Theo ông Vũ Văn Viện, xe máy tuy thuận tiện nhưng có quá nhiều thì không chỉ gây ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Nếu không kiểm soát được xe máy, đến một lúc nào đó thiệt hại từ ùn tắc giao thông sẽ để lại hậu quả hết sức nặng nề cho TP.
Cùng với cấm xe máy, Hà Nội cũng sẽ hạn chế ô tô cá nhân vào nội đô thông qua các giải pháp kinh tế.
|
Đường Nguyễn Trãi, Hà Nội. Ảnh: Đoàn Bổng |
Theo ông Vũ Văn Viện, đi xe máy ở nước ta hiện nay giống như Trung Quốc cách đây 10-15 năm, do vậy để thay đổi cần có giải pháp đồng bộ, trong đó có vấn đề phát triển vận tải công cộng đáp ứng nhu cầu của người dân.
“Chúng tôi có nghiên cứu ở Bắc Kinh, Thượng Hải (Trung Quốc) thấy lộ trình của họ là 3-5 năm. Với tình hình Hà Nội, chúng tôi đặt ra lộ trình dài 12-13 năm, khi đủ điều kiện thì mới cấm”, ông Viện khẳng định.
Trong khi đó, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy nhận định, hạn chế phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc giao thông nội đô là đúng, nhưng phương tiện công cộng phải tốt, hạ tầng phải mở rộng, đường thông, hè thoáng.
Thế nhưng, hiện nay Hà Nội vẫn chưa đưa được tuyến đường sắt đô thị, tàu điện ngầm nào vào khai thác, trong khi đối với thành phố 10 triệu dân thì đây phải là huyết mạch giao thông đô thị.
“Hà Nội đưa ra lộ trình đến năm 2030 cấm xe máy nhưng nếu cấm sẽ có bao nhiêu phần trăm được sử dụng vận tải công cộng? Đến 2030 may ra vận tải công cộng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 20-25%, còn hiện nay mới chỉ 8%.
Vậy hơn 70% người dân đi bằng gì, chắc chắn người ta vẫn phải đi xe máy, xe cá nhân”, ông Thuỷ lo lắng.
Ông Thuỷ cũng nói rõ, Hà Nội không nên so sánh với việc cấm xe máy ở Bắc Kinh, bởi khi cấm, vận tải công cộng Bắc Kinh đã đáp ứng 60% nhu cầu đi lại của người dân.
Đó là chưa kể Bắc Kinh là TP có khí hậu lạnh giống các nước châu Âu, ít người đi xe máy nên việc cấm cũng dễ dàng hơn.
Đi bộ nhiều hơn
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay, khi cấm xe máy, người dân sẽ phải đi bộ nhiều hơn, đi sớm hơn. Có thể thời gian đi lại dài hơn nhưng ở trên phương tiện công cộng chứ không phải do ùn tắc ở ngoài đường. Khi lượng xe máy giảm sẽ tạo điều kiện cho phát triển vận tải công cộng tốt hơn, nhanh, thuận tiện hơn.
Ông Viện dẫn chứng tuyến BRT Hà Đông - Giảng Võ được đầu tư rất tốt, có khả năng vận chuyển lớn, tốc độ nhanh nhưng do phương tiện cá nhân quá nhiều nên chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn.
"Nếu đủ điều kiện để dừng hoạt động xe máy ở tuyến đường BRT chắc chắn có thể tăng tần suất hoạt động của buýt nhanh. Lúc đó chạy từ Hà Đông lên tới Kim Mã chỉ mất 10-15 phút , rất an toàn và thuận lợi", ông Viện nói.
Theo Vũ Điệp - Hồng Nhì/Vietnamnet