Nhiều hồ “chết”
Hồ Linh Quang (quận Đống Đa) là một trong những hồ dường như không còn sự sống của thủy sinh. Ông Hà Văn Chữ, ở ngõ Linh Quang (quận Đống Đa) than thở: “Hồ Linh Quang giờ là bãi chứa rác chứ có phải cái hồ đâu. Ô nhiễm lắm, không ai dám ló mặt ra hồ vì... hôi”. Ngày 9/10, có mặt tại hồ Linh Quang, chúng tôi mới thấy được mức độ ô nhiễm của hồ này. Quả đúng như lời ông Chữ nói, hồ Linh Quang đã biến thành một núi rác cao lút đầu người với đủ thứ rác thải. Xung quanh hồ đều được quây tôn bịt các lối ra. Góc phía Bắc hồ Linh Quang, người dân còn dựng nhà vệ sinh tạm bợ để xả thẳng xuống hồ. Nơi đây là chỗ trú ngụ của hàng chục lao động ngoại tỉnh. Họ dựng lên những ngôi nhà tạm bợ lấn dần ra phía mặt hồ để sinh sống qua ngày và tất tần tật rác thải sinh hoạt đều đổ thẳng xuống hồ. Ông Chữ cho biết, hồ này nằm trong kế hoạch giải phóng mặt bằng của thành phố hơn 10 năm trước song đến nay hồ ngày càng ô nhiễm trầm trọng hơn. “Những ngày nắng to, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Ngày nắng dân chưa khiếp sợ bằng ngày mưa. Mưa to, mưa lâu một chút thì ai cũng lo thon thót bởi nước từ hồ dềnh vào ngõ, vào nhà. Chảy theo dòng nước là đủ thứ rác thải hôi hám và mầm bệnh”, ông Chữ lắc đầu nói.
|
Mặt hồ Linh Quang nơi đã bị biến thành bãi rác. Ảnh: HP |
Không ít hồ ở Hà Nội cùng chung số phận với hồ Linh Quang. Mới đây, một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) được công bố cho thấy chất lượng nước tại nhiều ao, hồ ở Hà Nội đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trong số 30 hồ trọng điểm được phân tích, có tới 6 hồ ô nhiễm rất nặng, 8 hồ ô nhiễm nặng và 11 hồ có dấu hiệu ô nhiễm bởi các hoạt động xả trực tiếp nước thải sinh hoạt, rác thải và lấn chiếm lòng ao, hồ để nuôi cá, kinh doanh. Giai đoạn 2010 - 2015, Hà Nội có 17 hồ bị san lấp hoàn toàn nhưng chỉ bổ sung 7 hồ mới. Đến năm 2015, các quận nội thành còn 112 hồ, giảm 10 hồ. Các ao, hồ bị san lấp và lấn chiếm gồm hồ Linh Quang, ao Trại Cá, ao Yên Hòa, ao Ải Bái Ân, ao Khu Đồng Xa... Riêng Hồ Tây, trước đây rộng hơn 500ha, đến năm 2010 chỉ còn 460ha. Cũng theo thông tin từ Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng cho biết, đến năm 2015, những hồ chưa được kè đang đứng trước nguy cơ bị lấn chiếm để xây nhà, bãi đỗ xe; trở thành bãi tập kết rác, phế liệu, nơi chứa rác sinh hoạt; thậm chí biến thành nơi phơi đồ. Nhiều sông, hồ ở Hà Nội dường như đã “chết” do quá trình xả nguồn nước thải chưa qua xử lý và đổ vật liệu xây dựng lấn chiếm. Ngoài ra, việc nuôi thủy sản quá mức cũng khiến nhiều ao, hồ bị ô nhiễm và mất dần một phần diện tích trên bản đồ Hà Nội.
