Sáng ngày 22/12, phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVI (nhiệm kỳ 2016-2021), ông Nguyễn Mạnh Hiển, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương đã thẳng thắn chỉ ra tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt tại khu vực nông thôn chưa có biện pháp giải quyết đồng bộ và hiệu quả.
Hai ngày trước đó, hàng chục hộ dân thôn Hoàng Đường (thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) đã mang theo băng rôn, tập trung tại khu vực cổng Công ty CP Giầy Cẩm Bình.
Hành động này của người dân để phản ánh tình trạng dây chuyền sản xuất gạch ốp lát của doanh nghiệp này gây khói bụi, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân hơn chục năm qua mà chưa có biện pháp khắc phục triệt để.
|
Nhà máy sản xuất gạch Công ty CP Giầy Cẩm Bình. |
Đầu tháng 10/2020, hơn 30 người dân thôn Hoàng Đường cùng ký vào đơn đề nghị gửi đến UBND tỉnh Hải Dương, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương, UBND huyện Cẩm Giàng và thị trấn Lai Cách.
Trong đơn, người dân cho biết, hơn 10 năm trước, Công ty CP Giầy Cẩm Bình đã đầu tư dây chuyền sản xuất gạch ốp lát. Kể từ thời điểm đó đến nay, cuộc sống người dân đảo lộn khi bị ảnh hưởng của tiếng ồn, ô nhiễm khói bụi từ việc nung, mài cắt gạch và nước thải công nghiệp.
|
Người dân bức xúc vì môi trường ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống. |
Năm 2015 đến nay, người dân đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng nhưng vẫn không được giải quyết, xử lý triệt để. Trong khi đó, nhà máy gạch càng đầu tư mở rộng thêm dây chuyền sản xuất, tình trạng ô nhiễm môi trường càng trầm trọng hơn.
Bà Nguyễn Thị Loan, người dân thôn Hoàng Đường cho biết, do nhà máy sản xuất gạch ốp lát của Công ty CP Giầy Cẩm Bình nằm sát khu dân cư nên quá trình hoạt động đã gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân.
|
Nhiều người dân bức xúc phản ánh về cuộc sống bị ảnh hưởng từ quá trình hoạt động của nhà máy. |
"Phơi quần áo từ sáng đến trưa, bụi lại bám vào bẩn hết cả quần áo. Nhà có trẻ nhỏ đều phải sơ tán lên nhà bà ngoại. Cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng do ô nhiễm môi trường từ nhà máy này nhưng người dân chỉ biết kêu khóc với nhau. Phản ánh đến các cơ quan chức năng thì kết quả đều cho rằng tiếng ồn không ảnh hưởng đến dân, nước thải không ảnh hưởng đến dân. Nhưng thực tế tiếng ồn lúc nào cũng như tàu chạy, rất đau đầu. Sống khốn khổ chúng tôi phải vùng lên kéo ra cổng công ty để tập trung phản ánh" – bà Nguyễn Thị Loan bức xúc phản ánh.
|
Bà Nguyễn Thị Loan trao đổi với PV Kiến Thức. |
Bà Đỗ Thị Tỵ (69 tuổi), người dân thôn Hoàng Đường cho biết thêm, nhà máy hoạt động dây chuyền sản xuất gạch từ năm 2008 nhưng đã nhiều lần gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn và bụi. Người dân đã kiến nghị nhiều lần nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn xảy ra.
"Việc xả khí bụi, ô nhiễm tiếng ồn khiến người dân chúng tôi không thể nào chịu đựng được nữa. Không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày mà nỗi lo lắng nhất chính là sức khỏe người dân, nhất là trẻ nhỏ. Bức xúc quá nên người dân mới phải đến cửa nhà máy, căng băng rôn để đòi quyền lợi cho người dân. Chúng tôi cũng là cán bộ công nhân viên chức về hưu và rất hiểu pháp luật. Cái gì đúng chúng tôi làm, cái gì không đúng thì sẽ không làm" – bà Tỵ cho biết.
