Thiệt hai trong đợt Hà Nội ngập lụt vừa qua để lại hậu quả nặng nề, Lao Động cho hay:
Dân lo ngại "dùng nước bẩn"
Xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội là một trong những nơi ngập nặng nhất trong đợt lũ vừa qua. Đường vào thôn ngập mùi tanh tưởi, rác nổi lềnh phềnh mặt nước, nước trong ao tù đen kịt, đặc quánh.
|
Rác rưởi, bèo trôi ngập mặt nước gây mùi khó chịu |
Những ruộng lúa đương kỳ trổ bông, thậm chí cả nghĩa trang đều chìm trong biển nước vàng đục. Khó khăn lớn nhất là vấn đề đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân.
Được biết, đối với xã Nam Phương Tiến, Trung tâm y tế (TTYT) phối hợp với Trạm Y tế xã Nam Phương Tiến đã tổ chức cấp phát thuốc cho người dân bị cô lập như thuốc ngoài da, thuốc phòng chống đau mắt đỏ, tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em, phụ nữ có thai và người cao tuổi có nguy cơ mắc các dịch bệnh mùa mưa lũ.
|
Người dân sử dụng thuyền làm phương tiện lưu thông trong thôn |
TTYT huyện đã cấp cho 11 xã có các gia đình bị ngập úng nặng các hóa chất để xử lý nước ăn gồm hàng trăm gói CloraminB và phèn chua. Đồng thời cử cán bộ bám sát các xã cùng với trạm y tế hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, khử khuẩn nguồn nước.
Tuy nhiên, về lâu dài nhiều người dân vẫn rất lo ngại nguồn nước. Trao đổi với Lao Động, ông Lê Văn Ơn – Trưởng thôn Nhân Lý cho biết: “Mưa lũ nước dâng ố vàng bẩn thỉu, rác rưởi, bèo trôi. Các thôn Nam Hài, Hạnh Bồ, hay Nhân Lý đều dùng nước giếng khoan hoặc giếng khơi.
Chúng tôi rất lo lắng bao nhiêu chất bẩn ngâm trong nước rồi ngấm xuống lòng đất. Từ hôm ngập úng chúng tôi chỉ dám dùng nước sạch do chính quyền cấp. Một ngày chúng tôi được cấp khoảng 2000 lít”.
|
Nước ngập từ nhà ra ngõ |
Bà Trần Thị Niên (thôn Nam Hài) chia sẻ: “Ngập cả tuần rồi, chính quyền cũng phát và hướng dẫn người dân cách sử dụng cloramin B, phèn chua để xử lý nước sinh hoạt hàng ngày nhưng tôi sợ nguồn nước mà năm nào cũng ngập úng nặng như thế này thì không đảm bảo dễ gây bệnh tật"
Cảnh báo nước giếng khơi
Đối với người dân sử dụng nước giếng khoan, tức là nước ngầm, ở tầng ngập nước phía dưới, PGS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa - Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên (ĐHQG Hà Nội) phân tích:
“Giả sử có một nguồn nước bẩn bị thẩm thấu xuống thì nó cũng được lọc qua tầng đất sét nên không ảnh hưởng đến tầng nước ngầm. Hơn nữa rất khó để thẩm thấu xuống, trừ khi có lỗ thủng từ tầng nước mặt xuống tầng nước ngầm còn nếu như không có lỗ thủng thì hầu như không ảnh hưởng gì.
Thế nên chuyện nước dâng lên cao 1m đến 2m thì áp suất do cột nước nén xuốngcũng tăng không đáng kể. Hơn nữa dòng ngang vẫn hoạt động, chênh lệch dòng nước giữa cột ngang nơi cao và nơi thấp vẫn chảy xuống. Tầng nước ngầm thì không có sự chênh lệch đó. Ở tầng nước ngầm thì chuyện thẩm thấu từ trên xuống do ngập úng, mưa bão, tốc độ rất chậm, chỉ khoảng vài chục mm một ngày”.
Tuy nhiên, PGS Trần Hồng Côn cũng cảnh báo: “Nhưng nếu như người dân dùng giếng khơi, giếng đào sâu chỉ tầm 2 đến 5 m tức là dùng nước mạch ngang, nước mặt thì nguồn nước sinh hoạt sẽ bị ảnh hưởng. Bởi vì nước sẽ không được lọc mà chỉ qua một tầng đất cát”.
GS.TS Trần Hiếu Nhuệ - Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ môi trường nhận định: “Việc xảy ra ô nhiễm môi trường hay ô nhiễm nguồn nước ở Chương Mỹ là chuyện đương nhiên sau những đợt ngập úng nặng nề như thế này. Tuy nhiên để giải quyết vấn đề nguồn nước thì gốc rễ vẫn là chỉ đạo từ phía thành phố Hà Nội. Để cứu người dân thì cốt lõi là thực hiện đúng quy hoạch đã định từ trước”.
Theo Thảo Anh/Lao Động