UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị, địa phương chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên địa bàn thành phố.
Văn bản của thành phố Hà Nội nêu, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước đã xảy ra 17 ca tử vong nghi mắc bệnh dại, do bệnh dại ở 13 tỉnh, thành phố. Tại Hà Nội, đã ghi nhận 2 ổ dịch chó mắc bệnh dại ở huyện Sóc Sơn.
|
Ảnh minh họa. |
Để chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại, UBND thành phố yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật kịp thời chia sẻ thông tin với Chi cục Chăn nuôi và Thú y khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp người bị chó, mèo mắc bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại cắn; phối hợp điều tra, xác định nguyên nhân và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dại trên người theo quy định.
Theo chỉ đạo của UBND thành phố, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn chỉ đạo thành lập, duy trì, tăng cường hoạt động có hiệu quả của các đội bắt chó thả rông và có cơ chế, chính sách cho các đội bắt chó thả rông, đặc biệt tại các khu vực đô thị.
Thành phố cũng chỉ đạo thực hiện tốt việc quản lý chó nuôi; thống kê chính xác đàn chó, mèo nuôi; cập nhật thông tin và lập sổ quản lý chó nuôi trên địa bàn…
Được biết, từ năm 2018, Hà Nội đã thành lập đội săn bắt chó thả rông ở nhiều địa phương và có kết quả tích cực. Việc lập đội săn bắt chó thả rông này cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau, nhưng phần đông đều ủng hộ.
Anh Nguyễn Văn Quân (phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm) cho rằng, chủ trương này là hoàn toàn cần thiết. Việc chó thả rông ra ngoài đường, không rọ mõm vô cùng nguy hiểm cho người dân nhất là trẻ nhỏ khi bị chó cắn.
Theo anh Quân việc làm này là cần thiết, tuy nhiên cần phải thực hiện lâu dài và thường xuyên, không được ngắt quãng để tránh xảy ra tình trạng "đánh trống bỏ dùi", không tạo được thói quen của chủ chó.
Ngoài việc đồng tình chủ trương này áp dụng rộng rãi toàn thành phố, anh Quân cũng mong người nuôi chó cũng cần có ý thức hơn.
Là người trực tiếp nuôi 3 con chó, chị Hoàng Thu Thảo (xã Lai Xá, huyện Hoài Đức) bày tỏ ý kiến: Việc lập tổ công tác để bắt chó thả rông là một chủ trương tốt, cần phải nhân rộng. Tuy nhiên, quá trình triển khai phải có kế hoạch rõ ràng, cần phải có sự phân biệt nếu không dễ bị kẻ xấu lợi dụng.
“Đội săn bắt chó thả rông cần được chính quy hóa hơn bằng cách trang bị đồng phục, dụng cụ chuyên môn, thẻ tên và có những điểm nhận dạng cho công dân dễ phân biệt với những đối tượng lợi dụng để trộm chó gây bức xúc cho người dân”, chị Thảo nói.
Luật sư Nguyễn Tuấn Anh (đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, trên thực tế có nhiều trường hợp người dân bị chó cắn gây thiệt hại đến sức khỏe, tiền bạc và không ít trường hợp còn nguy hiểm đến cả tính mạng.
Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích và có người dắt; Nuôi chó tập trung phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh.
"Trường hợp để chó gây hậu quả thì chủ nuôi sẽ phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh việc xử phạt hành chính, chủ chó cũng có thể chịu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại với số tiền khá lớn", luật sư Nguyễn Tuấn Anh nói.
>>> Mời độc giả xem thêm video Đau đầu vì chó cưng có “sở thích” tặng quà cho chủ:
Thiên Tuấn