Thêm nhiều trạm thu phí ở cửa ngõ
Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào” (đề án thu phí xe ô tô vào nội đô) vừa được đơn vị tư vấn là đại diện Trường Đại học Giao thông - Vận tải bổ sung, hoàn thiện báo cáo Sở GTVT Hà Nội lần thứ 3.
Theo đề án, từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ lập gần 100 trạm thu phí tại các tuyến đường hướng tâm, cửa ngõ để thu phí ô tô vào nội đô (phương án trước đây là 87 trạm).
Khu vực được xác định để lập trạm thu phí vào nội đô là từ đường Vành đai 3 trở vào. Cụ thể, là phạm vi thu phí giới hạn bởi các đường: Vành đai 3 - Cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - trục Tây Thăng Long - Võ Chí Công - Cầu Nhật Tân - Đường Hoàng Sa - Đường Trường Sa - Đường Lý Sơn - Đường Nguyễn Văn Linh và khép kín vào Vành đai 3.
|
Phương án thu phí vào nội đô của Hà Nội nhận nhiều ý kiến đóng góp, phản biện. |
Nhóm xe được giảm phí gồm ô tô của các doanh nghiệp công ích, ô tô kinh doanh vận tải hành khách (xe hợp đồng, xe du lịch, taxi, xe tuyến cố định, xe vận tải trung chuyển hành khách); vận tải nội bộ từ 10 chỗ trở lên (bao gồm cả lái xe); ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa (xe taxi tải, xe kinh doanh vận tải hàng hóa thông thường, xe kinh doanh vận tải hàng hóa không thu tiền trực tiếp); ô tô từ 9 chỗ trở xuống (bao gồm cả lái xe) của hộ gia đình trong khu vực thu phí, ô tô của cơ quan công sở trong khu vực thu phí.
Mức thu phí được xác định tối thiểu 50.000 đồng và tối đa 100.000 đồng/lượt xe ô tô.
Thời gian áp dụng thu phí xe vào nội đô là 5h - 21h. Tổng mức đầu tư cho việc lập hệ thống trạm thu phí vào nội đô dự tính khoảng 2.600 tỷ đồng.
Về thời gian thực hiện, từ nay đến năm 2023, Sở GTVT Hà Nội và các đơn vị có liên quan sẽ khảo sát, xây dựng lắp đặt các trạm thu phí, dự kiến bắt đầu thu phí xe vào nội đô trong năm 2024.
Cần sự đồng thuận của người dân
Nhìn nhận về biện pháp thu phí phương tiện cơ giới trên, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho rằng, Hà Nội cần lấy ý kiến rộng rãi của người dân để có kết quả khảo sát thực tế chính xác, tạo sự đồng thuận cao, tránh việc gây phản cảm và bức xúc khi tiến hành triển khai.
Trong phương án cần đưa ra mức thu phí đủ để các chủ phương tiện thay đổi cường độ di chuyển vào nội đô Hà Nội. Tức là số tiền đủ để chủ phương tiện sắp xếp lại thời gian, hạn chế số lượt di chuyển vào nội đô. Tuy nhiên, số tiền này không được cao quá và cũng không được thấp quá.
Ngoài ra, Hà Nội cũng cần tính toán lại thời gian thu phí. Chỉ nên thu phí ở giờ cao điểm để các chủ phương tiện chủ động điều tiết, hạn chế di chuyển, tránh ùn tắc giao thông.
Theo TS Khương Kim Tạo, nguyên phó Chánh Văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia, việc thu phí xe vào nội đô để giảm ùn tắc giao thông cũng là một giải pháp và thể hiện quyết tâm chống ùn tắc giao thông của chính quyền Hà Nội. Tuy nhiên, vấn đề này cần phải xem xét thật kỹ và phải làm rõ được phương pháp luận của đề án.
