Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ sáng 24/2, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh không ngăn sông cấm chợ, yêu cầu các Bộ ngành liên quan phải có ngay quy chế giữa các bộ để lưu thông hàng hóa bình thường với vùng có dịch. Đặc biệt Thủ tướng lưu ý, các địa phương, nhất là khu vực có cảng như Hải Phòng phải bảo đảm lưu thông hàng hóa bình thường, biện pháp thông thoáng, chủ động phòng chống nhưng không ngăn sông cấm chợ.
|
Cuộc họp Thường trực Chính phủ sáng 24/2 |
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa và thúc đẩy tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của dịch COVID – 19. Trong đó, yêu cầu các Bộ, địa phương liên quan khẩn trương hướng dẫn, hỗ trợ, có các giải pháp khả thi, kịp thời để tạo thuận lợi cho việc lưu thông, xuất nhập khẩu, tiêu thụ hàng hóa, nhất là đối với nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và nông sản tại các địa phương có dịch COVID – 19.
Không để tình trạng ách tắc trong khâu giao nhận, vận tải làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, đồng thời bảo đảm yêu cầu công tác phòng chống dịch bệnh theo quy định.
Nông sản bị tồn ứ, hàng hóa Hải Dương khó thông thương, vì đâu?
Sở Công Thương và Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương cho biết, nông sản sản xuất ra không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ cầm chừng. Hiện hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản của tỉnh Hải Dương bị ảnh hưởng nặng nề. Vậy những khó khăn vướng mắc nào dẫn đến tình trạng nông sản bị tồn ứ, khó tiêu thụ ngay tại thị trường trong nước và xuất khẩu?
Thực tế Hải Dương đã nhiều lần kêu cứu lên Trung ương, Bộ ngành và gửi văn bản xin hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc lưu thông hàng hóa, nông sản từ địa phương này sang Hải Phòng nhưng không ít phương tiện chở hàng hóa, nông sản vẫn phải quay đầu.
Thậm chí, Hải Dương đã đề xuất phương án, các phương tiện chở hàng hóa của Hải Dương (lái xe có giấy xác nhận kết quả âm tính SAR-COV-2 bằng phương pháp PCR của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương) đến tập kết tại khu vực chốt kiểm dịch giáp ranh giữa Hải Dương với Hải Phòng để lại xe và lái xe từ phía Hải Phòng đến điều khiển phương tiện lưu thông vào địa bàn thành phố Hải Phòng. Đối với hàng hóa vận chuyển bằng xe đầu kéo có thể thực hiện bằng việc đổi đầu kéo và lái xe đi từ tỉnh Hải Dương bằng đầu kéo và lái xe từ thành phố Hải Phòng.
|
Hàng hóa Hải Dương vẫn vướng khi vào Hải Phòng. |
Tuy nhiên, trong công văn phúc đáp mới đây, Hải Phòng cho rằng, không cần thiết phải thực hiện phương án của UBND tỉnh Hải Dương đề xuất. Lý do Hải Phòng đưa ra là họ không đóng “biên” với Hải Dương mà chỉ lập chốt kiểm soát, xe hàng nào đủ điều kiện chống dịch thì được cho vào.
Các quy định của Hải Phòng từ khi Hải Dương xuất hiện ổ dịch cũng đã liên tục thay đổi. Cụ thể ngày 16/2, Hải Phòng thông báo dừng tiếp nhận hàng hoá và người từ Hải Dương về. Hai ngày sau, Hải Phòng mới cho xe từ Hải Dương vào thành phố. Tuy nhiên họ yêu cầu lái xe từ Hải Dương phải có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính do CDC Hải Dương cấp, hiệu lực trong vòng 3 ngày. Quy định này, hiện đã được nới rộng ra là chấp nhận xét nghiệm của thêm các tổ chức do Bộ Y tế cho phép. Chiều 24/2, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng chỉ đạo các phương tiện từ Hải Dương đi qua quốc lộ 5 vẫn được đi, đảm bảo giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 có hiệu lực trong 5 ngày.
|
Lái xe, phụ xe phải có xét nghiệm âm tính đối với virus SARS- CoV-2 bằng phương pháp PCR tại các đơn vị Bộ Y tế cho phép thực hiện xét nghiệm khẳng định trong thời gian 3 ngày gần nhất. |
Đồng thời đối với các lái xe của Hải Phòng chở hàng đi tỉnh Hải Dương thì phải có xác nhận của chủ phương tiện hoặc UBND xã, phường, thị trấn khi trở về thì phải ở tại khu tập trung do chủ phương tiện bố trí và lấy mẫu để xét nghiệm, trường hợp cố tình về nhà thì mới bắt buộc vào nơi cách ly tập trung.
Đáng chú ý, theo lãnh đạo tỉnh Hải Dương, hàng hoá nông sản cần xuống Cảng Hải Phòng để nhập tàu đi nước ngoài, không phải là thứ rau dưa để tiêu thụ, giải cứu nội bộ. Các đơn hàng đã ký từ vài tháng trước, tàu đã hợp đồng. Giờ đường tắc thì nguy cơ doanh nghiệp, nông dân bị phạt hợp đồng rất lớn. Không thể vì dịch bệnh mà Hải Dương mất bạn hàng. Kinh tế xuất khẩu, công nghiệp của Hải Dương là 1 phần của nền kinh tế cả nước.
