Hà Nội hướng phát triển công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Google News

Ngày 10/6, Thành ủy Hà Nội phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức tọa đàm "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Phát biểu tại tọa đàm, bà Bùi Huyền Mai - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết: “Hà Nội quyết tâm chuyển hóa các nguồn lực thành sức mạnh mềm của văn hóa, đảm bảo việc thúc đẩy mạnh mẽ sự kế thừa và phát triển về văn hóa sáng tạo của thủ đô ngàn năm văn hiến. Đây cũng là nhiệm vụ đặt ra sau khi Hà Nội chính thức được công nhận là thành phố sáng tạo để hiện thực hóa, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có sự phát triển cả về chất và lượng, đóng góp vào tăng trưởng chung của thủ đô”.
Ha Noi huong phat trien cong nghiep van hoa tro thanh nganh kinh te mui nhon
Bà Bùi Huyền Mai - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy.
Bên cạnh tiềm năng, cơ hội, bà Bùi Huyền Mai còn chỉ ra những khó khăn còn tồn tại trong việc phát triển công nghiệp văn hóa tại thủ đô. Cụ thể là các vấn đề toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thách thức về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, văn hóa số. Bên cạnh đó, sự tăng trưởng kinh tế chưa ổn định, việc hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, giáo dục sáng tạo, đào tạo trên các lĩnh vực công nghiệp văn hóa vẫn chưa cập nhật sự phát triển chung của thế giới. Việc thiếu cơ chế phối hợp bền vững giữa các lĩnh vực công nghiệp văn hóa cùng tình trạng vi phạm bản quyền ở nhiều lĩnh vực sáng tạo còn diễn ra khiến thị trường văn hoá phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của thủ đô.
Để đánh giá cụ thể các vấn đề đặt ra, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội sẽ tổ chức các tọa đàm thu thập ý kiến đóng góp, tham vấn của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật 13 lĩnh vực được xác định trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Chính phủ. Các lĩnh vực nêu trên gồm Điện ảnh, Nghệ thuật biểu diễn, Quảng cáo, Thủ công mỹ nghệ, Phần mềm và các trò chơi giải trí, Truyền hình và phát thanh, Thời trang, Du lịch văn hóa, Kiến trúc, Thiết kế, Xuất bản, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, không gian sáng tạo.
Cụ thể, các buổi tọa đàm sẽ tập trung vào 4 vấn đề chính. Thứ nhất là nhận diện tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa, từ đó đánh giá nguồn lực liên quan có thể đóng góp vào tăng trưởng GRDP của Thủ đô.
Thứ hai là những lĩnh vực mà các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia lĩnh vực công nghiệp văn hóa quan tâm, đi sâu vào thuận lợi và khó khăn trong quá trình phát triển hiện nay.
Thứ ba là những sáng kiến tham vấn, gợi mở, đề xuất với thành phố về các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển.
Thứ tư là sự vào cuộc, đóng góp của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong quá trình thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết.
Ha Noi huong phat trien cong nghiep van hoa tro thanh nganh kinh te mui nhon-Hinh-2
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu tại tọa đàm. 
Cũng tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định: "Văn hóa cùng con người Hà Nội là một nguồn lực quan trọng quyết định sự phát triển bền vững, Hà Nội có thể không là trung tâm hàng đầu về kinh tế nhưng Hà Nội phải là trung tâm hàng đầu đất nước về vấn đề văn hóa".
Theo nhạc sĩ Quốc Trung, định nghĩa về công nghiệp văn hóa sai lệch thì sẽ xây dựng một kế hoạch thiếu tầm nhìn. Không khó để chúng ta nhận thấy các dự án về phát triển công nghiệp văn hóa, nhất là các dự án cộng đồng có yếu tố nước ngoài hoặc chuyên gia nước ngoài đa phần tốt hơn các dự án trong nước không đơn thuần về kinh phí thực hiện, có rất nhiều lý do nhưng lý do quan trọng nhất là từ cách nhìn và cách đánh giá thực trạng một cách không khách quan..
"Thay vì là một điểm đến, Hà Nội vẫn chưa thực sự thu hút du khách do thiếu các hoạt động văn hóa nổi bật. Các mô hình nhỏ lẻ nội dung chất lượng cũ còn nghèo nàn. Ngoài điểm lạ mắt lạ tai thì chưa có tính hấp dẫn hay tính nghệ thuật đỉnh cao. Bên cạnh nghệ thuật rối nước, thành phố trong thời gian gần đây đã có thêm những chương trình xiếc “làng tôi” nhưng vở diễn còn gặp rất nhiều khó khăn. Chúng ta không thể phủ nhận chúng ta có tiềm lực thành phố gần 10 triệu dân cùng hàng trăm nghìn lượt du khách đến Hà Nội mỗi năm, vậy khó khăn nằm ở chỗ chúng ta chưa có sự phát triển bền vững. Một dự án nghệ thuật đỉnh cao muốn thu hút quan tâm của người dân trong nước cũng như là du khách nước ngoài cần có sự đầu tư.
Trước tiên để phát triển công nghiệp văn hóa chúng ta phải đánh giá nhìn nhận tiếp cận theo hướng tư duy thị trường. Yếu tố để phát triển thị trường là sự cạnh tranh, cạnh tranh lành mạnh phát triển, cạnh tranh để phát huy sáng tạo. Trong nhiều năm qua, các đơn vị nghệ thuật nhà nước trực thuộc thành phố và trung ương, các trung tâm văn hóa nghệ thuật của nhà nước tuy đã được hỗ trợ của nhà nước nhưng vẫn gặp khó khăn rất nhiều trong việc xây dựng nguồn lực.
Thành phố cần cởi mở hơn, xóa bỏ ranh giới giữa các đơn vị nghệ thuật trong và ngoài nhà nước để tận dụng các nguồn lực xã hội đồng thời tạo nên sự cạnh tranh góp phần phát triển chung của toàn thành phố. Thành phố nên mạnh dạn giao các dự án của thành phố cho các đơn vị tư nhân có uy tin năng lực. Xây dựng các chế độ quan lý về chát lượng, chế độ ngân sách tài chính để các đơn vị ngoài nước được quyền tham gia" - nhạc sĩ Quốc Trung bày tỏ quan điểm.
Ha Noi huong phat trien cong nghiep van hoa tro thanh nganh kinh te mui nhon-Hinh-3
Nhiều đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại buổi hội thảo. 
Nhận thức được tầm quan trọng của phát triển công nghiệp văn hóa sẽ mang lại lợi ích nhiều mặt, dài lâu cho đất nước, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã xác định phát triển công nghiệp văn hóa là một trong những mục tiêu trong giai đoạn mới, nhằm “khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Nghị quyết đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định quyết tâm “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị và thành tựu mới của văn hóa, khoa học kỹ thuật, công nghệ của thế giới”.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Review văn hóa ẩm thực liệu có dễ... mắc sai lầm

Nguồn: VTV


Hiểu Lam