Mới đây, trong văn bản trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ hợp thứ 2 , HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI, UBND Thành phố Hà Nội đã có câu trả lời về vấn đề ô nhiễm nguồn nước sông Tô Lịch. Đặc biệt, nêu ra những phương án “mạnh tay” để làm sạch dòng sông.
Sông "chết" giữa Thủ
Sông Tô Lịch có chiều dài khoảng 14 km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy), chảy về phía nam thành phố và ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa (Thanh Trì). Theo ước tính, sông Tô Lịch chịu 150.000 m³ nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt đổ trực tiếp ra dòng sông thông qua hơn 300 cống xả thải. Nước đen, bốc mùi hôi thối và lòng sông chỉ toàn rác và bùn lầy, sông Tô Lịch bị coi là dòng sông “chết” với mức độ ô nhiễm nghiêm trọng.
|
Hà Nội vẫn loay hoay với dòng "sông chết" mang tên Tô Lịch suốt nhiều thập kỷ. |
Thực tế những năm qua, thành phố từng nhiều lần nghĩ tới việc cải tạo sông Tô Lịch. Cụ thể là khoảng năm 2000, sông Tô Lịch được nạo vét đáy, kè bờ với mục đích làm sạch và chống lấn chiếm. Nhớ trận lụt lịch sử năm 2008, sông Tô Lịch như được “hồi sinh” với dòng chảy cuồn cuộn, nước trong vắt chứ không lờ nhờ bốc mùi xú uế như ngày thường. Chứng kiến cảnh đó, nhiều người đã vui mừng vì tưởng dòng sông đã trở lại như xưa, nhưng chỉ được vài tuần nước sông lại đen ngòm trở lại. Dựa vào ý tưởng này, năm 2009, TP. Hà Nội từng có đề án bơm nước sông Hồng vào Hồ Tây, rồi đổ sang sông Tô Lịch để lưu thông dòng chảy…, song không khả thi nên dự án không thực hiện được.
Năm 2019, TP. Hà Nội cho phép một Công ty Cổ phần tập đoàn Nhật Việt (JVE) thí điểm phương án làm sạch nước sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor. Cuộc thí điểm có vẻ cũng đạt hiệu quả mong muốn, song lại dấy lên một cuộc tranh cãi khi có ý kiến cho rằng, việc khoanh vùng và xử lý một khu vực nhỏ chưa thể phản ánh mức độ thành công cho cả một con sông dài. Cũng trong năm 2019, sông Tô Lịch còn được thành phố xả hơn một triệu mét khối nước từ Hồ Tây vào, dẫn tới những ý kiến bất bình từ các chuyên gia Nhật Bản về việc lượng nước xả vào đã phá hỏng thử nghiệm dự án làm sạch bằng nano-bioreacter.
Năm 2020, rất nhiều các cuộc họp, hội nghị, hội thảo,… đã được tổ chức để mổ xẻ vấn đề, tìm ra những giải pháp tổng thể, căn cơ làm sạch và hồi sinh dòng sông này sao cho phù hợp với đặc thù và những giá trị văn hóa, lịch sử của nó. Điển hình, ngày 15/9/2020, Công ty Cổ phần tập đoàn Nhật Việt (JVE) lại một lần nữa gửi công văn tới Thành ủy, UBND TP. Hà Nội về việc đề xuất “Giải pháp tổng thể” cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử-Văn hoá-Tâm linh Tô Lịch” hoàn toàn miễn phí. Hay việc, ngày 18/5/2020 một hệ thống cống gom nước thải ở thải bên bờ sông Tô Lịch được khởi công với mục đích đưa hàng trăm nghìn mét khối nước thải về nhà máy Yên Xá để xử lý nhằm chặn nguồn nước thải đổ trực tiếp vào dòng sông này…Kết quả, sông Tô Lịch vẫn ô nhiễm trầm trọng.
"Làm sống" sông Tô Lịch không đơn giản
Theo UBND Thành phố, những năm qua, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31/5/2017 về tăng cường công tác BVMT trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo, nhấn mạnh mục tiêu cụ thể đối với việc xử lý ô nhiễm môi trường nước, trong đó có xử lý ô nhiễm nước sống Tô Lịch, đảm bảo dòng chảy vào mùa khô và tập trung xây dựng, triển khai các phương án tạo cảnh qua, xử lý môi trường nước, từng bước làm “sống lại” dòng sông Tô Lịch...
