Hạn hán nặng, hồ thủy điện cạn nước
Những ngày này, thủy điện Thác Bà (Yên Bái) không còn cảnh nước nôi tràn trề, thay vào đó là những hình ảnh khô hạn. Bờ đập giờ đây chỉ còn vết tích của thời nước còn mênh mông. Lần đầu tiên Nhà máy Thủy điện Thác Bà phải dừng hoạt động 2/3 tổ máy do thiếu nước.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Bà, chia sẻ trong âu lo: Mực nước tại hồ thủy điện Thác Bà đã dưới mực nước chết từ ngày 1/6. Do 2 tổ máy phải dừng phát điện, tổ máy số 3 hoạt động ở mức tối thiểu, nên trong tháng 5, sản lượng điện của nhà máy chỉ bằng 1/10 cùng kỳ của năm 2022 (chỉ đạt 2 triệu kWh trong khi tháng 5/2022 là 20 triệu kWh).
Thủy điện Thác Bà không phải là nhà máy duy nhất cạn nước. Báo cáo ngày 8/6 của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Cục ATMT) Bộ Công Thương cho thấy, có tới 11 nhà máy thủy điện trên cả nước dừng phát điện.
Cụ thể có 9 hồ thuỷ điện ở mực nước chết gồm: Lai Châu, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Thác Mơ, Trị An. Ngoài ra, có 11 nhà máy thủy điện phải dừng phát điện vì lưu lượng và mực nước hồ không đảm bảo như: Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Trị An, Đại Ninh, Pleikrong.
Thời tiết nắng nóng gay gắt gần đây khiến mực nước ở các hồ thủy điện về xấp xỉ hoặc dưới mực nước chết, ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp điện. Ở phía Bắc, trừ hồ thuỷ điện Hòa Bình, hầu hết các hồ đã ở mực nước chết.
Việc không thể huy động được nguồn điện từ các thuỷ điện đã ảnh hưởng tới việc quản lý, vận hành hệ thống điện và cung cấp điện cho sinh hoạt của người dân, cũng như sản xuất của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
|
Thủy điện Thác Bà không thể phát điện 2/3 tổ máy do thiếu nước. |
Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết: Tổng công suất khả dụng của hệ thống điện miền Bắc (bao gồm cả điện nhập khẩu) có thể huy động để đáp ứng nhu cầu phụ tải điện chỉ đạt mức 17.500-17.900MW (khoảng 59,2% công suất lắp đặt). Công suất này đã bao gồm khoảng từ 2.500 đến 2.700MW truyền tải từ miền Nam và miền Trung ra Bắc (cung đoạn đường dây 500kV Nho Quan - Hà Tĩnh).
Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện ở khu vực miền Bắc có thể lên mức 23.500-24.000MW trong những ngày nắng nóng sắp tới. Như vậy, hệ thống điện miền Bắc sẽ thiếu hụt khoảng 4.350MW, với sản lượng không đáp ứng được trung bình ngày khoảng 30,9 triệu kWh (ngày cao nhất có thể lên tới 50,8 triệu kWh).
Duy nhất hồ thủy điện Hòa Bình còn nước trong hồ và có thể duy trì phát điện được một tuần nữa (đến ngày 12-13/6). Tổng công suất không huy động được của các nguồn thủy điện miền Bắc nêu trên sẽ lên tới 5.000MW và có thể lên đến 7.000MW khi hồ thủy điện Hòa Bình về mực nước chết.
Thiếu hụt lượng điện quá lớn này và không có nguồn nào bù đắp nổi đã khiến miền Bắc trong tình trạng "thiếu điện hầu hết các giờ trong ngày", như lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực cảnh báo.
Thiếu điện vì hạn hán, trước mắt chỉ có thể tiết kiệm điện
Chuyên gia điện lực GS. Trần Đình Long cho rằng: Năm nay, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, Trung tâm Khí tượng thuỷ văn dự báo nước ta chịu nhiều ảnh hưởng của Elnino, nắng nóng, khô hạn nhiều. Nắng nóng khiến nguồn nước ở các nhà máy thuỷ điện quá thấp, không đáp ứng được nhu cầu sản xuất điện. Mặt khác, nắng nóng làm cho nhu cầu sử dụng điện để làm mát như điều hoà nhiệt độ, quạt,... tăng cao.
"Nắng nóng năm nay vượt quá khả năng dự báo của ngành điện, cũng như các cơ quan khác. Vì thế, ngành điện không có khả năng cung cấp đủ công suất để đáp ứng nhu cầu. Khi đó chỉ có giải pháp duy nhất là lập lại cân bằng cung cầu của hệ thống, tránh cho hệ thống bị sụp đổ, đó là phải cắt điện", GS. Trần Đình Long giải thích.
Trong bối cảnh này, việc tăng thêm nguồn điện mới đang là "nhiệm vụ bất khả thi". Bởi việc này không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Do đó, các chuyên gia cho rằng chỉ có thể trông chờ việc miền Bắc sớm thoát khỏi tình trạng hạn hán, thiếu mưa.
Trước mắt, một giải pháp quan trọng là cần phải đẩy mạnh tiết kiệm điện. Ngày 8/6, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo.
Ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chia sẻ: “Đến nay, 63 tỉnh thành đã có triển khai chỉ đạo về tiết kiệm điện. EVN đã phối hợp thông qua Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), Tổng công ty Điện lực Hà Nội và các điện lực địa phương phối hợp tiến hành tiết giảm trong trường hợp thiếu nguồn sao cho phù hợp tình hình từng địa phương.
Ở miền Trung và miền Nam đảm bảo cung cấp điện, riêng phía Bắc hiện nay còn khó khăn từ nay cho đến khi nước về. EVN sẽ cố gắng đảm bảo tốt nhất, duy trì hệ thống điện quốc gia vận hành an toàn. Trong lúc này, khi nhu cầu tiêu thụ tiếp tục tăng cao, nguồn điện không đáp ứng đủ, nên một số thời điểm chúng ta đã tiết giảm điện.
Để phân bổ công suất và tiết giảm điện, ngày 8/6, EVN đã có văn bản khẩn gửi Tổng công ty Điện lực miền Bắc. Tập đoàn yêu cầu EVNNPC tính toán, phân bổ công suất cho các công ty điện lực cấp tỉnh và nguyên tắc điều hoà, tiết giảm điện thực hiện theo quy định tại Thông tư 34.
EVNNPC cũng được lưu ý một số nguyên tắc để tính toán hệ số điều chỉnh khi phân bổ công suất khả dụng cho các công ty điện lực cấp tỉnh và chỉ đạo các công ty này lập kế hoạch điều hoà, tiết giảm điện.
Đó là, ưu tiên cấp điện cho các khách hàng sử dụng điện quan trọng được UBND cấp tỉnh phê duyệt; ưu tiên cấp điện phục vụ các hoạt động chính trị - xã hội quan trọng và các sự kiện khác trên địa bàn. Ngoài ra, EVN yêu cầu các đơn vị căn cứ đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội của từng địa phương để lựa các đối tượng khách hàng ưu tiên cung cấp điện.
Theo Lương Bằng/Vietnamnet