Mới đây, vụ
hai bố con tự xưng là công an gây rối, gây mất an ninh trật tự tại trạm thu phí BOT Thanh Nê thuộc địa phận thôn Đông Thành, xã Bình Minh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình đang gây xôn xao dư luận.
|
Sau khi tự xưng là công an, bố con ông Thắng có hành vi gây rối tại Trạm thu phí BOT Thanh Nê.
|
Cụ thể, khoảng 21h ngày 10/2, ông Lê Văn Thắng (SN 1965) và con trai là Lê Văn Quyết (1994) đều trú tại thôn 6, xã Vũ Thắng, huyện Kiến Xương tự xưng là công an đã xảy ra mâu thuẫn trong lúc mua vé qua trạm thu phí BOT Thanh Nê.
Tại thời điểm xảy ra mâu thuẫn, ông Thắng lao vào đấm vào mặt ông Vũ Văn Quảng là Trạm trưởng trạm BOT, Quyết dùng chân đạp vào cửa kính cabin của trạm. Hậu quả, ông Quảng bị thương ở mặt, cửa kính cabin bị vỡ thiệt hại khoảng 200 nghìn đồng.
Sau khi xảy ra sự việc, cơ quan công an đã triệu tập hai bố con ông Thắng lên làm việc và xác minh không phải là công an. Hiện, vụ việc hai bố con này tự xưng là công an hành hung, gây rối tại trạm BOT đang được cơ quan công an hoàn tất hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư TP Hà Nội đã phân tích về hành vi và mức xử lý trường hợp của hai bố con ông Lê Văn Thắng, Lê Văn Quyết.
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, thời gian gần đây, các vụ việc gây rối tại các trạm BOT có chiều hướng gia tăng và diễn ra phức tạp. Một phần cũng bởi nhiều trạm BOT đã đặt ở những vị trí bất hợp lý, việc thu phí không minh bạch, nhiều người nghi ngờ những trạm BOT có những yếu tố tiêu cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực này, bởi vậy rất nhiều người đã có thái độ phản đối, thậm chí phản đối một cách tiêu cực như tụ tập đông người gây rối trật tự, đập phá tài sản, đánh nhân viên thu phí.
|
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư TP Hà Nội.
|
Rất nhiều người có hành vi gây rối tại trạm BOT đã bị xử lý song tình trạng này vẫn còn tiếp diễn gây ảnh hưởng an ninh trật tự công cộng. Qua diễn biến vụ việc nêu trên có thể thấy bố con ông Lê Văn Thắng, Lê Văn Quyết có hành vi gây rối, phá phách, do đó hành vi này có sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Thứ nhất, dưới góc độ pháp lý, hành vi gây rối trật tự công cộng thể hiện dưới hình thức như phá vỡ tình trạng ổn định diễn ra ở nơi công cộng, đường phố, công viên, các cơ quan, bệnh viện,... như chửi bới, la hét, đập phá, có hành phá phách gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Theo đó, với hành vi gây rối trật tự công cộng thì tùy từng tính chất, mức độ sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội với mức phạt tiền cao nhất đến 5.000.000 đồng trong trường hợp có mang theo các loại vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ.
Trong trường hợp hành vi gây rối trật tự công cộng này gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318 Bộ luật hình sự.
Theo đó, nếu có hành vi dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách, gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng hoặc có hành vi hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng thì có thể bị phạt tù từ 2 đến 7 năm tù theo khoản 2 Điều 318 Bộ luật hình sự.
Ngoài ra, theo thông tin phản ánh thì ngoài hành vi gây rối, bố con ông Lê Văn Thắng còn có hành vi gây thương tích cho ông Vũ Văn Quảng là Trạm trưởng trạm BOT, do đó cần xác định tỷ lệ thương tích cũng như làm rõ hành vi, hung khí gây thương tích để có căn cứ xử lý theo đúng quy định.
Trong trường hợp thương tích từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc các trường hợp như dùng hung khí nguy hiểm hoặc đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân,… thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự 2015, sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm theo khoản 1 Điều 134 BLHS.
Thứ hai, đối với hành vi mạo danh công an thì trong trường hợp cá nhân nào có hành vi giả mạo chức vụ, cấp bậc để thực hiện hành vi trái pháp luật thì cấu thành tội phạm. Nếu hành vi giả mạo chức vụ, cấp bậc chỉ để khoe khoang hay mục đích nào khác không phải để thực hiện hành vi trái pháp luật thì không cấu thành tội phạm.
Cụ thể, trong trường hợp này, cần làm rõ nếu bố con ông Thắng có hành vi mạo danh công an, hành vi tàng trữ số hiệu CAND, cấp hiệu, phù hiệu hay trang phục chỉ nhằm mục đích khoe khoang thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 19 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu dành riêng cho lực lượng CAND sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000.
Luật sư Cường cũng cho biết thêm, trường hợp mạo danh, giả danh chức vụ, cấp bậc nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều174 Bộ luật hình sự.
>>> Xem thêm video: Khởi tố, tạm giam đối tượng gây rối tại Trạm thu phí BOT Bến Thủy 2.
(Nguồn: Truyền Hình Nhân Dân)