Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Trần Thu Nam khẳng định: Việc để "hầm chông" ở vành đai 3 trên cao khiến cho nhiều phương tiện giao thông gặp nhiều nguy hiểm và khó khăn khi di chuyển là lỗi của nhà thầu thi công.
Về nguyên tắc trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, thi công thì nghĩa vụ của đơn vị tổ chức thi công phải bảo vệ, che chắn, có những biện pháp cần thiết để ngăn chặn, phòng trường hợp những vật liệu trong công trình có thể vương vãi ra lòng đường, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Trong trường hợp để xảy ra sự cố gây thiệt hại về người và tài sản tùy vào mức độ hậu quả, mà cơ quan chức năng có thể xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức có liên quan.
|
Hình ảnh "hầm chông" trên đường vành đai 3 trên cao. (Ảnh Tiền Phong) |
“Bởi, ở đây đánh giá về mặt mức độ hậu quả, nếu thi công mà không có biện pháp che chắn hoặc đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông là lỗi của họ của đơn vị thi công. Đi kèm với đó là trách nhiệm khi để gây ra hậu quả.
Tôi lấy ví dụ: Trường hợp xe đi giao hàng vướng phải vật liệu từ công trình mà bị thủng lốp dẫn đến việc không thể giao hàng đúng giờ gây ảnh hưởng, mất uy tín thương hiệu, chất lượng sản phẩm... thì hoàn toàn có thể yêu cầu đòi đơn vị thi công phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Trường hợp không may hơn là có thể bị lật xe làm hỏng hàng, nguy hiểm đến tính mạng của tài xế và những người tham gia giao thông khác thì đơn vị thi công hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự do mức độ hậu quả nghiêm trọng hơn. Chúng ta không thể đổ lỗi cho tài xế rằng thiếu quan sát được”, luật sư Nam nói.
Như trước đó đã đưa tin, thời gian gần đây, nhiều phương tiện đi trên đường vành đai 3 trên cao đoạn từ Big C Thăng Long đến cầu vượt Mai Dịch (Hà Nội) gặp rất nhiều công trường thi công đậy bằng những tấm thép cao hơn cả mặt đường từ 3 đến 5 cm. Thậm chí một số tấm thép còn có đinh nhọn nhô lên khỏi mặt đường khiến cánh tài xế ví von nó không khác nào "bẫy chông". Điều này gây ảnh hưởng, nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
|
Một chiếc xe bị dính "bẫy chông" trên đường vành đai 3 trên cao. (Ảnh OFFB) |
Thực tế, một số phương tiện khi đi qua đây đã bị rách lốp, thủng lốp do va vào góc nhọn của tấm sắt hoặc bị "chông sắt" găm vào lốp. Được biết, tốc độ cho phép tối đa đường vành đai 3 trên cao là 80km/h. Ở tốc độ cao như vậy, nếu xe bị thủng lốp, nổ lốp hoặc trơn trượt trên mặt phẳng của tấm sắt che thanh co giãn giữa 2 dầm cầu là vô cùng nguy hiểm, tiềm ẩn hiểm họa khôn lường.
Tối 24/3, sau khi Báo Kiến Thức phản ánh, Ban duy tu các công trình hạ tầng giao thông - Sở GTVT Hà Nội đã cho tháo "chông" sắt và thi công lại để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
|
Sau khi Báo Kiến Thức phản ánh, Ban duy tu các công trình hạ tầng giao thông - Sở GTVT Hà Nội đã cho tháo "chông" sắt và thi công lại. Ảnh Phí Hùng |
Được biết, đoạn có đinh nhô lên khỏi mặt đường thuộc dự án sửa chữa, thay thế thanh co giãn đường vành đai 3 trên cao, đoạn từ cầu Dậu – cầu Mai Dịch.
Đại diện chủ đầu tư của dự án là Ban duy tu các công trình hạ tầng giao thông – Sở GTVT Hà Nội. Đại diện liên danh liên danh các nhà thầu thi công gồm: Công ty TNHH đầu tư và xây dựng công trình Trường Thịnh (Kim Bảng – Hà Nam); Công ty CP đầu tư xây dựngThương mại Thanh Tùng (Long Biên – Hà Nội); Công ty CP tư vấn đầu tư và xây dựng 126 (Thạch Hà – Hà Tĩnh).
>>> Xem thêm video: Ùn tắc lịch sử trên đường vành đai 3
Phi Hùng