Ông Lưu Văn Bản, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương nói rõ rằng, hàng hóa đang ở Hải Dương, nhưng chủ hàng lại hợp đồng vận chuyển với doanh nghiệp vận tải ở Hải Phòng. Khi Hải Phòng yêu cầu lái xe người Hải Phòng đi Hải Dương về phải thực hiện cách ly, xét nghiệm thì họ đã không giám đi làm nữa.
“Qua phán ánh của các doanh nghiệp, 70% lái xe là từ phía các Hải Phòng cung ứng. Lái xe tại chỗ của Hải Dương chỉ chiếm 30% mà lại tập trung ở các đơn vị không lớn. Do đó Hải Dương có chủ động xét nghiệm cho 100% lái xe thì cũng chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu vận chuyển hiện nay, số hàng còn lại vẫn phải chờ từ phía Hải Phòng. Điều này khiến cho các doanh nghiệp ở Hải Dương trở tay không kịp” - ông Bản nói.
|
Cần nhanh chóng gỡ bỏ các rào cản. |
Doanh nghiệp Hải Phòng cũng kêu khó
Hiệp hội Vận tải Hải Phòng mới đây cũng đã có nhiều kiến nghị. Cụ thể, đơn vị này đã gửi kiến nghị UBND, Sở GTVT, Công an, Sở Y tế, Bộ chỉ huy quân sự TP Hải Phòng về các khó khăn gặp phải khi thực hiện quy định chống dịch trong lưu thông hàng hoá.
Theo phản ánh của Hiệp hội Vận tải Hải Phòng, hiện TP Hải Phòng có 15 nghìn đầu kéo Container, trong đó lái xe người Hải Dương chiếm 30%. Đối với lái xe người Hải Dương làm việc từ trước Tết, tức khi chưa có dịch thì không cần phải xét nghiệm để được đi làm lại. Còn các lái xe khác, theo thông báo 62 của thành phố thì xem xét cho xét nghiệm để họ được đi làm ngay.”
Tổ chức này cũng đã só sánh nhanh đến việc Việt Nam và Trung Quốc đang làm để đảm bảo vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch. Cụ thể, đề nghị “xem xét giải pháp khử khuẩn hoặc đổi lái xe với phương tiện từ Hải Dương về Cảng Hải Phòng đê lưu thông hàng hoá. Hàng tại các khu công nghiệp này chiếm tỷ trọng lớn trong khối lượng hàng hoá thông qua Cảng Hải Phòng lâu nay”
Theo Hiệp hội Vận tải Hải Phòng để thông thương hàng hoá xuất nhập khẩu và giải quyết tình trạng thiếu lái xe phục vụ sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, đề nghị thành phố sớm có biện pháp tháo gỡ để các doanh nghiệp cùng nhau thực hiện mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra.
|
Nông sản sản xuất ra không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ cầm chừng. |
Ông Lê Văn Tiến, Giám đốc Công ty vận tải Hà Anh, trụ sở tại quận Hải An thẳng thắng cho biết, chi phí xét nghiệp 2 đầu cho mỗi chuyến hàng là 2,4 triệu. Trong khi cước vận tải 1 chuyến Hải Dương- Hải Phòng là 2,5 triệu. Giờ chi phí đội lên, chủ hàng phải nâng cước gấp đôi, nhưng chủ xe vẫn lỗ.
Ông Trần Thanh Tùng, chủ doanh nghiệp vận tải tại quận Hải An, Hải Phòng cũng cho biết, kinh doanh thì yếu tố lợi nhuận phải đặt lên hàng đầu. "Chúng tôi có nhận chở hàng cà rốt từ Thanh Hà, Cẩm Giàng xuống tàu. Nhưng từ khi phải thực hiện xét nghiệm cho lái xe, rồi bố trí ăn ở cách ly cho họ khi về lại Hải Phòng thì tôi huỷ mối. Lên Hải Dương chở hàng giờ này vừa lỗ, lại vừa phiền phức”.
Báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cho biết, thực tế, hầu hết các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại cửa ngõ ra vào địa bàn các tỉnh, thành phố lân cận đều hạn chế xe hàng hoá ra vào tỉnh Hải Dương. Điều này làm cho hàng hoá bị ách tắc, nông sản bị hư hỏng, gây nhiều khó khăn cho hàng hóa xuất khẩu đến hạn phải giao hàng, gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.
Theo phản ánh từ các địa phương, doanh nghiệp, việc thực hiện yêu cầu xét nghiệm COVID-19 của Bộ Y tế tại Công văn số 898/BYT-MT ngày 7/2/2021 về việc hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 trong vận chuyển hàng hóa có nhiều điểm chưa phù hợp dẫn đến việc nông sản bị tồn ứ khó tiêu thụ.
Bên cạnh đó, chưa có quy trình hướng dẫn thống nhất bảo đảm an toàn phòng chống COVID-19 trong sản xuất, thu hoạch, bao gói, vận chuyển nông, lâm thủy sản tươi sống từ vùng dịch ra ngoài (hiện các địa phương áp dụng quy trình khác nhau: thành phố Hải Phòng thì cấm, thành phố Hà Nội không cấm người và hàng hóa của tỉnh Hải Dương…) nên cả bên mua và bên bán đều gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh nông sản…
Thông tin về an toàn y tế của các sản phẩm được sản xuất tại các tỉnh đang có dịch của chính quyền và các cơ quan chuyên môn có liên quan (ngành nông nghiệp và ngành y tế) chưa được đưa ra chính thức, tạo tâm lý e dè của nhà thu mua và người tiêu dùng…
>>> Mời độc giả xem thêm video Những việc cần làm ngay để phòng, chống Covid-19
Hải Ninh