Thời gian qua, báo điện tử Kiến Thức liên tiếp nhận được phản ánh của nhiều người dân sinh sống trên địa bàn phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) về tình trạng hàng trăm người từ các địa bàn khác nhau ở Hà Nội tụ tập, lấn chiếm vỉa hè lòng đường phố Trần Quốc Vượng thành khu chợ trái phép.
Theo phản ánh, những người buôn bán thường tập trung nhau đến phố Trần Quốc Vượng họp chợ từ khoảng 2h đến 8h sáng mỗi ngày. Từ 8h sáng trở đi khu phố này được trả lại sự yên tĩnh cùng với cột biển báo “khu vực cấm họp chợ”, và nước thải chảy lênh láng bốc mùi hôi tanh, kèm theo các đống rác dọn không sạch.
|
Từ nút giao đường Phạm Hùng lên khoảng 10m rẽ vào phố Trần Quốc Vượng lòng đường, vỉa hè bắt đầu bị lấn chiếm để họp chợ trái phép. |
|
Dù họp chợ trái phép nhưng những sạp hàng đều được cấp bóng điện chiếu sáng, điều này khiến người dân thắc mắc: Ai đứng ra cung cấp điện cho những người này? |
Tiếp nhận thông tin phản ánh, những ngày cuối tháng 3/2019 và đầu tháng 4/2019, PV Kiến Thức đã “mục sở thị” phố Trần Quốc Vượng nhận thấy, hoạt động buôn bán diễn ra ở đây rất nhộn nhịp.
Đi từ nút giao đường Phạm Hùng lên khoảng 10m rẽ vào phố Trần Quốc Vượng nhiều người đều dễ dàng nhìn thấy các sạp xếp nối nhau trên vỉa hè để bày bán rau củ quả, thủy hải sản, thịt lợn, thịt bò, đậu... Phía dưới lòng đường là những chiếc xe máy, xe đạp, ô tô dừng đỗ ngang dọc tràn lan gây cản trở các phương tiện lưu thông.
|
Từ khoảng 8h sáng mỗi ngày trở đi trên phố Trần Quốc Vượng chỉ còn cảnh nước thải hôi tanh chảy theo rãnh sát mép vỉa hè như thế này. |
|
Biển báo "khu vực cấm họp chợ" được cắm rất nhiều dọc theo con phố Trần Quốc Vượng như "thuật che mắt". |
Dù thời điểm họp chợ chỉ khoảng 3h sáng, nhưng trước tiếng nổ của những chiếc xe máy “ngựa thồ”, hòa quện với tiếng ầm ầm của những chiếc ô tô vận chuyển hàng hóa đến đây khiến bầu không gian yên tĩnh ban đêm bị xé toạc, người dân sinh sống dọc hai bên phố Trần Quốc Vượng cứ như vậy bị tra tấn giấc ngủ mà không thể làm gì được.
“Ban ngày chúng tôi đi làm đã rất mệt mỏi rồi, tối về nhà chỉ muốn được ngủ yên tĩnh để không bị ảnh hưởng đến sức khỏe sáng hôm sau còn dậy đi làm, nhưng tối nào cũng từ 2h y rằng bị đánh thức bởi tiếng ồn ào từ phía chợ tạm không phép này”, - chị T.N (người dân) bức xúc nói.
Điều đáng nói, các sạp hàng bày bán ở đây chỉ tạm bợ nhưng theo quan sát của PV thì hầu hết các sạp đều được cung cấp điện đầy đủ, phân chia địa điểm bán rõ ràng.
|
Xe công vụ có Công an (khoanh đỏ)... |
|
... cùng với dân phòng ban đêm đến chợ tạm, không phép trên phố Trần Quốc Vượng làm gì? (Ảnh: Người dân cung cấp). |
Ngạc nhiên hơn, khi bạn đọc cung cấp cho PV loạt hình ảnh về một chiếc xe Công vụ của Công an phường và hình ảnh một số người mặc trang phục Công an, tổ dân phố có mặt ở “chợ tạm” Trần Quốc Vượng ban đêm nhưng vẫn không thấy khu chợ trái phép này được xóa sổ. Ngược lại còn khiến những người tụ tập thêm “yên tâm” hơn.
“Nếu muốn có được một chỗ bán ở đây phải trả từ 130 - 180 nghìn đồng/ngày đấy. Có người sẽ đến thu, không nộp thì không được bán”, - một nguồn tin nói với PV.
Theo nguồn tin của PV Kiến Thức, ngoài việc tụ họp chợ trái phép trên phố Trần Quốc Vượng gây ồn ào, ô nhiễm thì tại đây còn xảy ra việc người đi bán hàng tranh giành “địa bàn” dẫn đến ẩu đả, đánh nhau gây mất an ninh trật tự. Gần đây nhất là vụ việc xảy ra vào lúc 5h30 ngày 24/3/2019.
Trước tình trạng diễn ra, sáng ngày 5/4 PV Kiến Thức đã liên hệ với ông Mạc Đình Thắng - Trưởng Công an phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), thì được ông Thắng cho biết: Trước Tết quận Cầu Giấy đóng cửa chợ nông sản, 600 -.700 tiểu thương không có chỗ bán hàng, người ta kéo đi khiếu kiện khắp nơi rất đông. Bây giờ sắp xếp chỗ cho người ta bán chưa có nên họ mới tản ra”.
Bên cạnh đó, ông Thắng cho hay: “Công an phường đang tham mưu với UBND phường giải quyết nhiều vấn đề ở đây”, đồng vị này khẳng định Công an phường Dịch Vọng Hậu không “bảo kê” hoạt động ở chợ này như thông tin phản ánh.
Kiến Thức tiếp tục thông tin những hoạt động đang diễn ra ở chợ tạm, không phép trên phố Trần Quốc Vượng gây mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường.
Mạnh Hưng