Hà Nội : Y tế phường làm quần quật, sao nỡ trách?

Google News

Không được nhân viên y tế chăm sóc, nhiều người dân ở Hà Nội bức xúc, thấy mình bị bỏ rơi. Nhưng, có nhiều F0 ngậm ngùi “thương các em, các cháu vất vả quá”.

Liên tiếp trong nhiều tuần, Hà Nội là địa phương ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất cả nước với hơn chục nghìn ca nhiễm/ngày. Cán bộ y tế cơ sở đảm nhận nhiệm vụ giám sát về chuyên môn, hỗ trợ bệnh nhân, chuyển tầng, theo dõi chăm sóc bệnh nhân tại nhà, hỗ trợ những bệnh nhân già yếu… 

Những ngày qua, ở một số nơi, F0 không liên lạc được với nhân viên y tế phường. Người dân phải xếp hàng dài xin xác nhận F0, hết thời gian cách ly hoặc chưa được chuyển tầng kịp thời khi trở nặng.

Ha Noi : Y te phuong lam quan quat, sao no trach?

Ca nhiễm Covid-19 ở Hà Nội tăng cao, nhiều nhân viên y tế làm việc quá tải, không hỗ trợ được hết cho người dân.

Bạn Minh Tú cho hay: “Y tế phường ở Hà Nội hoạt động chưa hiệu quả. Rất nhiều người khai báo là F0 không được, thuốc men hay tư vấn cũng không có gì”.

“Tôi sốt 38,5 độ, ho, họng sưng, thi thoảng khó thở, hụt hơi, chóng mặt, miệng khô đắng. Tôi rất lo vì chưa liên lạc được để khai báo với trạm y tế. Nếu chuyển nặng, tôi rất lo vì một mình ở Thủ đô, không biết sẽ liên lạc theo kênh nào để nhận được hỗ trợ”, bạn Hoàng Nam Anh chia sẻ.

Bạn đọc Thanh Nga nhìn nhận: “Số F0 Hà Nội đang ngày một tăng và cao hơn số liệu thống kê, công bố rất nhiều nên y tế địa phương cần phải thay đổi cách làm để tránh quá tải và quá sức”. 

Một bạn đọc khác nhìn nhận, từ khi đại dịch bùng phát, cán bộ y tế đã phải gồng gánh một khối lượng công việc khổng lồ, dẫn tới bị quá tải, chịu áp lực rất lớn.

Bạn Đức Nguyễn nêu quan điểm: “Giờ số lượng người nhiễm ở Hà Nội quá lớn nên y tế phường dù đủ người cũng rơi vào quá tải”.

Chia sẻ câu chuyện của mình, bạn Đức Long cho hay: “Đâu đâu cũng quá tải cả! Cơ quan tôi gần 200 nhân viên, giờ có được 30 người đi làm. May là công việc làm online được nhiều nên cũng không bị ngưng trệ. Chính vì thế, thời điểm này nhân viên y tế phường sẽ vô cùng vất vả. Tuy nhiên, việc bảo vệ sức khoẻ của người dân cần phải đưa lên hàng đầu. Cơ quan chức năng cần nghĩ ra giải pháp phù hợp”.

Bạn Ngọc Huy thì cho rằng: “Mọi người khai báo trên phần mềm, giờ mà còn ra phường ngồi viết giấy nữa chỉ khổ các bạn và tất cả các F0 khác. 

Người mắc Covid-19 khi khai báo với các trạm y tế sẽ được hướng dẫn khai báo trên phần mềm quản lý F0 điều trị tại nhà. F0 cập nhật thông tin sức khỏe trên phần mềm 2 ngày/lần để trạm y tế nắm được thông tin.

Những diễn biến bất thường của F0 sẽ được cập nhật vào phần mềm để nhân viên y tế sẽ nắm bắt được. Khi có “báo động đỏ”, nhân viên y tế sẽ liên hệ chuyển viện”.

Một độc giả là người làm trong ngành y mong mọi người thông cảm bởi công việc của các nhân viên y tế phường vất vả, quá tải. “F0 trở nặng có thể gọi tới trung tâm y tế ở phường hoặc Trung tâm Cấp cứu 115. Nếu vẫn không thể liên hệ được, người nhà có thể đưa bệnh nhân tới thẳng các bệnh viện trên địa bàn để cấp cứu”, độc giả này cho hay. 

Độc giả Đặng Văn Cường cho hay, mình cũng từng nhiễm Covid-19, phải ra trung tâm y tế ở phường để nộp giấy tờ của F0. “Lúc trước tôi cũng trách vì không được hỗ trợ nhiệt tình. Tuy nhiên, khi tận mắt nhìn nhiều nhân viên y tế dù nhiễm bệnh vẫn làm việc, tôi rất cảm thông với các em, các cháu... Ngày cầm cả trăm đơn của các F0 rồi lấy mẫu, nhập dữ liệu, hướng dẫn... Thật đáng khâm phục!”, độc giả Cường giãi bày.

Bạn có nickname Tuấn HN nêu quan điểm: “Đợt dịch như thế này nhân viên y tế làm việc cực kỳ vất vả thì thành phố phải có phụ cấp dựa theo số lượng F0 mà các nhân viên phải phụ trách; cần tuyển thêm nhân lực tạm thời. Nhân viên y tế đã quá vất vả rồi, xin mọi người đừng trách móc”.

 

Theo Thành Huế/Vietnamnet