Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội (nay là Uỷ ban Văn hoá giáo dục) nêu ý kiến như trên khi nói về chỉ đạo mới đây của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại hội nghị giao ban xây dựng cơ bản thành phố quý I/2023.
Tại hội nghị giao ban này, sau khi nghe báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chỉ đạo siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; người đứng đầu đơn vị phải đề cao trách nhiệm, sát sao, cụ thể, nhận diện rõ các khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân giải ngân chậm của từng dự án để chỉ đạo tháo gỡ kịp thời. Cùng với đó, thực hiện cam kết với UBND thành phố về giải ngân vốn đầu tư công, chịu trách nhiệm trước UBND thành phố nếu không đạt tỷ lệ giải ngân theo cam kết.
|
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh. |
Đáng chú ý, ông Trần Sỹ Thanh cũng yêu cầu có chế tài xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, ban QLDA, tổ chức, cá nhân tại các cơ quan, đơn vị cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà; kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.
Theo ông Lê Như Tiến, việc Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu thay thế những cán bộ yếu kém năng lực, trì trệ gây nhũng nhiễu là cần thiết.
“Thực ra không chỉ UBND TP Hà Nội mà tất cả các bộ, ngành, địa phương khác đều nói tương tự như thế. Thay thế cán bộ yếu về năng lực, kém về phẩm chất là đúng đắn nhưng có quyết liệt để thay được không và có nguồn cán bộ để thay không”, ông Lê Như Tiến nói và cho rằng, công tác chuẩn bị rất quan trọng trong tổ chức cán bộ.
Ông Lê Như Tiến cho rằng, nếu cứ nói cán bộ yếu kém về năng lực, phẩm chất phải thay thế thì rất rõ ràng. Tuy nhiên, để thay thế được cần phải có thời gian, có lộ trình mới mang lại hiệu quả.
“Tôi rất ủng hộ việc thay thế những cán bộ yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà. Bởi cán bộ không đảm đương được gây ảnh hưởng đến công việc mà cụ thể trong trường hợp này là làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công thì phải thay thế. Nhưng quan trong thay thế phải có người có năng lực hơn, chứ đừng thay người yếu hơn họ”, ông Tiến nói.
“Muốn vậy, chúng ta phải tìm được nhiều nguồn, đừng có chỉ giới thiệu một người để thay thế một vị trí mà phải có quy trình nhiều người để lựa chọn. Nếu giới thiệu một người để lấy một người, đó không phải dân chủ trong việc lựa chọn. Phải có nhiều người, có phẩm chất, năng lực để lựa chọn, đó mới là quan trọng”, ông Lê Như Tiến nêu ý kiến.
|
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, ĐBQH khóa XII, XIII
|
Thực tế không phải chỉ riêng thành phố Hà Nội mà tất cả các địa phương, Bộ, ngành đều phải chấn chỉnh tình trạng cán bộ trì trệ, yếu năng lực, kém về phẩm chất, gây khó khăn, nhũng nhiễu cho doanh nghiệp, người dân.
“Nếu để những cán bộ này trong bộ máy, không thể phát triển kinh tế xã hội được. Tôi cũng đã nói trên diễn đàn Quốc hội vài lần, phải rất công tâm, công bằng trong việc lựa chọn”, ông Tiến cho biết.
Trong thời gian qua, thực tế cho thấy không phải lần đầu những chỉ đạo thay thế cán bộ yếu kém được đưa ra nhưng vẫn có tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.
Điều đó cho thấy, đưa ra chỉ đạo với khẩu hiệu mạnh là tốt nhưng quan trọng thực hiện ra sao? Làm sao để đánh chuột không vỡ bình, không làm ảnh hưởng đến bộ máy chung. Nếu làm quyết liệt mới có thể biến những hô hào khẩu hiệu thành thực tế, triệt để khắc phục được tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, xây dựng được bộ máy cán bộ “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”.
Tuy nhiên, công tác cán bộ cần phải được thực hiện một cách bài bản mới thực sự xây dựng được đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất, phục vụ tốt các nhiệm vụ, đưa Thủ đô phát triển.
>>> Mời độc giả xem thêm video Ninh Bình: 3 cán bộ công an bị tước danh hiệu CAND, vì sao?
Tâm Đức