Trong giai đoạn 2016-2020, dự kiến Hà Nội sẽ dành 3.000 tỷ đồng để xây dựng thành phố thông minh. Thông tin này được đưa ra tại phiên họp HĐND TP Hà Nội để xem xét Nghị quyết về điều chỉnh Chương trình mục tiêu ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020 diễn ra chiều 5/12.
Thảo luận về vấn đề này, ĐB Đỗ Thùy Dương (quận Cầu Giấy) cho rằng, Thành phố thông minh là xu hướng không thể đi ngược dòng và cho rằng con số 3.000 tỷ cho mục tiêu quan trọng này là không nhiều với các hiệu quả mang lại.
|
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Phan Lan Tú. |
“Đây không chỉ là bài toán đầu tư tài chính mà còn là thu hút nhân lực giỏi. Liệu chúng ta có chính sách thế nào để thu hút người tài, kể cả người nước ngoài?” – bà Dương nêu rõ.
Làm rõ vấn đề mà ĐB Dương nêu, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Phan Lan Tú cho biết, khung kiến trúc Thành phố thông minh đang được Chính phủ giao các bộ ngành xây dựng và mỗi đô thị sẽ có cách tiếp cận khác nhau.
Theo bà Phan Lan Tú, lộ trình xây dựng Thành phố thông minh của Hà Nội sẽ có 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 2016-2020: Hình thành cơ bản các thành phần như nền tảng cơ sở hạ tầng; xây dựng hệ thống thông minh: Giao thông, du lịch, giám sát môi trường, bảo đảm an ninh trật tự.
Giai đoạn 2 từ 2020-2025, coi người dân là trung tâm, người dân sẽ tham gia quản lý, hình thành kinh tế số cơ bản. Giai đoạn 3 là đến 2030, Hà Nội sẽ là Thành phố thông minh phát triển cao.
Về nguồn vốn, theo bà Phan Lan Tú, việc thuê dịch vụ thông tin đang được Chính phủ khuyến khích và nhờ thuê dịch vụ Hà Nội đã giảm dự toán từ 6.000 tỷ xuống 3.000 tỷ đồng. Việc thuê dịch vụ sẽ giúp triển khai nhanh, rõ lợi ích, không phải đầu tư ban đầu nhiều.
"Để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, Hà Nội đã có những cơ chế, chính sách cụ thể, lâu dài… Hà Nội sẽ đầu tư 80% nguồn vốn và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư"- bà Tú nói.
Theo UBND TP. Hà Nội, đến nay, nền tảng của chính quyền điện tử Thành phố từng bước được củng cố, hoàn thiện giúp cho bộ máy chính quyền Thành phố hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Thành phố Hà Nội đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu dân cư cho hơn 7,5 triệu người dân Hà Nội và đưa vào khai thác hiệu quả từ năm 2016.
Năm 2017, Thành phố đã hoàn thành việc xác định các yêu cầu và tích cực chuẩn bị triển khai các thành phần quan trọng xây dựng Thành phố thông minh như: Trung tâm giám sát, điều hành tập trung của Thành phố; hệ thống giao thông thông minh; hệ thống du lịch thông minh...
Hiện nay, Hà Nội đã thí điểm thành công ứng dụng tìm kiếm và thanh toán trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động (Iparking) trên 2 tuyến phố Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm); tiếp tục chỉ đạo triển khai mở rộng ứng dụng I-Parking tại 4 quận (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa) và 89 điểm trông giữ phương tiện phục vụ không gian đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.
Dự kiến đến 31/12/2017 sẽ hoàn thành triển khai “Hệ thống thông tin giao thông tích hợp, xây dựng bản đồ giao thông Hà Nội" nhằm cung cấp thông tin về tình trạng giao thông và vận tải hành khách công cộng theo thời gian thực phục vụ công tác quản lý, điều hành, điều tiết giao thông của các cơ quan quản lý nhà nước, cho người dân và du khách./.
Theo Thu Thủy/VOV.VN