Chiều 29/12, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia tổ chức họp báo thông tin về đợt không khí lạnh cường độ mạnh gây ra rét đậm, rét hại ở miền Bắc trong những ngày cuối năm 2020 và đầu năm 2021.
Cuộc họp được điều phối, thông tin bởi 3 chuyên gia: ông Nguyễn Văn Hưởng (Trưởng phòng Dự báo Khí hậu), ông Nguyễn Hữu Thành (Phó trưởng phòng Dự báo Thời tiết) và ông Ngô Tiền Giang (Phó giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ Khí tượng Thủy văn).
|
Dự báo nhiệt độ thấp nhất tại các khu vực trong đợt rét đậm, rét hại sắp tới ở miền Bắc. Ảnh: NCHMF. |
Không khí lạnh cường độ rất mạnh
- Xin ông cho biết về diễn biến của đợt không khí lạnh đang chuẩn bị ảnh hưởng tới nước ta và mức độ tác động của hình thái này?
- Ông Nguyễn Hữu Thành: Đợt không khí lạnh chuẩn bị ảnh hưởng nước ta có cường độ rất mạnh. Ngay lúc này, không khí lạnh đã ở sát biên giới phía Bắc. Từ chiều tối nay (29/12), hình thái này sẽ tác động đến vùng núi Bắc Bộ, sau đó mở rộng vùng ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Ngày mai (30/12), không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và sáng ngày 31/12 thì tác động đến Tây Nguyên, Nam Bộ.
Đợt không khí lạnh này sẽ khiến nhiệt độ trên đất liền giảm mạnh và gây ra đợt rét đậm, rét hại thứ 2 của mùa đông năm nay với nguy cơ cao xảy ra băng giá ở các vùng núi cao. Ngoài ra, hình thái này còn gây gió rất mạnh trên đất liền cũng như trên các vùng biển nước ta.
|
Các chuyên gia ngành khí tượng thông tin về đợt rét đậm, rét hại tại miền Bắc. Ảnh: Hoài Linh. |
- Cụ thể, nhiệt độ tại các khu vực có thể đạt ngưỡng thấp nhất trong đợt rét này là bao nhiêu, thưa ông?
- Ông Nguyễn Hữu Thành: Từ ngày 30/12, thời tiết tại các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ sẽ chuyển rét đậm, rét hại với nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 6-9 độ C, vùng núi 3-6 độ C. Vùng núi cao có khả năng cao xảy ra băng giá và sương muối khi nhiệt độ dưới 0 độ C.
Ở các tỉnh Trung Trung Bộ, trời chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 13-16 độ C. Các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên sẽ chuyển lạnh, có nơi chuyển rét. Từ ngày 31/12, Nam Bộ chuyển lạnh vào đêm và sáng sớm.
Tại Hà Nội, không khí lạnh gây ra mưa và mưa nhỏ từ đêm nay. Đến ngày 30/12, khu vực chuyển rét đậm, rét hại với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 6-9 độ C.
Tết Dương lịch là đỉnh điểm của đợt rét
- Đợt rét này có thể gây giảm nhiệt xuống mức rét kỷ lục như năm 2016 không và khả năng xảy ra mưa tuyết ở các khu vực núi cao như thế nào?
- Ông Nguyễn Văn Hưởng: Cả 2 đợt không khí lạnh đều có cường độ rất mạnh. Tuy nhiên, năm 2016, không khí lạnh mạnh kết hợp với hệ thống gió tây mạnh trên 5.000 m nên gây ra tình trạng rét ẩm, mưa tuyết xuất hiện nhiều nơi. Trong khi đó, đợt sắp tới chủ yếu là rét khô. Ban đêm, nhiệt độ xuống rất thấp nhưng đến ban ngày lại có nắng nên cảm giác rét buốt không bằng năm 2016.
