Hà Nội, Sài Gòn mù sương như Sapa, Đà Lạt nhưng sao người dân lại hoang mang?

Google News

(Kiến Thức) - Từ năm 2019 đến nay, bầu trời Hà Nội và Sài Gòn xuất hiện sương mù bất thường một cách thường xuyên. Tuy nhiên, đó không phải là sương mù tự nhiên mà do ô nhiễm gây ra.

Trong năm 2019, chỉ số chất lượng không khí tại Hà Nội, Sài Gòn đã đạt tới mức màu tím - nguy hại cho sức khoẻ con người. Đặc biệt, có những thời điểm bất ngờ "vọt" lên mức xấu nhất - màu nâu với chỉ số AQI đo được theo Air Visual là 318. Theo đánh giá của các chuyên gia thì Hà Nội có những thời điểm đứng đầu trong bảng xếp hạng 10 thành phố ô nhiễm không khí nhất hành tinh.
Lý giải về vấn đề bị ô nhiễm, lãnh đạo Tổng cục Môi trường cho biết Hà Nội, Sài Gòn do chỉ số chất lượng không khí phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết và khí hậu. Trong khi lượng phát thải bụi gây ô nhiễm từ hoạt động giao thông, công nghiệp, dân sinh... vẫn duy trì đều nếu thời tiết có nhiều nắng, gió thì bụi mịn được phát tán trên phạm vi rộng.
Ha Noi, Sai Gon mu suong nhu Sapa, Da Lat nhung sao nguoi dan lai hoang mang?
 Hà Nội ô nhiễm không khí đang ở mức nguy hại tới sức khỏe con người.
Tuy nhiên, đối với Hà Nội vào thời điểm giao mùa, đầu đông, không khí khô hơn, cùng với hiện tượng nghịch nhiệt làm tích tụ, gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí. Đặc biệt vào thời gian sáng sớm, là khoảng thời gian gió lặng nên khả năng phát tán các chất ô nhiễm thấp. Khi có ánh sáng mặt trời đốt nóng lớp không khí gần mặt đất, không còn hiện tượng nghịch nhiệt, bụi mịn PM2.5 được phát tán, chất lượng không khí được cải thiện hơn.
Bà Lê Thị Xuân Lan (nguyên Phó phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ) nhận định ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP HCM đã đến mức báo động. Điều này gây hại đến sức khỏe người dân, nhất là người có tiền sử bệnh hô hấp, tim mạch. AQI từ 100 trở lên đã ảnh hưởng đến sức khỏe, nên khi AQI gần ngưỡng 200 thì mức độ gây hại sẽ cao hơn. Nguy hiểm nhất là bụi mịn PM2.5 và PM10 có kích thước rất nhỏ, đi sâu vào cuống phổi, gây ra các bệnh về hô hấp.
Về nguyên nhân khiến Hà Nội và TP HCM ô nhiễm không khí, bà Lan cho rằng chủ yếu do quá tải dân số. Với tốc độ đô thị hóa quá nhanh, các hoạt động giao thông, sản xuất và xây dựng diễn ra nhộn nhịp đã thải lượng khói bụi lớn lên bầu trời. Thông thường, khói bụi sẽ phát tán xung quanh nhưng khi gặp thời tiết bất lợi, các chất ô nhiễm bay lơ lửng ở tầng thấp.
Bà Lan cho rằng: “Nguy cơ ô nhiễm từ cháy rừng ở Indonesia đã không còn do gió mùa Đông Bắc đang thổi ngược từ TP HCM ra vịnh Thái Lan. Ô nhiễm không khí tại các đô thị là ô nhiễm tại chỗ chứ không bị tác động từ bên ngoài".
GS Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường, nhận định ô nhiễm từ giao thông là nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP HCM. Tại TP HCM, gần 9 triệu xe cộ với hơn 825.000 ôtô và 8,12 triệu xe máy thải khói ra môi trường mỗi ngày.
Khi kẹt xe kéo dài, động cơ xe vẫn phải hoạt động liên tục khiến cho lượng khí thải phát ra lớn hơn. Lượng khí thải này bao phủ trong phạm vi chật hẹp nên người dân hít phải nhiều khí độc.
>>> Xem thêm video: Hà Nội có ô nhiễm không khí nghiêm trọng?

Nguồn: VTV 24.

Trung Vương