Sáng 9/9, GS Ngô Bảo Châu có buổi trò chuyện với các bạn học sinh, sinh viên tỉnh Thừa Thiên - Huế tại Trường ĐH Sư Phạm - ĐH Huế.
Trước các câu hỏi về điểm thi đầu vào ngành sư phạm năm nay rất thấp liệu có ảnh hưởng đến chất lượng cũng như vị thế của nghề trong tương lai, GS Ngô Bảo Châu cho rằng: Điều đó không quan trọng bằng việc các bạn được học và tự học những gì khi đang ở trên ghế giảng đường.
|
GS Ngô Bảo Châu. |
GS Châu lý giải nghề giáo là một nghề được xã hội quý trọng và đứng đầu trong các nghề. Dù chế độ lương bổng, đãi ngộ của nghề giáo đang thấp hơn so với nhiều nghề khác nhưng điều đó là dễ hiểu trong bối cảnh chung của nền kinh tế thị trưởng ở nước ta.
"Đừng băn khoăn về vật chất khi chọn nghề giáo bởi thứ đáng quý của nghề là được truyền đạt tri thức nhân loại cho thế hệ mai sau. Nếu sau này các bạn trở thành những giáo viên giỏi, dạy được nhiều học trò giỏi thì tự khắc vị thế của ngành sư phạm sẽ được nâng cao hơn nữa", GS Châu nói.
"GS có thể nói thêm về nạn chảy máu chất xám hiện nay ở Việt Nam được không? Điển hình đó là rất ít các quán quân của chương trình Đường lên đỉnh Olympia trở về nước sau khi đi du học", câu hỏi của một bạn sinh viên đặt ra cho GS Ngô Bảo Châu khiến cả khán phòng vỗ tay hưởng ứng.
Trả lời câu hỏi này, GS Châu cho rằng đây là cái giá phải trả cho việc Việt Nam mở cửa, hòa mình vào nền kinh tế thế giới đang phát triển mạnh mẽ. Tuy chúng ta mất người ở các quốc gia khác nhưng các trí thức nước ngoài cũng về nước ta làm việc, giúp nước ta phát triển.
"Việt Nam không thể ép các bạn quay về nước để phục vụ, xây dựng đất nước. Nhưng tôi tin rằng đã là người Việt thì ai cũng yêu quê hương, yêu nguồn cội của mình. Đó chính là động lực để rất đông tri thức người Việt sau khi học tập ở nước ngoài đã chọn quay về nước để làm việc" - GS Châu chia sẻ.
Chia sẻ về bí quyết thành công của mình, GS Ngô Bảo Châu nói rằng đừng bao giờ làm nhiều việc cùng một lúc. "Hãy tập trung toàn bộ suy nghĩ để làm một việc duy nhất. Hoàn thành đã rồi mới làm việc khác" - GS Châu nói.
Theo Nhật Anh/Tuổi trẻ