Trong đợt rét năm 2016, nhiệt độ ở Mẫu Sơn (Lạng Sơn) giảm xuống ngưỡng thấp nhất là -5 độ C gây ra hiện tượng băng tuyết, cũng như một số nơi vùng núi phía tây ở Trung Bộ. Tuy nhiên, trong đợt rét sắp tới, các khu vực núi cao chỉ có thể xảy ra hiện tượng băng giá, sương muối. Mưa tuyết khó có thể xuất hiện, hoặc nếu có thì sẽ xuất hiện rất ít.
|
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhận định vùng núi cao sẽ xuất hiện băng giá, sương muối những ngày tới. Ảnh: Hoài Linh. |
- Vậy, đợt rét này khả năng kéo dài bao lâu và khi nào sẽ là đỉnh điểm của đợt rét, thưa ông?
- Ông Nguyễn Văn Hưởng: Chúng tôi nhận định thời điểm rét nhất của đợt này là đêm 31/12 và rạng sáng 1/1/2021. Rét đậm, rét hại sẽ duy trì đến ngày 2/1, sau đó khu vực tăng nhiệt.
Tuy nhiên, đến ngày 5/1, một đợt không khí lạnh tăng cường xuất hiện. Do đó, trạng thái rét buốt ở miền Bắc sẽ còn kéo dài. Trọng tâm của đợt rét này là các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái.
- Dựa vào mức độ cực đoan của đợt rét này, chuyên gia có thể đưa ra khuyến cáo cho người dân để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại?
- Ông Ngô Tiền Giang: Căn cứ vào bản tin tình trạng xảy ra rét sâu, rét khô, cũng như thông tin dự báo và đặc trưng sản xuất nông nghiệp ở miền núi phía bắc, chúng tôi đưa ra khuyến cáo với bài toán chăn nuôi gia súc ở 3 loại hình: có chuồng kiên cố, chuồng bán kiên cố và chăn thả tự do.
Theo đó, khi nhiệt độ giảm thấp, độ lạnh gia tăng sẽ gây ảnh hưởng cho gia súc, gây sốc nhiệt, viêm phổi hoặc cước chân. Do đó, với đàn gia súc ở các chuồng kiên cố, người dân cần kiểm tra lại, che chắn các hướng đón gió. Đàn gia súc chăn thả bên ngoài thì cần được khu trú lại, có thể di chuyển xuống các khu vực thấp hơn hoặc di chuyển sang chuồng trại kiên cố hơn để đảm bảo an toàn.
Người dân cũng nên bổ sung thêm các nguồn thức ăn cho gia súc như thức ăn tinh, muối và dự trữ thức ăn trong toàn bộ giai đoạn mùa lạnh. Về lâu dài, người dân cố gắng kiên cố hóa các chuồng trại, lên biện pháp tích trữ thức ăn phù hợp với thông tin dự báo hạn dài để có kế hoạch sản xuất phù hợp hơn với đặc trưng của thời tiết.
Với đặc trưng rét sâu, hoa màu hiện tại có thể bị "cháy". Do đó, bà con cố gắng phun nước cho cây vào sáng sớm, giảm khả năng băng giá khi mặt trời lên.
Song song với đó, bà con cần ra đồng muộn hơn và về sớm hơn, tranh thủ thời gian giữa trưa để canh tác.
Tại các khu du lịch vùng núi, nhân viên cần chủ động khuyến cáo cho khách hàng để chuẩn bị đồ cá nhân, mặc ấm, đặc biệt khuyến cáo thời gian nhiệt độ xuống thấp.
Ngoài ra, thời điểm có nhiệt độ thấp nhất trong ngày là 4h-7h. Người già thường có thói quen dậy sớm tập thể dục thì nên hạn chế trong những ngày này. Đặc biệt, người dân cần chú ý giữ gìn sức khỏe bằng cách mặc ấm và lưu ý không nên sưởi ấm bằng than tổ ong trong phòng kín.
Theo Mỹ Hà /Zing