UBND thành phố Hà Nội có Kế hoạch số 293/KH-UBND về thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2023 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
100% các chợ truyền thống không sử dụng túi ni lông
Theo đó, thành phố sẽ hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng áp dụng các giải pháp, phương thức, đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, liên kết bền vững để sử dụng có hiệu quả tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, giảm thiểu phát sinh chất thải, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững; tạo môi trường thuận lợi để kết nối đầu tư, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ giữa các doanh nghiệp tiềm năng của thành phố Hà Nội với mạng lưới chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ quốc tế; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững theo hướng tiếp cận vòng đời sản phẩm, đẩy mạnh liên kết trong các khâu từ khai thác tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu đến sản xuất, phân phối, tiêu dùng và thải bỏ; chú trọng sửa chữa, bảo dưỡng và bảo trì, tái sử dụng và tái chế trong các công đoạn của vòng đời sản phẩm; coi trọng đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường, cải tiến thiết bị, quy trình quản lý nhằm cải thiện, nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp thân thiện môi trường.
|
Phấn đấu 100% các chợ truyền thống không sử dụng túi ni lông. |
Cùng với đó, nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm xã hội của cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về sản xuất và tiêu dùng bền vững (từ sản xuất, lưu thông, phân phối, tiêu dùng, tái sử dụng); huy động sự tham gia, đóng góp của mọi thành phần trong xã hội, trong đó doanh nghiệp và người tiêu dùng đóng vai trò trung tâm.
Thành phố phấn đấu đến hết năm 2023, đạt các chỉ tiêu: Giảm 3-4% mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu của các ngành sản xuất, cụ thể dệt may, rượu, bia, nước giải khát, thép, nhựa. Tỷ lệ các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức về lối sống, tiêu dùng bền vững đạt 70%. 80% các khu, cụm công nghiệp và 50% các làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Đáng chú ý, thành phố tiếp tục phấn đấu 100% các chợ truyền thống không sử dụng túi ni lông khó phân hủy; chuyển đổi sử dụng các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường thay thế dần cho các sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy. Xây dựng, thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng bền vững; khuyến khích phân phối các sản phẩm thân thiện môi trường, được dán nhãn sinh thái tại các siêu thị, trung tâm thương mại…
Xây dựng nhiều mô hình
Thời gian qua, tại Hà Nội, có nhiều mô hình tương tự đã được thực hiện nhằm phân loại, thu gom và tái chế rác nhựa giá trị thấp.
Cụ thể, tại quận Hà Đông, mô hình “Ngôi nhà xanh” của phường Phú Lãm; “Ngôi nhà xanh thân thiện với môi trường” phường Phú Lương trở thành địa chỉ giúp các chị em tập kết phế liệu, rác có thể tái chế, như: Nhựa, giấy vụn, vỏ lon, giấy bìa... Mô hình đã thu hút nhiều gia đình tham gia, tạo thói quen phân loại rác tại nguồn. Tương tự, “Ngôi nhà xanh, thu gom rác thải nhựa gây quỹ từ thiện” tại phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) cũng được các hội viên phụ nữ nhiệt tình tham gia, lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, đầu tháng 10 vừa qua, quận Nam Từ Liêm đã tổ chức mô hình phân loại thu gom, tái chế rác thải nhựa giá trị thấp giai đoạn 2. Theo Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Nam Từ Liêm Đào Thị Hồng Lê, năm 2021, UBND quận đã triển khai thành công giai đoạn 1 tại địa bàn phường Mễ Trì, góp phần nâng cao nhận thức cho hơn 2.000 hộ dân trên địa bàn 4 tổ dân phố về thói quen phân loại hơn 8 tấn rác thải nhựa giá trị thấp để xử lý và tái chế. Giai đoạn 2, quận nhân rộng tại phường Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2 và toàn địa bàn phường Mễ Trì.
Theo Trung tâm Nghiên cứu môi trường và Cộng đồng (CECR), “Chương trình giảm rác thải nhựa giá trị thấp” tại quận Hoàn Kiếm là mô hình đầu tiên trong cả nước xây dựng tương đối hoàn chỉnh để thu gom được các loại rác giá trị thấp nên được sự ủng hộ của tất cả các cấp, góp phần nâng cao nhận thức của người dân.
>>> Mời độc giả xem thêm video Sinh viên làm gạch từ rác thải nhựa (THĐT)
Thiên Tuấn