Hà Nội: Mất nước sạch 3 tháng, hàng nghìn hộ dân bức xúc

Google News

Việc mất nước kéo dài nhưng không cơ quan nào giải quyết sớm đã làm cho nhân dân vô cùng bức xúc, phẫn nộ.

Theo phản ánh, gần 3 tháng nay, hàng nghìn hộ dân tại KĐT Đại Kim (Hà Nội) sống trong cảnh mất nước sạch kéo dài khiến cho cuộc sống bị đảo lộn. , ngày 26/7, PV đã đến KĐT Đại Kim ghi nhận tình hình mất nước của khu vực này. 

Tại đây, người dân cho biết, từ đầu năm, tại khu nhà B1, B3, B5 nước sinh hoạt đã rất yếu, nhiều gia đình cả tháng mới được cung cấp chưa đầy 1m3. Đến giữa tháng 5, gần như  khu nhà B5 xảy ra mất nước hoàn toàn, khiến cho đời sống của người dân bị đảo lộn nghiêm trọng. Để duy trì sự sống, người dân phải mua nước từ các xe téc chở tới với giá cao hơn giá bán nước sạch quy định của UBND thành phố Hà Nội gấp vài chục lần.

Chia sẻ với PV, Đặng Thị Dung, nhà khu B5 phản ánh: “Mất từ 30.4 rồi, dân chúng tôi kêu mãi, gần đến đại hội thì họ cho được một tuần, hết đại hội thì cắt đến bây giờ. Họ không có thông báo hay cho biết lí do là gì”.
Ha Noi Mat nuoc sach 3 thang hang nghin ho dan buc xuc
  Người dân KĐT Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) phải "canh me" để có được những suất nước sạch "an ủi" sau khi bị cắt nước mấy tháng nay.
Ông Vũ Xuân Bình, Bí thư chi bộ Khu dân cư đô thị Đại Kim – Định Công 1 cho biết, Khu này mất nước diện rộng một tuần trong khoảng thời gian đường ống nước sông Đà bị vỡ lần thứ 18 (11/7). Còn riêng khu B5 tổ 2A mất nước cục hơn 2 tháng, trước đó cũng có trường hợp nhiều gia đình mất nước nhưng không báo cáo với chúng tôi.

Theo ông Bình, việc mất nước kéo dài khiến cho đời sống của người dân khu vực này bị đảo lộn. Để cứu lấy mình, hàng ngày, các gia đình tại khu B đã phải cử người ở nhà để chờ xe chở nước đến mua. Do giá mua cao nên người dân phải dùng đi, dùng lại nước: nước đã rửa rau để lại vo gạo, nước rửa mặt thì giữ lại để giặt giũ.

“Việc mất nước đến nay chưa có khiến chúng tôi rất là khổ, chúng tôi hiện đang phải đi mua nước của xe môi trường đô thị không biết nước lấy ở đâu, sạch hay không sạch, mỗi hộ gia đình mỗi tháng phải mua 2-3 xe nước với giá 6-700 nghìn/xe, mỗi xe là 4.8 khối nước tương đương 1 khối nước là 100 - 130.000 nghìn đồng)” – vị Bí thư chi bộ cho hay.

Ông Trần Văn Mùi, số nhà 15/B5 xót xa chia sẻ, gia đình ông có 8 khẩu, trung bình chỉ dùng khoảng 200-300 nghìn đồng, nhưng mấy tháng mất nước mỗi tháng gia đình ông phải bỏ ra từ 2-3 triệu đồng để mua nước. “Nếu họ thu 30-50 nghìn đồng thì chúng tôi còn chấp nhận được, với số tiền cao như thế này chúng tôi biết sống làm sao với số tiền lương chỉ vài triệu đồng/tháng” – ông Mùi than.
Ha Noi Mat nuoc sach 3 thang hang nghin ho dan buc xuc-Hinh-2
Sau khi bị cắt nước sạch sinh hoạt, người dân phải mua nước với giá từ 100-130 nghìn đồng/khối nước. 
Được biết, người dân ở đây đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương mong được xem xét, nhưng đến nay các cơ quan chức năng vẫn “im lặng”.

Trước đó, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP đã yêu cầu TCty Điện lực Hà Nội, Sở Xây dựng công khai số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin về sự cố điện, nước, dừng kế hoạch cắt điện trong cao điểm nắng nóng, tuyệt đối không để mất nước sạch cục bộ tại các khu dân cư, tổ dân phố và các khu chung cư. Thế nhưng đã gần 3 tháng trôi qua, người dân khu vực này không có nước sạch để dùng.

Theo  ông Vũ Xuân Bình, Bí thư chi bộ Khu dân cư đô thị Đại Kim – Định Công 1, nguyên nhân mất nước được Cty cổ phần Đầu tư Xây dựng & Kinh doanh Nước sạch (VIWACO) thuộc TCty Sông Đà cho biết, do đường ống nước sông Đà vỡ lần thứ 18 nên Cty sông Đà không dám tăng áp lực nước nữa nên một số hộ dân thiếu cục bộ. Nếu tăng áp lực để các hộ dân ở đây có nước thì đường ống nước sông Đà sẽ bị vỡ gây ra mất nước trên diện rộng.

Cũng theo ông Bình, sau khi cắt nước của nhân dân, đơn vị thông báo hỗ trợ trong 6 tháng đầu tiên, mỗi tháng 30 xe nước. Tuy nhiên, theo người dân tính, sau hơn 2 tháng mới chỉ có 29 xe nước (mỗi xe 4,8 khối) trong đó tổng số người lên đến cả nghìn người sử dụng. “Với lượng nước đấy không nhằm nhò gì, chỉ là động viên an ủi”, ông Bình ngậm ngùi nói.
Theo Lao động