Sống chung với sông ô nhiễm
Với chiều dài khoảng 20km, điểm đầu ở quận Bắc Từ Liêm, điểm cuối tại huyện Phú Xuyên, nhiều khúc của sông Nhuệ nước đen kịt, đặc quánh, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc và gần như không còn xuất hiện sự sống dưới lòng sông. Theo khảo sát của chúng tôi, những điểm ô nhiễm nặng nề nhất trên sông Nhuệ là khu vực Cầu Trắng của quận Hà Đông và khu vực sông chảy qua địa bàn huyện Thanh Trì. Có những thời điểm lòng sông gần như cạn khô, xác các loài động vật thối rữa, bốc mùi nồng nặc khó chịu. Theo các hộ dân sinh sống dọc hai bên bờ, thực trạng ô nhiễm trên sông diễn ra đã lâu và ngày một tăng theo sự xuất hiện của hàng loạt những khu đô thị, khu chung cư. Ông Hồ Hải Đức, ở xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì cho hay: “Nước sông Nhuệ ngày càng ô nhiễm. Không những tôm cá không sống nổi, mà người lội sông còn bị mẩn ngứa, mắc đủ thứ bệnh ngoài da. Gặp trận mưa, tôm cá trong ao tràn bờ ra sông thì y như rằng ngày hôm sau toàn bộ số tôm cá đó bị chết, nổi trắng khắp mặt sông. Người dân chẳng ai dám vớt về cho lợn, cho vịt, gà ăn vì sợ bị mang bệnh”.
Cư dân sinh sống trên địa bàn quanh sông Nhuệ còn cho biết, con sông này bị ô nhiễm nặng đã gây ảnh hưởng tới mạch nước ngầm. Hàng loạt giếng nước của các hộ dân sinh sống dọc con sông dần bị chuyển sang màu đục nhờ nhờ, nổi váng và có mùi hôi, tanh. Nhiều đoàn kiểm tra vệ sinh môi trường huyện Thanh Oai về lấy mẫu nước giếng đi xét nghiệm. Kết quả cho thấy, nước giếng ở Cự Khê (huyện Thanh Oai) bị nhiễm asen ở mức độ cao vượt ngưỡng cho phép. Tại các sông thoát nước khác của Hà Nội như sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu... tình trạng ô nhiễm cũng đang ở mức nghiêm trọng. Ở nhiều đoạn, lòng sông chẳng khác cái ao tù, nước đen đặc, nổi váng, bốc mùi xú uế nặng, ruồi nhặng bu kín.
Phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, nơi được mệnh danh là “xóm nước đen”. Những ngày trời oi nồng vừa qua, không khí ở đây mới thực sự ngột ngạt khó chịu. Tuy nhiên, mọi sinh hoạt ở “xóm nước đen” vẫn diễn ra bình thường; chợ búa, các dịch vụ cà phê, giải khát, cắt tóc gội đầu… giăng kín hai bên bờ sông. Phường Vĩnh Tuy cũng chịu chung số phận như vậy. Một số khu dân cư chưa có nước máy dùng, nên phải dùng nước giếng khoan. Khoan sâu mấy thì nước ở đây cũng có mùi tanh tanh, lờm lợm. Hệ lụy từ việc xả rác thải vô ý thức và không kiểm soát chặt chẽ đã khiến sông, hồ ở Hà Nội ô nhiễm. Hồ Hoàng Cầu, Hồ Tây cá chết nổi trắng hồ. Đáng sợ hơn, có những dòng nước đã không còn sự sống từ lâu. Bài toán giải quyết vấn đề môi trường tại các sông, hồ ở Hà Nội đang cần lời giải từ các cấp ngành của thành phố này.
“Nước sông Nhuệ ngày càng ô nhiễm. Không những tôm cá không sống nổi, mà người lội sông còn bị mẩn ngứa, mắc đủ thứ bệnh ngoài da. Gặp trận mưa, tôm cá trong ao tràn bờ ra sông thì y như rằng ngày hôm sau toàn bộ số tôm cá đó bị chết, nổi trắng khắp mặt sông. Người dân chẳng ai dám vớt về cho lợn, cho vịt, gà ăn vì sợ bị mang bệnh”, ông Hồ Hải Đức (ở xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì) cho hay.
>>> Mời quý độc giả xem video Ý thức vứt rác bừa bãi (nguồn VTV):
Theo Giadinh.net