng hóa; xác định rõ các điều kiện để cho phương tiện vận chuyển hàng hóa được lưu thông thuận tiện qua địa bàn cách tỉnh nói trên, cũng như trong vùng dịch nói riêng.
|
Văn bản của Sở Công thương Hải Dương. |
Đồng thời, cần xem xét đưa ra những điều kiện tạm thời (giải pháp tình thế) như áp dụng 5k, mặc quần áo bảo hộ y tế, sát khẩn xe và đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch khác… để tạo điều kiện cho các xe lưu thông trong ngắn hạn (1 - 2 ngày) trước khi đưa ra các điều kiện chung áp dụng dài hạn để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị.
Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cũng gửi văn bản đến Sở Công Thương các tỉnh như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình đề nghị tạo điều kiệm thông thương tiêu thụ con giống phục vụ chăn nuôi và Sở Công Thương TP Hải Phòng đề nghị tạo điều kiện thông suốt việc vận chuyển hàng hóa nông sản thực phẩm, nguyên vật liệu sản xuất.
Ông Phạm Thanh Hải - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hải Dương cho biết, hiện tỉnh Bắc Ninh cũng đã có văn bản số 460/UBND-KGVX ngày 19/2/2021 về việc đồng ý nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản cho nông dân, hỗ trợ các doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố trong tiêu thụ hàng hóa.
|
Bắc Ninh tạo điều kiện cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa, nông sản, hàng hóa phục vụ sản xuất của các tỉnh lưu thông qua các chốt liên ngành. |
Trong đó, Bắc Ninh tạo điều kiện cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa, nông sản, hàng hóa phục vụ sản xuất của các tỉnh lưu thông qua các chốt liên ngành. Cho phép mỗi xe có 1 lái xe được phép vào Bắc Ninh khi có đầy đủ giấy tờ tùy thân, hàng hóa, khai báo y tế và đã áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Chỉ tạm dừng lưu thông đối với các xe chở hành khách, xe tư nhân mang BKS Hải Dương vào tỉnh Bắc Ninh.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương cho biết, hiện ở Hải Dương đã thu hoạch được gần 20.000ha diện tích hoa màu chiếm trên 90% sản lượng được thương lái thu mua. Thế nhưng đa phần số hàng như cà rốt, rau, khoai tây dùng xuất khẩu đi các nước thì lại không thể đưa được vào cảng để xuất hàng dẫn đến tình trạng “hàng đã thu mua nhưng không cách nào di chuyển”.
Trước đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19, chiều 19/2 cũng đề cập việc dư luận và lãnh đạo, nhân dân Hải Dương cũng phản ánh tình trạng “ngăn sông, cấm chợ”.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho biết, nhiều thương lái dù đã đặt hàng thu mua nông sản của bà con nhưng không quay lại. Việc vận chuyển hàng hóa (kể cả việc nhận hàng của doanh nghiệp FDI từ cảng) cũng là cả một vấn đề, nhất là đi liên tỉnh,…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nêu thực tế lưu thông hàng hóa, nông sản, xuất khẩu từ Hải Dương qua các địa phương lân cận đều “khó ra, khó vào”, bị “ngăn sông cấm chợ”.
“Việc vận chuyển hàng hóa vào khu vực phong toả cũng rất khó khăn (trừ hàng hóa thiết yếu). Các thị trường tiêu thụ cũng e dè với hàng hóa đến từ vùng dịch, do chưa có hướng dẫn cụ thể từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, lưu thông an toàn…Chúng ta đã có kinh nghiệm trong lưu thông hàng hóa, nông sản tại Lạng Sơn, Thừa Thiên Huế,… vì vậy cần có quy trình khung để áp dụng thống nhất trong cả chuỗi cung ứng nông sản” - Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đề nghị.
|
Hàng hóa của tỉnh Hải Dương vẫn chưa thể đến Cảng để xuất khẩu. |
PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng cần phải nhận thức đúng để thông tin đúng đắn về tình hình dịch bệnh ở Hải Dương. Hiện nay, các địa phương đang có sự lầm lẫn khái niệm ổ dịch và vùng dịch, từ đó dẫn tới “ngăn sông cấm chợ”.
Do vậy, Bộ Y tế cần sớm quy định rõ về ổ dịch và vùng dịch, để các địa phương áp dụng thống nhất. Việc thông tin về dịch bệnh không được làm nhẹ đi, mà cũng không được thổi phồng lên, bởi như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu kép, thậm chí là tạo ra tâm lý “kỳ thị với Hải Dương”.
Ghi nhận các ý kiến phản ánh của địa phương, cơ quan quản lý và quan điểm của chuyên gia, Ban Chỉ đạo cho rằng về những bất cập trong lưu thông hàng hóa từ Hải Dương qua các tỉnh lân cận trong những ngày qua bản chất là do các tỉnh hiểu chưa chính xác về khái niệm ổ dịch, vùng dịch. Các chuyên gia và các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất đề nghị Bộ Y tế và các cơ quan quản lý có thẩm quyền cần phải làm rõ định nghĩa “ổ dịch” và “vùng dịch” để tránh tình trạng "ngăn sông, cấm chợ".
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, việc Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg trên toàn tỉnh là giải pháp phòng ngừa nâng cao 1 mức để ngăn chặn, bởi Hải Dương là đầu mối giao thông, liên quan đến nhiều địa phương.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các tỉnh lân cận thực hiện “ngăn sông, cấm chợ”. Bộ Y tế sẽ có văn bản gửi các tỉnh và báo cáo Thủ tướng về vấn đề này.
Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu Bộ Y tế công bố lại trên Cổng Thông tin điện tử những vùng dịch người ra, vào phải kiểm soát, đến nơi khác phải khai báo, giám sát y tế. Ví dụ đối với tỉnh Hải Dương là những vùng dịch ở TP. Chí Linh, huyện Cẩm Giàng và xã, thôn cụ thể chứ không phải toàn tỉnh.
Về tiêu thụ nông sản, hàng hóa của Hải Dương, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ngay tờ trình Thủ tướng, nêu rõ giãn cách chỉ là biện pháp phòng ngừa, Hải Dương chỉ có 3 ổ dịch chứ không phải cả tỉnh là ổ dịch để tạo điều kiện thông thương hàng hóa. Điều này cũng xóa bỏ tình trạng ngăn sông, cấm chợ đang bị một số địa phương hiểu sai.
>>> Mời độc giả xem thêm video Khu vườn nông sản lạ tại Đà Lạt
Hải Ninh