Việc thu phí có thể ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội. Do đó, việc giảm cường độ đi lại của các phương tiện cũng phải luôn bảo đảm được sự phát triển kinh tế xã hội bằng các biện pháp tổng thể như: quy hoạch giao thông, xây dựng trường học, cơ quan, cơ sở dịch vụ hợp lý để người dân được tối ưu hóa việc đi lại, quãng đường di chuyển ngắn nhằm xử lý vấn đề ùn tắc giao thông.
Đặc biệt, cần phải tập trung phát triển nhanh, sớm và toàn diện hệ thống giao thông công cộng để người dân dần thay đổi thói quen sử dụng phương tiện cá nhân.
TS Khương Kim Tạo cho rằng, trước hết, giao thông công cộng phải đảm bảo tối thiểu để mọi người chọn đó là giải pháp thay thế việc đi xe cá nhân. Trong khi đó, giao thông công cộng thực tế còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của mọi người.
Khi giao thông công cộng chưa thuận tiện, người ta sẽ vẫn phải sử dụng phương tiện cá nhân. Nhưng cũng không phải ai cũng sẵn sàng hay có điều kiện để nộp phí. Khi thu phí sẽ có hiện tượng “lách” nộp phí bằng cách tránh các cung đường lớn có trạm thu phí, tìm đến các đường nhỏ, làm gia tăng việc ùn tắc ở các cung đường này.
Cùng với đó, nhiều người "có điều kiện" hơn thì sẽ tìm cách mua nhà vào phía trong vành đai để tránh việc phải trả phí thường xuyên, lâu dài. Như thế lại xảy ra hiện tượng người dân tập trung vào phía trong vành đai, càng tăng thêm ùn tắc trong nội đô. Trong khi mong muốn của chúng ta là giãn dân ra các khu vực ngoại thành.
“Chúng ta nên có khảo sát thí điểm sau đó có đánh giá hiệu quả mới thực hiện mở rộng. Cân nhắc việc xây dựng một lúc gần 100 trạm thu phí vì có thể biện pháp này không làm thay đổi nhiều tình trạng ùn tắc giao thông thủ đô và sẽ gây lãng phí, gây bức xúc dư luận", TS Khương Kim Tạo nói.
Mặt khác, khi thu phí xe ô tô thì sẽ có xu thế người dân mua xe máy để đi. Điều này làm chương trình hạn chế xe máy bị ảnh hưởng. Do đó, chính quyền Hà Nội cần phải cân nhắc và tính toán thật kỹ trước khi thực hiện thu phí.
Luật sư Nguyễn Hùng, Trưởng văn phòng luật sư Kết Nối cho rằng, bản chất thu phí cũng chỉ tăng thêm ngân sách thành phố. Không thể coi nó là giải pháp tổng thể, chiến lược giảm ô nhiễm, tắc đường. T
rước đây Hà Nội và TP HCM đã tháo dỡ các trạm thu phí xung quanh trung tâm, tạo ra môi trường giao thông khá thoáng. Nếu giờ xây trạm thu phí thì cần nghiên cứu kỹ, tránh kiểu làm xong rồi lại bỏ hoặc không hiệu quả. Thiết nghĩ cần có giải pháp đồng bộ, chứ không phải là tư duy theo kiểu không quản được thì cấm, hạn chế.
Còn để chống ùn tắc giao thông thủ đô, cần chuyển hết các trường đại học, bệnh viện và một số cơ quan nhà nước, các viện nghiên cứu ra khỏi khu vực nội đô; Hạn chế bớt xây dựng các KĐT, chung cư và giãn quy hoạch nhà ở; Nâng cấp, hoàn thiện quy hoạch giao thông; Hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng tiện lợi, văn minh, chất lượng; Quy hoạch lại các bến xe liên tỉnh, chuyển các trục đường huyết mạch ra các tuyến đường tránh khỏi khu vực nội đô".
>>> Mời độc giả xem thêm video Vì sao VETC xin dừng dự án thu phí không dừng? (Nguồn: VTV24)