Hà Nội ngập nặng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đưa 3 giải pháp cốt yếu

Google News

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, để chống ngập cho Hà Nội cần nghiên cứu thiết kế đô thị thông minh, chống chịu được các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Không hạ tầng nào chịu được khi mưa lớn cùng một thời điểm

Ngày hôm qua (29/5), Hà Nội đã xảy ra trận mưa lớn gây ngập úng nặng. Nhiều tuyến phố giao thông đã bị “tê liệt”, chìm trong biển nước. Nhiều ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân lớn gây nên tình trạng trên là do quy hoạch, và Hà Nội cần có những giải pháp cấp bách, không thể để Thủ đô tái diễn cảnh này.

Ha Noi ngap nang, Bo truong Tran Hong Ha dua 3 giai phap cot yeu
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội. 

Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội ngày 30/5 về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho hay, hiện nay, nhiệt độ nóng lên, thời tiết có biến đổi bất thường. Không phải chỉ Việt Nam mà ở các nước có hạ tầng phát triển như Mỹ, Châu Âu cũng có những hiện tượng thời tiết bất thường. Và khi mưa lớn tập trung vào một thời điểm như vậy thì không có hạ tầng nào có thể chịu đựng được.

“Chúng ta cũng phải phân biệt vấn đề dị thường thời tiết như mưa lớn cực đoan với các vấn đề chúng ta đầu tư hạ tầng thiếu đồng bộ, thiếu tầm nhìn là 2 vấn đề nguy cơ như nhau”, ông Hà nói.

Theo ông Hà, hệ thống nhà cao tầng và việc ngập lụt tại thành phố có ảnh hưởng nhưng chưa chắc đã có mối liên hệ với nhau.

Tuy nhiên, từ những diễn biến thời tiết cực đoan như vừa qua, theo ông Hà, cần phải nhìn lại toàn bộ hạ tầng ở các đô thị.

Khi thiết kế các đô thị, mỗi đô thị mang đặc trưng về địa hình khác nhau. Và quan trọng nhất là phải dự báo được tình cực đoan của khí hậu thời tiết, và dự báo được số lượng dân cư. Thậm chí, chúng ta còn phải dự báo các vấn đề không phải xảy ra hàng năm mà có thể 20, 30, 50 năm mới xảy ra 1 lần cực đoan thì cũng phải tính đến phương án đó.

Phải chú trọng khâu thiết kế cơ sở hạ tầng như công trình ngầm, đường giao thông ngầm, đường giao thông bề mặt.

Theo đó, phải có tầm nhìn để làm sao khu vực đó tự nhiên thoát được nước. Khu vực không tự thoát được nước thì phải sử dụng máy móc thiết bị nhưng điều đó phải hạn chế. Trong trường hợp thời tiết cực đoan thì phải tính toán hệ thống để trữ nước.

Chẳng hạn như Nhật Bản, có khu vực người ta bố trí những đường ngầm ở dưới, gọi là hầm chứa lớn ở dưới vừa giữ lượng nước để khi hạn hán thì tưới cây, nhưng trong thời điểm bất thường thì nó là nơi chứa nước. Hoặc bố trí trường học, sân vận động, cánh đồng lúa làm nơi chứa nước.

“Thậm chí, là cả một hệ thống dưới đường giao thông là các tank, thùng rất lớn để chứa nước. Đó là giải pháp mà các nước làm, tất nhiên là đắt đỏ, nhưng quan trọng là tầm nhìn, thiết kế và đầu tư hạ tầng và nó phải đồng bộ”, ông Hà nhấn mạnh.

Có thể sử dụng cánh đồng, sân vận động làm nơi chứa nước

Ha Noi ngap nang, Bo truong Tran Hong Ha dua 3 giai phap cot yeu-Hinh-2
 Mưa lớn kéo dài khiến một số tuyến phố ở thủ đô ngập sâu, người dân phải dắt bộ xe. Ảnh: TTXVN

Trả lời câu hỏi về giải pháp chống ngập lụt cho Hà Nội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà, cho hay, trước hết, Hà Nội cần tăng cường công tác dự báo. Thứ 2, cần có dự án tổng thể, trong đó đánh giá một cách căn cơ và đưa ra những số liệu trong lịch sử cũng như số liệu hiện nay về hiện tượng cực đoan của thời tiết (như mưa lớn trong những ngày qua”. Thứ ba, cần nghiên cứu thiết kế đô thị thông minh, chống chịu được các hiện tượng thời tiết cực đoan.

“Còn khi đã ngập rồi thì phải ứng phó, đó là sử dụng các máy bơm để thoát nước”, ông Hà cho hay.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, việc thiết kế được các đô thị thông minh sẽ bảo đảm tính bền vững.

Tuy nhiên, cần có một dự án tiếp cận một cách tổng thể, xuất phát từ dự báo, quy hoạch tính toán để có một hạ tầng có thể chống chịu, thích ứng, phù hợp được. Thêm vào đó là các giải pháp kỹ thuật, sử dụng các giải pháp mang tính chủ động như các khu vực khi lũ lụt thì có khu vực để chứa nước trong thời điểm đó.

“Như cánh đồng, sân vận động, có thể là các bể chứa nước để tạm thời không tạo ra sự ngập lụt, tác động vào những nơi xung yếu gây thiệt hại về tài sản cho con người”, ông Hà nói.

Về việc Hà Nội có nên lập dự án chống ngập như TP.HCM, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng không nên bắt chước. Mà những điều TP.HCM thành công thì học hỏi, cái chưa thành công thì cần cố gắng cải thiện.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, chúng ta hoàn toàn có thể làm được tốt công tác dự báo. Khi dự báo lưu lượng mưa trong một đơn vị thời gian, tính toán được lượng mưa trên một m2, nếu làm tiếp bài toán mô hình, khả năng công suất hệ thống tiêu thoát nước thì có thể dự báo mức độ ngập. Đây là điều hướng tới của cơ quan khí tượng thủy văn.

Mời quý độc giả xem video: "Hà Nội: Cây me cổ thụ bật gốc đè bẹp xe ô tô trong cơn mưa lớn". (Nguồn: THĐT).


 

Mai Loan