UBND TP cũng đã thực hiện công tác duy trì bè thủy sinh trên sông Tô Lịch nhằm tạo cảnh quan và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước. Hoàn thành việc kè bờ và đường dạo 2 bên sông Tô Lịch, trong đó có đoạn tuyến sông Tô Lịch trên địa bàn quận Cầu Giấy: Kè đá, dựng lan can, trồng cây xanh...công tác quản lý mốc giới đã được thực hiện, không có tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép trên hành lang sông.
Tổ chức việc tuyên truyền, phối hợp với đơn vị cung cấp chế phẩm, UBND các quận, UBND các phường sử dụng chế phẩm làm sạch nước thải tại các hộ gia đình thuộc tổ dân phố của 4 phường đầu nguồn sông Tô Lịch.
Trên cơ sở kết quả triển khai dự án thoát nước thành phố giai đoạn 1 và 2, trước mắt tập trung đẩy nhanh ưu tiên xử lý một bước ô nhiễm nước sông Tô Lịch, Kim Ngưu đảm bảo các tiêu chí về thoát nước, môi trường và cảnh quan. Đẩy nhanh xây dựng hệ thống thu gom nước thải đưa về hệ thống xử lý trước khi xả vào nguồn nước các sông nội thành như: sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Sét, sông Lừ.
Theo lãnh đạo UBND TP Hà Nội, từ năm 2017, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã và các sở, ban ngành có liên quan tiến hành rà soát, kiểm tra và xác định các “Điểm đen” về ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố. Qua rà soát tại 21/30 quận, huyện, thị xã có 187 “điểm đen”, khu vực ô nhiễm và bức xúc về môi trường. Trên cơ sở kết quả khảo sát, UBND TP đã giao Sở Xây dựng, UBND các quận huyện và Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội xây dựng phương án, lộ trình xử lý, khắc phục ô nhiễm tại các “điểm đen”, đồng thời tăng cường quản lý vệ sinh môi trường dọc các tuyến sông, trong đó có sông Tô Lịch; nạo vét duy tu duy trì, nạo vét hệ thống thoát nước lòng cống, mương nhằm giảm thiểu ô nhiễm.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, y tế...trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tài nguyên nước. Qua đó, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hoạt động xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép vào môi trường.
Đáng chú ý, dự án “Đầu tư hệ thống mạng quan trắc môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội” là nhiệm vụ cấp thiết để đánh giá hiện trạng môi trường cho thành phố, trên cơ sở đó có thể mô hình hóa đánh giá mức độ ô nhiễm, tìm ra các nguồn phát thải và đánh giá mức độ ô nhiễm, tìm ra các nguồn phát thải và đánh giá mức độ ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường của các địa phương lân cận. Sở TNMT được UBND TP giao quản lý, tiếp nhận dữ liệu hệ thống trạm quan trắc nước mặt tự động liên tục do Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phú Điền tài trợ đối với 6 trạm quan trắc nước mặt tự động. Trong đó có trạm quan trắc tự động trên sông Tô Lịch nhằm đánh giá, kiểm soát, quản lý dữ liệu quan trắc môi trường nước sông Tô Lịch đã đi vào hoạt động từ tháng 12/2017.
Đặc biệt, trong văn bản trả lời ý kiến cử tri về vấn đề ô nhiễm môi trường của sông Tô Lịch, lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội khẳng định: “Hiện nay đang triển khai đầu tư dự án thu gom rác thải 2 bên bờ sông Tô Lịch để đưa về nhà máy xử lý nước thải. Khi thực hiện dự án, chất lượng nước sông Tô Lịch sẽ được cải thiện”.
Trao đổi với PV về các biện pháp trên của Hà Nội đối với sông Tô Lịch, PGS TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường phát triển cộng đồng cho biết, muốn cải tạo dòng sông cần thực hiện tốt công tác thu gom nước thải 2 bên bờ sông, không để xả thải trực tiếp xuống dòng sông. Cùng với đó, cần phải kết hợp cả cơ học và hóa học trong quá trình cải tạo.
"Do lòng sông chứa nhiều rác thải, nước đen, bùn bám ô nhiễm nên cần phải được nạo vét thường xuyên và dùng hóa chất kết hợp khử ô nhiễm. Bên cạnh đó, việc quy hoạch các dòng sông cũng vô cùng quan trọng. Bởi nếu chỉ xử lý quãng giữa nhưng đầu nguồn vẫn xả thải xuống thì sẽ không mang lại hiệu quả. Để hồi sinh sông Tô Lịch, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, có lộ trình cụ thể và kiểm soát chặt chẽ, kiên nhẫn mới có thể thành công” - PGS TS Bùi Thị An nói.
Hiểu Lam