>>> Clip bà Đỗ Thị Tỵ phản ánh về nỗi lo do ô nhiễm môi trường:
Ghi nhận thực tế của PV Kiến Thức cho thấy, cuộc sống người dân bị ảnh hưởng do tiếng ồn và khói bụi từ việc sản xuất dây chuyền gạch của Công ty CP Giầy Cẩm Bình là có cơ sở. Tại khu vực dân cư gần sát nhà máy, tiếng ồn rất lớn từ nhà máy đã ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Cũng tại khu vực dân cư này, những lớp bụi dày đặc màu hồng nhạt phủ trên mái nhà, len lỏi vào hầu hết các ngóc ngách bên trong nhà của các hộ dân. Thậm chí ban thờ của người dân vừa lau xong, chỉ một lúc lại phủ lên một lớp bụi.
|
Nhà máy nằm sát khu dân cư. |
|
Bụi thành từng mảng phủ trên nóc nhà. |
|
Người dân mệt mỏi khi phải sống chung với bụi, tiếng ồn. |
|
Hiên nhà bị phủ bởi bụi. |
|
Chỉ cần khẽ chạm tay xuống là lớp bụi hồng nhạt bám đầy tay. |
|
Thậm chỉ bụi còn phủ lên cả ban thờ dù cửa nhà lúc nào cũng đóng. |
Từ đơn thư phản ánh của người dân đến ghi nhận thực tế, PV đã có cuộc làm việc với lãnh đạo UBND thị trấn Lai Cách.
Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND thị trấn Lai Cách cho biết, nhà máy gạch của Công ty CP Giầy Cẩm Bình đã có từ lâu và người dân đã nhiều lần ý kiến về tình trạng ô nhiễm môi trường.
"UBND thị trấn Lai Cách đã có ý kiến lên Phòng TN&MT huyện và họ cũng đã về kiểm tra. Tháng 10/2020, người dân cũng gửi đơn lên UBND thị trấn. Chúng tôi đã có công văn đề nghị lên Phòng TN&MT huyện Cẩm Giàng. Vừa rồi, Sở TN&MT tỉnh Hải Dương đã thành lập đoàn kiểm tra về kiểm tra tại Công ty CP Giầy Cẩm Bình nhưng đến nay chưa có kết luận" - Chủ tịch UBND thị trấn Lai Cách cho hay.
Người dân đề nghị UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo Sở TN&MT tỉnh cùng UBND huyện Cẩm Giàng và các phòng chức năng khẩn trương tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại nhà máy của Công ty CP Giầy Cẩm Bình và có biện pháp xử lý, chấn chỉnh nếu có vi phạm về môi trường để cuộc sống người dân bớt bị ảnh hưởng từ quá trình nhà máy như đã phải chịu đựng suốt hàng chục năm qua.
Công ty Cổ phần giầy Cẩm Bình là Công ty có 100% vốn của các cổ đông đóng góp là Doanh nghiệp ngoài Quốc doanh. Công ty hiện có 2 nhà máy là Nhà máy sản xuất Giầy – Bao bì, Carton và nhà máy sản xuất Gạch ốp, lát với tổng số gần 700 lao động.
Trước đó, năm 2002-2003, UBND tỉnh Hải Dương cho phép Công ty CP Giầy Cẩm Bình thuê đất để xây dựng nhà máy sản xuất giày dép xuất khẩu. Từ cuối năm 2008, công ty đã tự ý sử dụng một phần đất thuê để xây nhà xưởng sản xuất gạch ốp lát.
Ngày 19/5/2010, Văn phòng UBND tỉnh có Thông báo số 76/TB-VP về ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp ngày 14/5/2010 về dự án nhà máy sản xuất gạch ốp lát của Công ty CP Giầy Cẩm Bình.
Tại cuộc họp này, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công thương căn cứ vào công nghệ dây chuyền sản xuất, quy mô dự án, tổng mức đầu tư để xem xét giảm diện tích đất thuê thực hiện dự án. Chỉ chấp thuận dự án đầu tư với quy mô giai đoạn 1 là 3 triệu m2/năm, thời hạn tối đa 5 năm, trong trường hợp không bảo đảm môi trường đối với khu vực lân cận phải di chuyển sớm.
Hải Ninh