Những ngày đầu năm 2022, anh Phạm Quốc Tuấn (Quảng Ninh) cùng nhóm bạn tìm đến khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử để lễ Phật và thưởng ngoạn thiên nhiên. Thay vì đi cáp treo, nhóm của anh Tuấn tìm đường bộ, leo men theo đường Tùng để đến chùa Hoa Yên và chùa Đồng với mong muốn khám phá được vẻ đẹp của rừng Quốc gia Yên Tử.
|
Nhóm công nhân tập kết vật liệu xây dựng để thi công đường Tùng. Hàng chục cây Xích Tùng bị dây tải tời quấn chặt phục vụ việc vận chuyển vật liệu. |
Tuy nhiên, điều khiến nhóm của anh Tuấn bất ngờ và lo lắng là đoạn đường trồng cây Xích Tùng cổ (đường Tùng) đang bị một nhóm công nhân đào xới đất, san gạt nền khiến rễ của hàng chục cây Xích Tùng cổ bị trồi lên bề mặt đất. Thậm chí, nhiều thân cây Xích Tùng đang bị "siết cổ" bởi loạt dây cáp tời vật liệu xây dựng, những bao tải chứa đá được tập kết nằm chờ bê tông hóa đoạn đường.
"Chúng tôi lo ngại về sự sống của hàng chục cây Xích Tùng cổ có hàng trăm năm tuổi ở Yên Tử khi đang bị nhóm công nhân đào xới đất, đắp đá, bê tông xung quanh các gốc cây" - anh Tuấn chia sẻ.
Hình ảnh ghi nhận của PV Báo Tri thức và Cuộc sống vào ngày 20/1/2022 cho thấy, tuyến đường Tùng (Yên Tử) đang rất ngổn ngang với những bãi vật liệu đá, xi măng tập kết ven đường, bề mặt đường bị thay đổi với nhiều bậc thang tự san gạt, nhiều máy cẩu tải được lắp đặt với hàng trăm mét dây tải tời buộc chằng chịt, siết chặt thân cây Xích Tùng cổ. Để phục vụ việc đào xới, tập kết vật liệu phục vụ thi công, dọc ven đường Tùng được dựng nhiều lán trại nhỏ.
|
Rễ cây Xích Tùng trồi lên trên sau khi tác động. |
Đại diện Ban quản lý Di tích và rừng Quốc gia Yên Tử cho biết, đường Tùng đang được cải tạo theo kế hoạch của dự án chăm sóc, bảo tồn các cây Xích Tùng cổ tại Rừng quốc gia Yên Tử. Việc thi công vẫn đang thực hiện theo đúng thiết kế.
Dù vậy, dư luận vẫn lo ngại về việc can thiệp, thay đổi kết cấu đất trồng và đắp bê tông xung quanh gốc Xích Tùng cổ có thể gây tác động xấu đến sự sống của loại cây cổ hàng trăm năm tuổi này.
Đường Tùng với những cây Xích Tùng cổ có tới 700 năm tuổi, là hàng cây trồng cổ nhất Việt Nam. Đường Tùng mang nhiều giá trị, vừa là di sản, vừa góp phần tạo nên những giá trị văn hóa, tinh thần linh thiêng ở nơi được coi là cái nôi của Phật giáo Việt Nam.
Ngày 25/9/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án “Chăm sóc, bảo tồn các cây xích tùng cổ tại Rừng quốc gia Yên Tử”.
Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Khám phá rừng Xích Tùng cổ ở Yên Tử
Thiên Tuấn